TP.HCM sẽ cấm xe máy cũ lưu thông?

07/08/2012 17:13 GMT+7

(TNO) Nhiều xe quá “đát” chạy trên đường phố, được cho là hung thần rình rập gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đó là những "đối tượng" đang được TP.HCM nghiên cứu để cấm lưu hành.

(TNO) Nhiều xe quá “đát” chạy trên đường phố, được cho là hung thần rình rập gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đó là những "đối tượng" đang được TP.HCM nghiên cứu để cấm lưu hành.

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết UBND thành phố vừa đồng ý cho Công an TP.HCM nghiên cứu xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện).

Để giải quyết "xe mù"

Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết, chủ trương này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, các xe máy cũ, quá “đát” đang lưu thông trên địa bàn thành phố hầu hết là các loại xe cub 50, xe dream, wave cũ được sửa chữa… Các loại xe này được tận dụng để chở hàng cồng kềnh như gạo, nước đá, nước giải khát, bình gas,… Không ít xe vượt ẩu, lưu thông không đúng luật giao thông. Các xe quá “đát” này thường có giá trị rất thấp, chỉ 2-3 triệu đồng khi mua tại các tiệm sửa xe.


Các xe gắn máy cũ được tận dụng chở hàng lưu thông trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh


Xe cũ nhưng chở hàng quá khổ - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Theo CSGT TP.HCM, tình trạng xe máy quá “đát” không còi, không đèn, thậm chí không biển số… xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TP.HCM, là loại xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Trong khi đó, CSGT không thể tịch thu được số xe này vì không có quy định niên hạn sử dụng, gặp nhiều khó khăn trong xử lý xe cũ do các đời xe chồng chéo nhau, cải tạo tùy tiện, lẫn lộn số khung, số sườn, biển số nhái, không biển số, không có giấy tờ xe... Mặt khác, khi xảy ra tai nạn, vi phạm giao thông, chủ xe cũng “bỏ của chạy lấy người” và gần như không thể truy nguồn gốc xe.

 
Một chiếc xe xài bền hay không là tùy từng người sử dụng. Vấn đề ở đây không phải là tính tuổi thọ, hạn sử dụng cho xe mà quan trọng là nên kiểm định xe
Phó giáo sư ngành Cơ khí động lực - Tiến sĩ động cơ đốt trong Nguyễn Lê Ninh
Chính vì vậy, theo ông Trà, việc đưa ra niên hạn lưu hành đối với xe mô tô, gắn máy hai bánh, ba bánh sẽ giải quyết được tình trạng “xe mù”, xe không rõ nguồn gốc tại TP.HCM.

Kiểm định hay là cấm?

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết việc ra quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô hai, ba bánh, xe gắn máy chỉ mới là ý tưởng đề xuất của Công an TP.HCM, được UBND thành phố giao cho Công an nghiên cứu. 

Theo ông Tường, để quy định trên đi vào thực tế cần có sự phê duyệt của UBND thành phố, trình các Bộ và Chính phủ.

Theo ông Tường, việc kiểm định các loại xe gắn máy là việc cần làm.

“Vì có nhiều xe lưu thông trên đường đã có tuổi 20 năm, xuống cấp rất nhiều, không còn đảm bảo đủ các chi tiết, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi tham gia giao thông. Có xe chạy trên đường giống như chỉ còn máy và hai bánh xe; thắng xập xệ, đèn không có, còi cũng không cần vì pô xe nổ còn to hơn còi”, ông Tường nói.


Xe được "chế biến" thêm để thồ khối lượng lớn - Ảnh: Diệp Đức Minh

 
Một chiếc xe chỉ còn máy và bánh để lưu thông - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, tiến sĩ động cơ đốt trong Nguyễn Lê Ninh, của bền tại người. Một chiếc xe xài bền hay không là tùy từng người sử dụng. Vấn đề ở đây không phải là tính tuổi thọ, hạn sử dụng cho xe mà quan trọng là kiểm định xe.

Theo ông Ninh, với những loại xe “mù”: không đảm bảo kết cấu, kỹ thuật xe, chạy ẩu, gây tai nạn,… thì cần xử lý, cấm.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, nếu cứ vơ đũa cả nắm, thống nhất quy định chung tính tuổi thọ, “đát” cho xe thì sẽ gây lãng phí, chưa phù hợp với điều kiện xã hội, mục đích sử dụng xe, thu nhập và đời sống của người dân.

Ông Ninh đưa ra ví dụ mình có chiếc xe cub 81 đã sử dụng 28 năm nay nhưng vẫn chạy tốt, có thể thồ được 100 kg và đảm bảo đủ các điều kiện kỹ thuật an toàn giao thông.

Thế nên, "vấn đề ở đây là cần kiểm định chứ không phải là quy định thời gian, chưa làm kiểm định thì không có căn cứ cấm", ông Ninh nhận định.

“Tốt nhất là kiểm định kỹ thuật đối với xe, cũng như con người đi khám định kỳ, để tìm ra “bệnh” cho xe mà sửa chữa nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn cho xe lưu thông trên đường. Chứ dựa vào năm ra đời, tính tuổi cho xe rồi cấm hay cho lưu thông là không có căn cứ, sẽ gây lãng phí”, ông Ninh nói.

Nguyên Mi

>> Phạt xe chở cồng kềnh
>> Vỏ xe cũ “hành” dân
>> Mua xe cũ
>> TP.HCM giảm hơn 25% số vụ tai nạn giao thông
>> Tai nạn giao thông ở TP.HCM tăng đột biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.