Đi tìm cà vạt tím

06/05/2012 03:26 GMT+7

- Có cà vạt tím không, cô? - Chữ tím được gã nhấn mạnh.

Người đầu tiên tròn mắt ngạc nhiên.

Người thứ hai lặng lẽ lắc đầu.

Người thứ ba phá lên cười.

Cười, cười cái gì? Gã cáu. Bán hàng mà vô duyên.

Gã rút kinh nghiệm, không hỏi nữa. Vào cửa hàng, cứ đi thẳng đến chỗ treo cà vạt, tự lục lọi. Ai hỏi, gã chỉ ậm ừ.

Đã qua năm cửa hàng. Rồi sáu, bảy. Gã ngạc nhiên khi thấy mình quá kiên nhẫn, một đức tính tự gã cũng thấy hiếm có ở chính mình. Giá mà theo đuổi sự nghiệp cũng như đi tìm mua cà vạt thì đời gã chắc hẳn đã khá hơn rất nhiều.

Gã vẫn đi. Đi gần hết một con phố toàn cửa hàng sáng trưng mà không nhặt ra được một cái cà vạt tím nào. Đủ thứ cà vạt nằm cuộn tròn trong các hộc tủ vuông hay duỗi dài trên giá, sọc dọc, sọc chéo, sọc ngang, không họa tiết hay có hoa văn, một màu hay nhiều màu… kiểu gì cũng có, nhưng không có cà vạt thuần tím. Gã chán nản, chân mỏi nhừ. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một tiếng cười lạ trong đầu, tiếng cười của cô bán hàng thứ ba. Nó chui vào, nằm ở đó, dứt khoát không chui ra.

Chỉ còn một đoạn phố nữa thôi, một đoạn thôi, gã nhủ thầm, và lại rẽ vào một cửa hàng khác. Có cà vạt tím không, cô? Gã hỏi như một cái máy. Lần này, gã cũng chẳng thèm để ý đến thái độ của cô bán hàng. Và cũng chán chẳng buồn sục ngay vào quầy cà vạt.

Gã biết, đây quả là một cảnh phi lý, nếu xét theo con mắt người khác. Nhân vật của chúng ta, tên là K, đứng sững giữa cửa hàng, ngây ngô nhìn mọi thứ, rồi chằm chằm nhìn tủ cà vạt. Thử tưởng tượng xem, K nghĩ, một thằng cha (là gã) chẳng còn trẻ trung gì, năm mươi hai tuổi, mặt mũi nghiêm trọng, ăn mặc nghiêm chỉnh, lùng sục tìm một cái cà vạt màu tím, có phi lý không? Có, gã tự nói. Không, gã lại tự nói. Mặc, mình cần, mình đi tìm.

Đi tìm
Minh họa: Tuấn Anh
 

- Có không, cô?

- Không.

Đi ra.

Lạ, thiên hạ làm ra hàng tỉ cà vạt, mà không có cà vạt tím?

Đã là cuối phố. K ra khỏi cửa hàng, đứng ở vỉa hè, hút thuốc lá, buột miệng văng một câu chửi tục. Mở ngoặc: gã gần như không bao giờ chửi tục. Và nghĩ, mình, thật vô duyên.

Chỗ cuối con phố sang trọng này có một đám người vô công rồi nghề đứng chờ. Người nhìn đường, kẻ nhìn giời, kiểu đợi người đến thuê làm bất cứ việc gì. Gã đứng hút thuốc gần họ, đột nhiên nghe thoảng một câu bình phẩm: Thằng cha kia

ăn mặc như trí thức mồm lại chửi bậy. Một vài tiếng cười rời rạc, một câu chửi bâng quơ, một tiếng thả ra như gió: Thường thôi…

K chạnh lòng, chợt nghĩ, biết đâu, đến một lúc nào đó, mình rất có thể cũng đứng đây như họ, không hút thuốc lá mà hút thuốc lào? Ở công ty gã, trong cơn suy thoái kinh tế này, sếp có vẻ như đang muốn giãn nhân công, và biết đâu trong cái danh sách đang nằm trên mặt bàn sếp lại chẳng có tên mình? Thằng già là thằng phải vứt đi đầu tiên. Tự nhiên gã thấy hơi hoảng.

Gã băng qua đường.

Vỉa hè bên này có vẻ êm đềm hơn. Mấy anh xe ôm. Một hàng nước chè chén buồn thiu. Một ông già trông rất đẹp lão bán vé số nhìn áo quần gã, vẻ chào mời. K nuốt nước bọt. Ờ thì không mua được cà vạt, ta mua vé số! Thò tay chọn ngẫu nhiên, lấy ra hai vé, trong sự ngỡ ngàng của ông già. Thế thôi à? Ông già gặng hỏi. Gã hơi sượng, không trả lời, hờ hững trả tiền, hờ hững đút hai tấm vé số vào túi. Phải hờ hững thật chứ không phải chỉ làm ra vẻ hờ hững mới mong trúng được một giải gì đó, dù là giải bét, gã vẫn nghĩ như vậy. Dịp may thường không đến với những người cố đi tìm. Gã bật cười, vì sau khi nhét hai tấm vé số vào túi, gã đã đoan chắc là sẽ chẳng trúng được giải gì, vì gã đã cố tình hờ hững. Chán thế!

