Học sinh lớp 5 viết phần mềm học Sử

02/08/2012 10:17 GMT+7

Nguyễn Tuấn Nam, học sinh lớp 5, trình làng một phần mềm học Sử tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 18 (Đà Lạt).

Trong 25 phần mềm sáng tạo lọt vào chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 18 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Sản phẩm “Kho tư liệu lịch sử lớp 4, lớp 5” của Nguyễn Tuấn Nam (SN 2001, trường THPT Hoàng Diệu, Hà Nội) cung cấp các tư liệu đầy đủ về lịch sử tương ứng với sách giáo khoa lớp 4, 5. Để hoàn thành phần mềm này, Nam mất hai năm lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin trên mạng, đọc sách và nhờ thầy cô, bố mẹ giúp đỡ.

 Học sinh trong Hội thi tin học trẻ
Học sinh trong Hội thi tin học trẻ - Ảnh: Tiền Phong

Dù công việc chỉ là số hóa kiến thức đã có, nhưng với công nghệ flash sống động, phần mềm của Nam tạo lực hút kỳ lạ. Ngoài ra, Nam còn cung cấp các câu hỏi trắc nghiệm lịch sử sử dụng công cụ Violet.

Đang là học sinh lớp 5 và lần đầu tiên dự thi, nhưng Nam đã sử dụng thành thạo các công nghệ trên và xây dựng nên một ứng dụng có ý nghĩa. Em đã chứng tỏ được khả năng và nỗ lực vượt bậc của mình.

“Hiện học sinh học lịch sử quá khó khăn và học quá dài dòng. Không ít bạn thấy khó nắm được những kiến thức đã học nên em tạo ra phần mềm này nhằm giúp các bạn hứng thú hơn khi học lịch sử. Khó khăn lớn nhất là một số dữ liệu không khớp, không đưa được vào trong phần mềm nên em nhờ anh chị khóa trên chỉnh sửa”, Nam chia sẻ.

Cũng chung ý tưởng, nhưng phần mềm “Học lịch sử qua tên đường phố” của Ngô Phương Linh (SN 2000, trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) lại tận dụng các tính năng của Google Maps để lưu lại các tư liệu lịch sử trong quá trình học tập như tên đường phố, thông tin về danh nhân, chứng tích lịch sử...

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 18 có 111 sản phẩm dự thi. Đây là năm có số sản phẩm dự thi nhiều nhất và chất lượng nhất từ trước tới nay. “Tôi tin rằng, sau cuộc thi này, phong trào học tập và ứng dụng CNTT trong học sinh sẽ có sự thay đổi về chất. Hiện nay, phong trào học tập và ứng dụng CNTT đang có chiều hướng đi xuống. Những cuộc này giúp ích rất lớn trong việc giải quyết vấn đề trên”, TS Phạm Ngọc Hùng, ĐH Công nghệ - ĐHQG HN, Thành viên BGK nhận định.

  
Theo Duy Ngợi / Tiền Phong

>> Học sử là phải hiểu sử
>> Học sử qua những bài giáo khoa thuộc lòng
>> Lên mạng học sử Việt
>> “Học sử trên đường” sai địa danh
>> “Học sử trên đường” sao cho dễ hiểu?
>> Học sử trên đường phố
>> Chơi game để học sử
>> Học sử Việt qua game
>> Học sử trên đường phố 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.