Thí sinh Giọng hát Việt có “sính ngoại” ?

13/07/2012 03:30 GMT+7

Sau đêm đầu tiên của vòng Giấu mặt Giọng hát Việt, những giọng hát đẹp bên cạnh nhận không ít lời khen ngợi, cũng thu về khá nhiều phản ứng bởi “sao toàn hát tiếng nước ngoài trong sân chơi tìm kiếm giọng hát Việt”.

Thí sinh Giọng hát Việt có “sính ngoại” ?
Giọng hát của thí sinh Hương Tràm với ca khúc I will always love you khiến nhiều người xúc động - Ảnh: Cát Tiên Sa

Phản ứng này đã từng dấy lên khi các thí sinh của chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s got talent chọn hát tiếng Anh khá nhiều cho phần dự thi của mình. Rằng, tại sao không Việt hóa chương trình để tôn vinh những ca khúc Việt, ngôn ngữ Việt; và tại sao sân chơi của VN, dành cho người VN thi thố và thưởng thức, lại “chơi khó” người nghe như vậy (bởi khán giả truyền hình nói chung đâu phải ai cũng biết tiếng nước ngoài)…

“Giọng hát Việt” phải hát được nhạc quốc tế

 

Ở cuộc thi này, quan trọng là giọng hát hay hay dở, chứ không phải hát cái gì

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà

The voice - Giọng hát Việt cũng thế. Không chỉ vậy, trong tiêu chí cuộc thi này, các thí sinh được chọn phải có khả năng hát nhạc quốc tế cùng nhạc VN (bằng chứng là những thí sinh chỉ hát được tiếng Việt đã mất cơ hội ngay từ đầu). Giải thưởng của Giọng hát Việt ngoài hiện kim còn là một hợp đồng với hãng ghi âm quốc tế Universal, thí sinh buộc phải có trình độ ngoại ngữ, hát được nhạc ngoại.

Gay cấn hơn, trong vòng thi đầu tiên, chỉ với 1 phút 30 giây, các thí sinh phải tìm cách ghi điểm với ban huấn luyện (cũng như khán giả) bằng chính dấu ấn từ giọng hát mình. Mà việc chọn những ca khúc quốc tế nổi tiếng, có thể nói, là một trong những lợi thế! Chỉ cần hát đúng và giống với bản gốc, thí sinh thể hiện đã dễ dàng chiếm được cảm tình, dễ được ngợi khen. Và nếu phả thêm những cảm xúc cá nhân, làm cho ca khúc ấy có hồn hơn từ biểu cảm của người hát lại, thì việc gây “bấn loạn” cho người nghe (như thí sinh Hương Tràm) cũng là điều không khó hiểu. Một lý do khác khiến các thí sinh chọn ca khúc nước ngoài để “chào sân”, còn vì ca khúc tiếng Việt thuộc sở trường của họ quá ít, hoặc chưa đủ “ép phê” để có thể khoe giọng ngay từ những câu đầu tiên. Tất nhiên, cũng có những thí sinh chẳng vì 2 lý do trên, mà chỉ chọn ca khúc quốc tế đơn thuần đó là bài ruột, hoặc vì bản nhạc ấy mang đến cho mình sự tự tin.

“Hát gì cũng được, miễn là có giọng hát tốt !”

Trong vai trò là người huấn luyện của cuộc thi này, Đàm Vĩnh Hưng thẳng thắn bày tỏ: “Các bạn hát tiếng gì cũng được, xấu đẹp không quan trọng, miễn là có giọng hát tốt. Đến khi vô vòng trong, các bạn vẫn tiếp tục có quyền lựa chọn. Với cá nhân tôi, tôi thấy đây là chương trình có định dạng hay”. Hồ Ngọc Hà - một trong 4 người huấn luyện - nói: “Các bạn khoan đề cao lòng tự ái dân tộc mà cho rằng thí sinh Việt sính ngoại, trong khi chưa nắm rõ nội dung, quy luật của chương trình. Vấn đề ở cuộc thi này, quan trọng là giọng hát hay hay dở, chứ không phải hát cái gì. Đồng ý là các thí sinh trong đêm đầu hát tiếng Anh nhiều, nhưng đâu phải là tất cả (9/18 thí sinh, vẫn là một nửa kia mà)”.

Cũng cần nói thêm rằng, trong khi chúng ta vẫn luôn khuyến khích, ủng hộ những dự án âm nhạc mang tính hợp tác quốc tế, thể hiện tinh thần hội nhập… khi được các ca sĩ nước ta công bố (hoặc đã thực hiện thành công), thì ở cuộc thi tìm kiếm giọng hát này, việc chọn bài hát dù là quốc tế (hay tiếng Việt) để thuyết phục người huấn luyện giữ mình lại, để cuốn hút khán giả, để đi đến đích với hợp đồng ghi âm cùng hãng ghi âm quốc tế, chẳng phải cũng là một trong những khát khao chạm đến ước mơ giao lưu văn hóa đó sao?

Nguyên Vân

>> “Giọng hát Việt - The Voice” gây sốt từ tập đầu tiên
>> Sao" cũng đi thi Giọng hát Việt
>> Bất ngờ với The Voice
>> 'The Voice'' lên sóng VTV
>> Hé lộ những thú vị đầu tiên từ hậu trường "The Voice
>> Những khoảnh khắc “khó đỡ” của thí sinh The Voice
>> Đàm Vĩnh Hưng bị từ chối không cho giao lưu với thí sinh The Voice

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.