Mỏi lắm rồi. Gã đã tiêu hai tiếng đồng hồ cho con phố này rồi. Về!

Hôm sau, ở công ty, vừa làm việc K vừa ngọ nguậy. Gã luôn bị cái cà vạt ám ảnh. Nó cứ thít lấy cổ, quay trái quay phải đều khó khăn. Thêm nữa, nó lại có một cái màu tím kỳ quặc. Ngẩng đầu lên thì đỡ, chứ cứ cúi đầu xuống đọc tài liệu hay gõ bàn phím là y như cái màu tím khỉ gió ấy lại ám gã. Gã cảm thấy công việc khó mà chạy suôn sẻ như trước kia. Gõ máy tính thường xuyên nhầm. Thảo một cái hợp đồng cũng nhầm lẫn đôi ba chỗ, lại phải đôi ba lần xem đi xem lại. Có lần gửi thư cho khách hàng này thì gã lại đề địa chỉ của khách hàng nọ. Nguy hiểm quá. Kiểu này mất việc như chơi. Mà không đeo cà vạt tím thì không được, quy định của công ty phải mặc đồng phục như thế. Công ty còn cấp cà vạt tím cho mọi đàn ông, nơ tím cho mọi đàn bà, đó là cái để nhận dạng thương hiệu, như ông tổng giám đốc đã từng tuyên bố.

K thấy các đồng nghiệp khác chẳng ai có ý kiến gì. Họ đeo cà vạt tím được trang bị một cách thản nhiên. Xấu hay đẹp thì vẫn cứ phải mặc ngần ấy thứ, đeo đúng cái ấy, bàn cãi để làm gì? Một cô văn phòng còn bảo: tốt, công bằng, từ nay em cũng như ai! Có hàng hiệu thì để nhà nhé, thích thì mặc vào trong nhé, còn thích khoe thì he hé nhé! Đôi khi vào bữa trưa ở quán bình dân bên cạnh, có người còn lấy cà vạt ra chấm chấm mép sau khi húp một thìa canh quá to. Vậy sao mình quá khó tính đến mức ấy?

Chắc do mình đã cứng tuổi, K nghĩ. Bọn trẻ, hay người dễ tính, không cà vạt hay có cà vạt cũng được, tím hay xanh cũng được, mà nếu tím, thì tím nào cũng được. Còn gã, cà vạt đã là điều khó chịu, lại phải tím đúng là tím. Chứ cứ tím như được phát, nó nhờ nhờ, thì cái khó chịu lên mức vô cùng.

Thằng con đầu của gã, mười sáu tuổi, cầm cà vạt của gã đưa lên ngắm, rồi tự ướm vào cổ mình, rướn người lên trước gương, bảo, cũng được đấy chứ, bố? Gã bảo, ranh con chúng mày thì cà vạt nào mà chẳng vừa, có đeo thừng vào cổ cũng có thể khen đẹp. Còn con gái gã, mười bốn tuổi, xì một cái thật dài, bảo, phải tay con, không thích cà vạt thì bỏ phéng công ty! Đơn giản! Mày ngu lắm, gã nghĩ, bỏ làm, ai nuôi mày đây? Còn mụ vợ thì lẩm bẩm, hồi xưa làm ở viện hay biết bao nhiêu, đùng đùng đòi ra khỏi viện, làm đến mấy nơi không xong, thôi thì yên phận đeo cái ấy vào đi. Đàn bà luôn luôn nghĩ đàn ông là loại ngu xuẩn. Mụ đụng đến nỗi đau, gã cáu, bỏ ra ngoài nhà.

Quả là K đã từng xin ra khỏi viện. Không phải “xin”, mà là “bỏ”.

Đó là một viện nghiên cứu lớn của thành phố, một nơi mà khối kẻ ngó nghiêng thèm rỏ dãi muốn xin vào. Hồi ấy, làm một “nhà nghiên cứu” thật sang trọng. Vừa ra trường, K đã được nhận ngay vào viện vì thành tích học tập xuất sắc, kể cũng là may mắn. Nghiên cứu, triển khai, đi thực tế, đi khảo sát, hì hụi trong phòng thí nghiệm, toét mắt ê đít trong thư viện, mỏi tay vì viết chuyên đề, lúc thành công lúc thất bại, đủ cả ngọt bùi đắng cay…

Nhưng sự đều đều của viện làm K chán ngán. Gã luôn mường tượng đến một cái bánh xe nước đang quay trên một dòng suối phẳng lặng, chẳng hiểu tại sao lại chui vào đầu gã cái so sánh kỳ quái ấy. Hơn nữa, người ở đây lại làm gã chán hơn. Cấp trên bảo nghiên cứu gì thì nghiên cứu ấy, bảo mấy năm phải xong đề tài là đúng mấy năm xong, ba năm một lần đều đều lên lương, làm lâu khắc được lên chức, như gã, đã lên tới chức trưởng phòng.

