Lần đầu khai quật được hố trung tâm trong lòng tháp Chăm

22/08/2012 17:20 GMT+7

(TNO) Ngày 22.8, đoàn khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ TP.Đà Nẵng bất ngờ lần đầu tiên khai quật được một hố trung tâm trong lòng tháp Chăm với nhiều hiện vật, kết cấu gần như nguyên vẹn.

>> Khai quật di tích Chăm Phong Lệ
>> Phát hiện trung tâm tôn giáo người Chăm thế kỉ 12

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng cho biết, đoàn khảo cổ đã phát hiện một hố vuông cạnh dài 4,25 m bằng gạch Chăm trong lòng một kiến trúc có độ sâu 2 m tại di tích Chăm Phong Lệ.

Trong lòng hố được lấp đầy khoảng 30 m3 cát, sỏi xếp lớp. Đặc biệt sau khi múc toàn bộ cát, sỏi ra khỏi hố, đoàn khảo cổ phát hiện có 8 ô lõm chia ra 8 hướng, nằm ở 4 góc và cạnh đáy ở độ sâu 2 m.

di tích chăm phong lệ
Múc khoảng 30 m3 cát, sói ra khỏi hố khai quật đã phát lộ 8 hốc lõm ở 8 hướng dưới đáy hố sâu 2 m - Ảnh: Nguyễn Tú

Trong mỗi ô lõm có xếp một viên gạch vuông vức nằm trên một viên đá cuội tròn, xung quanh có nhiều viên thạch anh và lấp đầy cát. Kỳ lạ hơn, ngay giữa đáy hố khai quật còn sót lại một dãy đá cuội và thạch anh xếp thành hình bán nguyệt. 

Ông Thắng cùng các cộng sự dự đoán trước đây dãy đá này được xếp theo hình tròn nhưng không hiểu lý do gì đã bị bóc gỡ hoặc mất mát.

“Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ có điều kiện khai quật sâu xuống toàn bộ một lòng tháp. Trước đây chúng ta chỉ nghiên cứu bề mặt tháp, lần này bước đầu chúng ta thấy có sự cố ý tạo thành 8 hốc lõm ở đáy hố. Theo tín ngưỡng của người Chăm thì ở 8 hướng có 8 vị thần cai quản. Do đó, có thể đây là tín ngưỡng tâm linh nói đến các vị thần canh giữ, bảo trì. Tuy nhiên viên đá cuội và thạch anh có ý nghĩa tâm linh như thế nào thì phải tiếp tục nghiên cứu”, ông Thắng nói.

thạch anh
Các viên thạch anh được phát hiện trong hố khai quật - Ảnh: Nguyễn Tú 

Về quy mô của kiến trúc vừa phát hiện, đoàn khảo cổ phán đoán nhiều khả năng đây là nền móng của một kiến trúc tháp Chăm như chúng ta thường thấy. Ông Thắng cho biết, nếu căn cứ vào nền móng đồ sộ như vậy thì nơi đây đã từng tồn tại một tháp Chăm rất lớn, có thể nói phải là tháp lớn nhất từ trước đến nay.

Cách vị trí hố khai quật khoảng 40 m, vào tháng 3.2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út khi đào móng làm nhà ở khu vực xóm Cấm, tổ 3, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng đã phát hiện nhiều hiện vật Chăm giá trị.

 di tích chăm phong lệ
Ông Phan Công Hải, Bảo tàng Chăm phủi sạch cát trên hiện vật một trong 8 hốc lõm ở đáy hố tháp Chăm - Ảnh: Nguyễn Tú

Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch Sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (KHXHNV) đã khai quật khẩn cấp thửa đất số 173 và 101 từ tháng 4 đến tháng 10.2011.

Qua đó, đoàn khảo cổ phát hiện một nền móng tháp, có thể là tháp cửa, và ở góc đông nam hố khai quật vào sáng nay 22.8, các chuyên gia cũng đã phát hiện dấu hiệu của tháp hỏa thờ.

di tích chăm phong lệ
Giữa hố là đá cuội và thạch anh xếp hình bán nguyệt. Trong mỗi hốc lõm là viên gạch vuông nằm trên đá cuội đang được các chuyên gia giải mã ý nghĩa tín ngưỡng của người Chăm - Ảnh: Nguyễn Tú

Với những gì đã phát hiện theo ông Thắng, ở đây từng có một quần thể kiến trúc tháp Chăm là trung tâm tôn giáo của người Chăm từ thế kỉ 12. Trong 3 nền móng tháp cửa, tháp trung tâm và tháp thờ được phát lộ, có khả năng hố khai quật sáng nay 22.8 là nền móng của tháp trung tâm - tháp Chăm lớn nhất từ trước đến nay, theo ông Thắng.

Hiện giảng viên Nguyễn Chiều, Nguyễn Xuân Mạnh (Bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử ĐH KHXHNV Hà Nội), ông Võ Văn Thắng, ông Phan Công Hải (Bảo tàng Chăm TP.Đà Nẵng) cùng người dân địa phương tiếp tục giải mã ý nghĩa tín ngưỡng Chăm qua các hiện vật được tìm thấy và khai quật mở rộng nền tháp xung quanh.

Nguyễn Tú

>> Phát lộ trung tâm tôn giáo Chăm niên đại 800 năm
>> Xác định được quy mô đền tháp
>> Rà phế liệu trúng hủ vàng
>> Tiếp tục truy tìm vàng hời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.