Thương lái Trung Quốc nợ 33 tỉ đồng tiền mua cá cơm

12/07/2012 03:30 GMT+7

Chiều 11.7, ông Đặng Đình Hiếu, Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết (Bình Thuận), cho PV Thanh Niên biết tổng số tiền mà thương lái Trung Quốc còn nợ khi mua cá cơm của người dân thành phố hơn 33 tỉ đồng (chứ không chỉ 30 tỉ đồng như tin đã đưa).

Theo ông Hiếu, thống kê tại TP.Phan Thiết có 21 hộ thu mua cá cơm (đã hấp, phơi một nắng) rồi bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc. "Tất cả các hợp đồng mua bán chỉ được thương lái Trung Quốc thanh toán từ 30 - 50%, số còn lại là nợ", ông Hiếu cho biết. Cá biệt, có hộ ông Phan Văn Hiền (ở KP.5, P.Mũi Né) bị thiếu nợ đến 15 tỉ đồng.

Cũng theo ông Hiếu, ngoài số nợ 33 tỉ đồng, từ năm 2008 đến 2010, thương lái Trung Quốc từng quỵt nợ của các hộ kinh doanh cá cơm với số tiền lên đến 7 tỉ đồng, trong đó hộ ông Nguyễn Thanh Toàn (P.Phú Hài) bị giật nợ 1,2 tỉ đồng (năm 2010) khiến ông phải phá sản.

"Hiện nay trên địa bàn TP.Phan Thiết có khoảng 10 thương lái Trung Quốc (chủ yếu trú ở P.Thanh Hải) đang thu mua cá cơm. Họ chỉ đến thu mua vào mùa cá cơm, sau đó lại về nước. Tất cả họ đều có hộ chiếu thị thực còn hiệu lực", ông Hiếu nói.

Liên quan đến hoạt động "chui" của Công ty TNHH Nguyên Long Sơn (thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Trung Quốc), chiều 11.7, một lãnh đạo Cục Thuế Bình Thuận cho biết công ty này hoạt động nhưng chưa hề thực hiện việc kê khai thuế. "Sau khi nhận được thông báo chuyển nhượng vốn từ ông Phạm Phú Thạnh (người đứng tên thành lập Công ty Nguyên Long Sơn) sang cho ông Zhong Heng Shan, Cục Thuế đã chủ động đề nghị công ty này phải kê khai thuế. Nhưng từ đó đến nay, Cục chưa hề nhận được phúc đáp", lãnh đạo này cho biết.

Trong một diễn biến khác, theo giải trình của ông Phạm Phú Thạnh gửi UBND tỉnh Bình Thuận và UBND H. Hàm Thuận Bắc, thì có hàng chục héc ta đất lúa tại khu vực thôn 2, xã Hàm Đức (H.Hàm Thuận Bắc, nơi liền kề với 1,2 ha lúa mà ông Thạnh đã chuyển nhượng cho ông Zhong) đã được sang nhượng cho ông Zhong một cách bất hợp pháp. “Việc chuyển đổi từ đất lúa sang đất kinh doanh hiện nay rất khó. Tôi đã nhiều lần giải thích với ông Zhong điều này. Nhưng vì ông Zhong muốn triển khai nhà máy nhanh nên ông ấy tuyên bố cứ làm lụi rồi tính sau” - bản tường trình ông Thạnh viết.

Ngày 26.12.2011, UBND H.Hàm Thuận Bắc đã cho chuyển đổi từ đất lúa sang đất kinh doanh diện tích  8.522 m2 (phần diện tích chuyển nhượng của ông Thạnh). Trả lời Thanh Niên về tính pháp lý của việc chuyển nhượng hơn 100 ha đất và quy trình chuyển diện tích đất lúa (1,2 ha) từ ông Thạnh sang thương nhân người Trung Quốc Zhong Heng Shan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết ông đã chỉ đạo các sở ngành và UBND H.Hàm Thuận Bắc phải báo cáo nhanh cho UBND tỉnh vụ việc này.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.