Thế trận tên lửa Đông Bắc Á: Các kịch bản đánh chặn

12/04/2012 03:35 GMT+7

Mỹ cùng các đồng minh có thể bắn hạ tên lửa đẩy vệ tinh của CHDCND Triều Tiên cả bên ngoài lẫn trong bầu khí quyển.

Reuters dẫn lời người đứng đầu Trung tâm điều khiển vệ tinh CHDCND Triều Tiên Paek Chang-ho cho hay tên lửa đẩy của nước này được bơm đầy nhiên liệu vào ngày 11.4. Từ đó, có chuyên gia Hàn Quốc cho rằng miền Bắc có thể phóng tên lửa từ 7-12 giờ sáng 12.4 theo giờ địa phương (tức 5-10 giờ sáng, giờ VN). Hiện Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng can thiệp tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên nếu cần thiết.

Theo tạp chí The Aviation Week, Mỹ đang sở hữu 1 máy bay Boeing YAL-1 có thể phát tia laser năng lượng cao để phá hủy tên lửa ngay khi vừa rời bệ phóng. Tuy nhiên, khả năng trên khó xảy ra vì Washington chẳng có lý do gì can thiệp khi tên lửa đang bay trong vùng trời CHDCND Triều Tiên. Vì thế, hệ thống phòng thủ tên lửa 2 tầng mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang thiết lập vẫn được nhắc đến nhiều nhất.

Lá chắn 2 tầng

Trong đó, lựa chọn đầu tiên là Mỹ và đồng minh sẽ bắn hạ tên lửa đẩy vệ tinh của CHDCND Triều Tiên khi nó ra khỏi bầu khí quyển và ở đó trong vòng khoảng 20 phút. Theo tạp chí Popular Mechanics, ngay khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, vệ tinh do thám và các radar sẽ lập tức chuyển thông tin đến hệ thống định vị FPS-5 để khóa mục tiêu. Sau đó, thông tin về mục tiêu bị khóa tiếp tục được truyền sang hệ thống phòng thủ Aegis trên các tàu chiến của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.


Ảnh mô phỏng quá trình bắn hạ tên lửa của Triều Tiên - Đồ họa: Hồng Sơn
 

Cùng lúc, tất cả các hệ thống dò tìm tiếp tục cập nhật thông tin của mục tiêu để truyền cho tàu chiến. Khi cần thiết, các hệ thống Aegis sẽ phóng hỏa tiễn SM-3 để đánh chặn tên lửa đẩy của CHDCND Triều Tiên. Tờ The Japan Times dẫn lời chuyên gia quân sự Nhật Bản Motoaki Kamiura nhận định tên lửa đẩy lần này của Bình Nhưỡng có thể đạt trần ở độ cao 370 km. Tuy nhiên, giai đoạn đạt trần không kéo dài và tên lửa SM-3 đủ sức bắn cao đến 300 km nên các hệ thống Aegis thừa khả năng đánh chặn tên lửa.

Nếu SM-3 thất bại, các hệ thống tên lửa PAC-3, luôn được cập nhật thông tin định vị mục tiêu, trở thành hàng rào thứ 2. Theo The Japan Times, mỗi xe phóng lưu động PAC-3 có thể liên tục bắn đi 16 tên lửa nên đủ sức tạo nên một lưới phòng vệ rộng khắp, đánh chặn hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu tên lửa đẩy vệ tinh của CHDCND Triều Tiên bay theo đúng hành trình được nước này thông báo thì nó sẽ không gây ra nguy cơ nào và Mỹ cùng đồng minh không có lý do gì để can thiệp. Mặt khác, giới chức Bình Nhưỡng từng cho biết sẽ chủ động phá hủy tên lửa đẩy nếu nó bay chệch hướng. Thời gian qua, CHDCND Triều Tiên cũng bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này phóng vệ tinh nhằm thử tên lửa tầm xa trá hình và khẳng định chỉ phóng vệ tinh dân sự với mục đích hòa bình, không đe dọa bất cứ bên nào.

Kim Jong-un lãnh đạo đảng lao động triều tiên

Ngày 11.4, ông Kim Jong-un được bầu làm Bí thư thứ nhất trong hội nghị đặc biệt của đảng Lao động Triều Tiên, theo AFP. Đây là chức danh mới được đặt ra cho đại tướng Kim Jong-un còn cha ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-il được tôn vinh là “Tổng bí thư vĩnh cửu” của đảng. Với chức Bí thư thứ nhất, đại tướng Kim sẽ trở thành lãnh đạo tối cao của đảng Lao động Triều Tiên.

Thời gian qua, có ý kiến nhận định việc Bình Nhưỡng kiên quyết phóng vệ tinh cũng nhằm củng cố vị trí cho đại tướng Kim Jong-un trong giai đoạn hoàn tất chuyển giao quyền lãnh đạo. Cùng ngày, ông Kim Jong-gak, 75 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.