Nghe 9X hát rap về cuộc sống

17/06/2012 11:58 GMT+7

(TNO) Kẹt xe, đi đường gặp chuyện bất bình hay từ một bài báo gây bức xúc trong dư luận cũng có thể trở thành đề tài cho các bạn trẻ 9X sáng tác rap.

(TNO) Kẹt xe, đi đường gặp chuyện bất bình hay từ một bài báo gây bức xúc trong dư luận cũng có thể trở thành đề tài cho các bạn trẻ 9X sáng tác rap.

Rap "thật như cuộc sống"

Tại cuộc thi Rhymes fes’2012 - một giải rap có quy mô lớn và chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam - vừa diễn ra tại Nhà hát Quân đội (TP.HCM) tối 17.6, nhiều người khá bất ngờ trước những bản rap nóng hổi xoay quanh các vấn đề xã hội của các rapper 9X.

 
Một rapper biểu diễn trong cuộc thi Rhymes fes’2012


Khán giả bày tỏ sự hào hứng bằng động tác holla. Holla là hành động thể hiện sự hòa nhập của đám đông khi một người đang hát rap

Trong cuộc thi, khán giả có thể bắt gặp những bản rap bày tỏ bức xúc về chứng vô cảm trong xã hội, về việc nhạc rap không có được cái nhìn đúng đắn, hay thậm chí nội dung hướng về căn bệnh thế kỷ AIDS.

Và nếu mang suy nghĩ rap phần nhiều là những lời văng tục, chửi thề, bạn có thể sẽ phải thay đổi trước những bản rap sâu lắng, giàu cảm xúc mà các rapper trẻ làm tặng mẹ, động viên bạn bè hay dành tặng mái trường trong buổi chia tay.

Quốc Hùng (Trường Du lịch Sài Gòn, TP.HCM), chia sẻ: “Biết em đam mê rap, thầy hiệu trưởng gợi ý sao không sáng tác một bài biểu diễn tặng trường ngày tốt nghiệp. Thế là em về nhà viết bài rap Tốt nghiệp và quyết định thể hiện nó trong cuộc thi này”.

Mang tính thời sự, xã hội, những bản rap này như lời nói thường ngày nên không khó để người nghe hiểu được nỗi lòng của các rapper trẻ.

“Một thằng nhóc 17 tuổi/ Mang đôi giày rách đế, đang tìm cách để theo đuổi một giấc mơ thành hiện thực/ Dù là khó để đến lấy/ Nhưng tao chưa từng dám nghĩ mình có thể đứng lên trên đây/ Để nói tụi mày nghe cái chất không đến từ bề ngoài/ Không đến từ bộ quần áo đẹp, từ chất lượng kỹ thuật thu âm…” - trích bản rap Real and Fake của thí sinh B-wine trong cuộc thi.

Chán V-pop và tìm đến rap

Rap cũng như những môn nghệ thuật đường phố khác chưa nhận được sự đồng cảm của nhiều người, nhưng nó lại có sức hấp dẫn riêng với những người trẻ trót “phải lòng” sự thẳng thắn và không kém phần mãnh liệt của thể loại này.

Khi được hỏi, phần lớn các bạn trẻ đều cho rằng họ tìm đến rap khi đã chán ngán những ca từ hoa mỹ, giai điệu ru ngủ chính mình của dòng nhạc thị trường hiện nay.


Màn trình diễn "máu lửa" của các rapper 9X

Phong (sinh viên Trường Cao đẳng nghề Sài Gòn) chia sẻ: “Đôi khi nghe nhạc cảm thấy rất bức bối vì những lời lẽ sáo rỗng, công thức. Mình quan niệm nhạc là nơi giãi bày tâm sự chứ không phải tự lừa dối chính mình. Và rap là lựa chọn thích hợp nhất”.

Phong bắt đầu sáng tác và hát rap được hai năm. Với bản rap kể về một người bạn nữ mắc căn bệnh thế kỷ vì bị bạn trai lây nhiễm, Phong cho biết mình viết bài rap này sau khi đọc một bài báo trên mạng.

