Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

23/05/2012 03:46 GMT+7

Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) về chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp tiếp tục tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh doanh và cũng như triển vọng kinh tế tổng thể trong thời gian tới.

Có 28% DN tham gia khảo sát cho biết đang tìm cách giảm đầu tư (trong khi đầu năm 2011 chỉ có 8% số DN có ý định này).  Kết quả trên thể hiện sự tiếp tục dịch chuyển đi xuống về lòng tin vào đầu tư tại Việt Nam. Nhiều DN tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về lạm phát vì cho rằng điều đó sẽ đe dọa đến công việc kinh doanh của họ. Không chỉ có các DN nước ngoài mới e ngại về tính ổn định của kinh tế vĩ mô trong thời gian tới mà bản thân các DN trong nước cũng đang phập phồng.

 Tạo niềm tin cho doanh nghiệp  - nd
Nhiều DN trong và ngoài nước đang giảm lòng tin vào triển vọng kinh tế của Việt Nam
- Ảnh: M.P

Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, từ năm 2007, khi lãi suất ở mức 12%/năm thì công ty lên kế hoạch vay 100 triệu USD dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy giấy thứ 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời khi đó, DN cũng được hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay đầu tư đổi mới thiết bị. Tuy nhiên chỉ sau đó 1 năm, việc hỗ trợ này tự động dừng lại đồng thời do bị tác động lạm phát, lãi suất cho vay đã dần dần tăng lên và đến năm 2011 đã đạt mức gấp đôi.

“Dù chúng tôi đã dự phòng biến động lãi suất nhưng chỉ ở mức 1-2 điểm phần trăm mỗi năm. Không ngờ mức tăng quá mạnh vượt xa tất cả mọi dự tính. Lãi suất tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến tổng dự toán của nhà máy đã tăng lên hơn 20% (tăng thêm khoảng 20 triệu USD)”, ông Vị nói. Chính vì vậy, điều mong mỏi nhất của ông Vị hiện nay là làm thế nào để kinh tế ổn định. Khi đó lãi suất càng giảm càng tốt. Điều quan trọng nhất là những chính sách hỗ trợ cho DN như giảm lãi suất mới chỉ được công bố và DN cũng rất khó tiếp cận. Ông Cao Tiến Vị nhấn mạnh: DN như chúng tôi cần các chính sách vĩ mô ổn định để từ đó mới có kế hoạch hoạt động phù hợp mà không rơi vào cảnh khó khăn hoàn toàn bị động như hiện nay. Các chính sách cũng phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống để DN không cảm thấy đó chỉ là lời nói suông mà phải thực sự đi vào thực tiễn.

Tương tự, bà Trương Thị  Thúy Liên - Tổng giám đốc Công ty Liên Phát - cho rằng chỉ riêng chi phí vận chuyển từ đầu năm đến nay đã tăng gần 30%. Hơn nữa phí thuê đất cũng gia tăng gần 20 lần trong những năm qua. “Nghe nói được giảm phí thuê đất nhưng không biết khi nào chúng tôi mới nhận được hỗ trợ này. Lúc trước cũng nghe nói giảm nhưng phí tăng vẫn cứ tăng”, bà Liên than thở. Các DN cũng cho rằng Chính phủ cần phải có những giải pháp căn cơ để kinh tế đi vào ổn định, tránh trường hợp nền kinh tế lại loanh quanh đi từ lạm phát sang giảm phát rồi lại nguy cơ chuyển lại sang lạm phát.

TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư -nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin từ DN và người dân vào sự phục hổi của nền kinh tế. Để làm được điều đó, Chính phủ cần phải làm quyết liệt càng nhanh càng tốt các gói giải pháp hỗ trợ DN, tăng sức mua trên thị trường như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%...

Nhiều chuyên gia kinh tế đều khẳng định lòng tin là quan trọng. Bởi nếu DN tin rằng lãi suất ổn định và duy trì ở mức thấp thì DN mới dám vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Người dân tin rằng lãi suất ở mức thấp và kinh tế ổn định thì mới dám chi tiêu mà không phải thắt lưng buộc bụng. Từ đó mới góp phần gia tăng sức mua trên thị trường, DN không bị hàng tồn kho,… và nền kinh tế mới tăng trưởng.

Mai Phương

>> Thận trọng khi ban hành các loại phí
>> Giao lưu trực tuyến: Lắng nghe và trả lời ý kiến người nộp thuế
>> Dấu hiệu suy giảm kinh tế
>> Sẽ quyết định giải pháp về thuế
>> Giảm ngay độc quyền của các tập đoàn
>> Tái cơ cấu DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường
>> Thủ tướng báo cáo Đề án tái cấu trúc kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.