Phải sống đến quá nửa đời người K mới hiểu được là bất kỳ thứ gì diễn ra đều đều sẽ giết đi bao nhiêu thứ khác tốt đẹp trong cuộc đời. Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy lũ trẻ đã lớn, mình đã xuất hiện cục u ở xương bàn tay, cái đau đau ở ngực, và một nỗi sợ hãi vô hình. Mình là K, gã nghĩ, ngần ấy thời gian trôi qua, K vẫn là K, chẳng khác đi tẹo nào, có họa chỉ có kém đi. Tự nhiên gã hay nổi cáu. Cáu với vợ con, cáu với đồng nghiệp, và nhiều khi cáu với chính mình, gã dường như tách hẳn ra và nhìn mình với con mắt khinh thường. Được một thời gian thì xuất hiện những cơn điên điên. Người nào trong đời mà lại chẳng nổi những cơn điên điên một vài lần? Có lần gã điên lên chửi một nhân viên trẻ vì một cớ rất vớ vẩn, rồi lại rối rít xin lỗi. Nhưng nói thật, mỗi lần điên lên như thế, gã mới cảm thấy mình đúng là K.

Còn đây chính là cơn điên nặng hơn. Một hôm, sau khi đọc một tờ tạp chí khoa học, K phát hiện một tác giả tên lạ hoắc có mấy bài viết hết sức thú vị, có liên quan đến một đề tài lớn mà viện gã đang triển khai. Đọc xong mấy bài viết ấy, gã sướng quá, nghĩ bụng đây chính là thiên tài. Mấy hôm sau, gã nghĩ sao mình không giới thiệu gã kia với viện trưởng, để ông mời gã kia về viện làm việc? Thêm một bộ cánh khỏe, viện sẽ như con đại bàng. Gã lẳng lặng tìm đến tòa soạn, khó khăn lắm mới xin được số điện thoại của gã kia, gọi cho gã kia, khen gã kia một cách thật lòng, háo hức bảo sẽ giới thiệu với viện. Gã lại về gặp viện trưởng, khen gã kia và đề nghị viện trưởng mời gã kia về làm việc, cảm thấy sung sướng tràn trề khi thấy viện trưởng gật gù. Cầu nối đã thiết lập xong, gã thấy hạnh phúc vì làm được một việc có ích.

Nhưng việc có ích không hẳn là việc có lợi. Viện trưởng cho là gã đang có âm mưu lật đổ ông, còn gã kia cho rằng gã đang có âm mưu lợi dụng gã. Cái gì cũ thì vẫn như cũ, chả có gì thay đổi, chỉ có gã là thay đổi: kết quả là cả hai tỏ ra ghét gã thậm tệ. Chán thế! Vợ gã lập tức đi đến kết luận: thôi ông đừng điên nữa. Gã khịt mũi, nghe lời vợ, tỏ ra rất ngoan ở cơ quan, và mọi chuyện lắng dần đi.

Thực ra, chẳng có gì lắng cả. K vẫn nhìn ra đâu đó những ánh mắt kỳ thị.

Bầu không khí trong viện dần dần trở nên ngột ngạt. Mắt gã tự nhiên nhìn thấy bao nhiêu điều mà bình thường gã chẳng nhìn thấy. Tỷ như thằng cha A sởi lởi và tốt bụng với tất cả mọi người, ai cũng khen người tốt, nhưng gã đã từng chứng kiến hắn nhảy chồm chồm chửi vợ vì mấy đồng tiền lẻ trả hớ, hay sai con đổ rác lén sang nhà hàng xóm. Rồi thằng cha B cánh tay thân tín của ông viện trưởng cũ nay đã về hưu, nhưng khi đồng nghiệp rủ đến thăm ông ốm nặng sắp chết, hắn cáo bận làm đề tài, nhưng sau đó lại bảo tay lái xe tao chả dại, viện trưởng mà biết tao thân với ông cũ lão đì cho chết, câu ấy gã nghe thấy khi đi ngang qua phòng hành chính. Ngay cả viện trưởng, chẳng biết tại sao những hành động của ông cứ như cố tình lọt vào mắt gã. Ông học ở Tây, đi Tây không biết bao lần, luôn mặc complet, mà vẫn như anh nông dân vừa ở ngoài ruộng về, thu vén con lợn con gà, tập giấy cái bút, danh hiệu nọ kia, và rất ghét ai có tí gì hơn mình. Thế là, trong hội nghị công nhân viên chức, tự nhiên K đứng dậy, như cái máy nước hỏng khóa ồ ồ chảy, gã tuôn ra hết tất cả những gì gã biết và gã nghĩ. Mọi người ngỡ ngàng. Sau buổi họp ấy, có đồng nghiệp đã khuyên gã đi khám bệnh, còn đồng nghiệp khác lại coi gã như thằng hủi. Còn gã, tự bảo, đừng bao giờ “lên cơn” nữa nhé! Đương nhiên, không còn con đường nào khác là phải thôi việc ở viện. Đó quả là một ký ức buồn.

(Còn tiếp)

Truyện ngắn của Tô Hải Vân

(Mời bạn đọc xem phần tiếp theo trên Thanh Niên chủ nhật ra ngày 13.5.2012)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.