Thách thức trong bảo tồn di sản

19/04/2012 03:03 GMT+7

Từ ngày 16 - 18.4, tại cố đô Huế đã diễn ra Hội nghị toàn thế giới các thành phố lịch sử (lần thứ 13).

Từ ngày 16 - 18.4,  tại cố đô Huế đã diễn ra Hội nghị toàn thế giới các thành phố lịch sử (lần thứ 13).

Hội nghị quy tụ hơn 330 đại biểu đến từ 32 thành phố di sản, lịch sử toàn thế giới của 16 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế như JICA, KOICA (Nhật Bản), UNESCO... Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh chủ đề xác định các thách thức phổ quát của di sản và giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Kinh nghiệm của các nước

Đến từ cố đô Kyoto (Nhật Bản), Thị trưởng Daisaku Kadokawa, chia sẻ: “Kyoto là thủ đô của Nhật Bản trong hơn 1.000 năm và vẫn còn được xem là thủ đô văn hóa cho đến ngày nay. Năm 1994 (kỷ niệm 1.200 năm thành lập), 17 ngôi đền và lâu đài đã được UNESCO công nhận Di sản thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà tài sản vật thể và phi vật thể còn tồn tại cho đến hôm nay. Vượt qua nhiều khó khăn, người dân Kyoto đã nỗ lực hết mình để khôi phục và phát triển thành phố lịch sử”.

 
Lễ hội Nam Giao được phục dựng tại Huế nhiều năm qua vẫn loay hoay với "tế thật hay sân khấu hóa" - Ảnh: B.N.L 

Ông đưa ra ví dụ trong việc phục dựng lại lễ hội Gion, vốn ra đời từ thế kỷ thứ 9 gắn với bệnh dịch xảy ra khắp Nhật Bản và thảm họa động đất. Triều đình tổ chức lễ hội này nhằm cầu nguyện để xóa bỏ bệnh dịch và an ủi tinh thần cho người dân sau động đất.

Năm 2011, khu vực Tohoku một lần nữa chịu ảnh hưởng của động đất rất lớn. “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng không chỉ cung cấp vật chất mà còn phải hỗ trợ tinh thần để người dân có thể vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ đến việc an ủi người dân bị thiệt hại bằng cách tổ chức lễ hội Gion. Lễ hội đã được khôi phục và được hưởng ứng nồng nhiệt” - ông Daisaku Kadokawa nói.

Việc khôi phục lại di sản Donggung (cung diện Hoàng tử) và Wolji (hồ Mặt Trăng) được ngài Choi Yang-sik, Thị trưởng thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) chia sẻ: Gyeongju là thủ đô ngàn năm của vương triều Silla, cái nôi của văn hóa Hàn Quốc. Năm 1975, hai di tích độc đáo này được tiến hành khai quật và tìm thấy khoảng 20.000 hiện vật. Từ những kết quả khảo cổ học, từ năm 1977 -1978 công việc phục hồi được tiến hành ốp đá và xây dựng lại 3 tòa lâu đài. Dự án phục hồi lại Donggung và Wolji được đẩy mạnh trong giai đoạn từ 2010 - 2014, với nguồn kinh phí 20 tỉ won. Thông qua dự án này, Gyeongju đã thực sự lột xác trở thành thành phố di sản lịch sử và văn hóa của thế giới.

Thách thức của Huế

Tại diễn đàn thanh niên với di sản trong khuôn khổ của hội nghị, nhóm nghiên cứu sinh và sinh viên Khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học Huế) đã dẫn chứng số liệu từ báo cáo khoa học do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Trường ĐH Khoa học Huế (thực hiện vào tháng 3.2011) cho thấy vấn đề ô nhiễm đang trở thành vấn nạn của di sản Huế. Trước hết là thực trạng ô nhiễm nguồn nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, rác thải... Bên cạnh đó là việc xâm lấn di tích để làm nhà cửa, canh tác. Hiện nay trên khu vực Phòng Lộ và Hộ Thành Hào (phía đông Kinh thành Huế) có hơn 150 dân đang cư trú với hàng trăm công trình nhà ở, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ khác đang “gặm nhấm” di sản.

Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP.Huế, cũng chia sẻ thêm: “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đang gặp khó khăn lớn từ cơ chế. Kinh phí dành cho công việc duy tu, bảo dưỡng, trùng tu… các di sản của ngành văn hóa - thể thao và du lịch mỗi năm chỉ có khoảng 300 tỉ đồng nhưng được chia đều trên toàn quốc. Di sản văn hóa của di tích cố đô Huế là di sản quốc gia và của cả nhân loại chứ không phải của riêng Huế. Vì vậy chúng tôi đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương xem xét cho Huế một cơ chế đặc thù, có thể tương tự như cơ chế dành cho đền Hùng (Phú Thọ). Có như vậy mới có khả năng phục hồi và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của Huế”. 

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.