 
Trong khi đó, Quốc Việt (sinh viên ở Bến Tre) cũng đến tham gia cuộc thi này, phần vì muốn gặp những bạn rap quen trên mạng, phần vì mong nhận được góp ý từ các rapper thứ thiệt.

Quốc Việt dự thi với bản rap Gửi mẹ, và nhận được nhiều sự cổ vũ của khán giả. Việt chia sẻ rằng khi mới bắt đầu hát rap, bạn bị gia đình la mắng, cấm cản quyết liệt, thậm chí mẹ Việt khóc rất nhiều khi thấy con mình say mê những bản nhạc “khó nghe”.

Dần dà, thấy con không xa rời việc học, không vướng tệ nạn xã hội và sáng tác lành mạnh, mẹ Việt lại trở thành hậu phương vững chắc cho con. Suốt từ vòng loại đến đêm chung kết, bà liên tục gọi điện hỏi thăm Việt.

“Cũng chính vì thế, em quyết định sáng tác bản rap dành tặng cho mẹ, người đã tin tưởng, ủng hộ em. Rap không chỉ có chửi, có bức xúc, chán đời. Rap còn để diễn tả tình cảm và những niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống”, Việt nói.

 
Rapper Chú Ba đoạt giải nhất cuộc thi Rhymes fes’2012. Mẹ của rapper này cũng có mặt để chia sẻ cùng con 

Theo các rapper, sáng tác rap không khó vì nó cũng giống như kể lại một câu chuyện, nói lên những suy nghĩ hay thủ thỉ với một người nào đó. Điều quan trọng là sáng tác sao cho hay, lời rap ý nghĩa, giai điệu cũng phải sáng tạo.

Người mới tập có khi chỉ mất 2-3 tháng, nhưng cũng có khi mất đến vài năm mới có những bản rap “ra trò”. Quen rồi thì đôi khi chỉ vài tiếng đồng hồ, thậm chí là 20 phút cũng có thể sáng tác ra một bản rap.

Tiến Thắng (Q.10, TP.HCM), cho biết: “Sáng tác rap chủ yếu là có cảm hứng. Chẳng hạn như đi ngoài đường gặp cảnh kẹt xe mà mạnh ai nấy chen để mình được đi trước dù chả nhích được bao nhiêu, hay gặp cảnh một thanh niên trai tráng lại cư xử thô lỗ với bà lão bán vé số, là trong đầu có thể nhẩm ra một bản rap”.

Sáng tác rap như một cách giãi bày suy nghĩ của bản thân nên các bạn trẻ này thường chỉ chia sẻ ca khúc của mình với bạn bè, người trong giới, thông qua các diễn đàn như SSS Production, Gfamily,...

Ngọc Phát, một thành viên của Gfamily, chia sẻ: “Những sự kiện về rap thường ít được giới truyền thông biết đến. Mọi người chưa hiểu được tụi em làm gì. Vậy nên tụi em đang dần cố gắng chứng minh cho mọi người thấy rap thật sự hay, có ý nghĩa và phản ánh cuộc sống. Tất cả những điều đó đều nằm trong những lời bài hát tụi em tự sáng tác”.

Theo ban tổ chức, cuộc thi Rhymes fes’2012 nhằm định hướng về việc phát triển âm nhạc cho các thí sinh dự thi, đồng thời định hướng lại xu hướng nghe nhạc của khán giả, nhất là thay đổi cái nhìn cũng như quan niệm về rap nói riêng và hiphop nói chung.

Thiên Hương
Ảnh: Duy Minh

>> Nhảy hiphop bằng nạng gỗ
>> Những ký ức tuổi thơ đáng nhớ
>> Hãy để người trẻ tự do thể hiện cá tính
>> Tau thích mi"... tiếng Nga
>> Xôn xao "Bản sắc Việt Nam
>> YanTV tin vào VJ trẻ
>> Paltrow từng là rapper
>> Những gương mặt sáng giá của giải thưởng Grammy 2009
>> Khi quan chức rap 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.