Chuyện về hiệp sĩ giao thông ngoài 70 tuổi

25/08/2012 15:20 GMT+7

(TNO) Cứu sống hàng chục nạn nhân các vụ chìm đắm tàu thuyền, xả thân bắt giữ những tên trộm cướp mà không màng đến hiểm nguy rình rập, ông Dương Công To được người dân địa phương ca tụng: Hiệp sĩ đường sông.

Sở hữu bản thành tích ấn tượng trong những lần cứu hộ cứu nạn ở các vụ chìm đắm ghe đò trên sông Hậu, ông Dương Công To (xã Thành Lợi, H.Bình Minh, Vĩnh Long) là cá nhân điển hình được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải tuyên dương, tặng danh hiệu: Hiệp sĩ giao thông, tại chương trình Total - Hiệp sĩ giao thông.

Ngoài 70 tuổi, ông To với làn da bánh mật đặc trưng của người dân vùng sông nước vẫn toát lên sự rắn rỏi, can trường. Ở nơi đang sinh sống, đã từ lâu, người dân gọi ông To bằng biệt danh thân mật: Hiệp sĩ đường sông.

Nhà ông nằm cạnh cồn Ấu trên sông Hậu, cách cầu Cần Thơ chừng một cây số. Ông To kể, giao thông đường thủy trên khúc sông Tắc Từ Tải chảy qua khu vực này vô cùng nguy hiểm và phức tạp. Những năm 80 trở về trước, khúc sông này là nỗi kinh sợ, từng nuốt chửng nhiều thuyền ghe qua lại. Khi ấy, người dân vẫn còn “xài” nhiều thuyền, ghe nhỏ, công suất máy không thắng nổi sức gió, sức nước nên các vụ lật, chìm nghe, thuyền xảy ra như cơm bữa.

Gần 40 năm định cư ở đây, ông To thuộc lòng phương hướng, đặc tính của sóng gió nơi đây, bởi khúc sông này chẳng khi nào vắng gió. “Mùa mưa lũ gió thổi hướng đông nam về, đến tháng 10 gió thổi từ Trà Ôn lên, rồi gió ngược từ Cần Thơ xốc lại. Gió và thủy triều kết hợp thành ngọn sóng “lưỡi búa” vùi dập nhiều phương tiện qua đây”, ông To nói.

Ông To bắt đầu công việc cảnh giới cứu người, mò vớt hàng hóa trên sông khi chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn thương tâm. Người điều khiển ghe thuyền là dân tứ xứ, khi qua đây không lường hết sự nguy hiểm của thời tiết thủy triều, rất dễ gặp nạn. Đó chính là lý do khiến người đàn ông này trăn trở bắt tay vào việc cảnh giới nhắc chủ ghe đò và cứu hộ cứu nạn khi có tai nạn xảy ra.

Để công việc thuận lợi, vợ chồng ông To bỏ tiền đầu tư chiếc ghe trọng tải hơn 4 tấn làm phương tiện cứu hộ cho Đội dân phòng đường thủy xóm Đáy (cũng do ông To đề nghị ủy ban xã cho thành lập).

 
Ông Dương Công To nhận bằng khen từ Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: Phan Hậu


Theo thống kê, 5 năm trở lại đây, ông To và thành viên đội cứu hộ đã cứu sống 130 người, mò vớt hàng chục tấn hàng, nhiều thi thể nạn nhân giao lại cho chủ hàng và gia đình thân nhân.

Ngoài ra, “ông già gân” này từng nhiều lần chống lại nhiều tên côn đồ, trộm cướp tung hoành ngang dọc trên khắp đường sông, thu giữ hàng chục mã tấu, dao kiếm gây án mang nộp cho công an.

Ông To kể, người dân thường xuyên neo, đậu ghe thuyền dưới bến sông. Mỗi chiếc ghe máy trị giá hàng chục triệu đồng là miếng mồi béo bở khiến nhiều nhóm tội phạm dòm ngó. Trên thực tế, khu dân cư xóm Đáy từng xảy ra nhiều vụ trộm cắp táo tợn. Kẻ gian lợi dụng lúc nửa đêm về sáng lẻn vào bến đánh cắp ghe thuyền, tháo gỡ động cơ. Mất phương tiện đi lại vận chuyển, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần tay trắng.

Ông To từng có thời gian công tác trong ngành công an, do điều kiện gia đình quá nghèo nên đành bỏ giữa chừng về quê phụ vợ làm thuê làm mướn nuôi con. Có chút võ nghệ của nghề công an, ông To không đành lòng ngồi nhìn đạo chích, trộm cướp hoành hành.

Thời gian đầu chỉ có ông To dám đứng ra “đánh lộn” với đối tượng trộm cắp với đủ loại gậy gộc, dao kiếm. Dưới bàn tay ông, hàng chục tên trộm cộm cán phải tra tay vào còng. Quá trình bắt trộm, ông To từng gặp không ít nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình nhất là vụ xảy ra khoảng tháng 10.2006, băng nhóm côn đồ gồm 5 tên, đi trên hai ghe máy. Ban đầu 3 tên mò lên xóm đánh cắp, bị ông To phát hiện tấn công, chúng hung hãn vung mã tấu chống trả quyết liệt. Hai bên vật lột một hồi, nghe dưới bến sông có tiếng nghe máy, ông To chủ quan tưởng người dân tiếp cứu. Không ngờ 2 tên còn lại lại xuất hiện, lao vào hợp sức tấn công giải vây cho đồng bọn. Một mình ông To chống lại 5 tên trộm hung hãn với gậy gộc, mã tấu trong tay. Quần thảo một hồi, thấy không “hạ” được ông To, bọn trộm tìm đường tháo chạy thoát thân.

Sau lần xả thân đánh trộm này, ông To khiến người dân xóm Đáy vượt qua nỗi sợ hãi, tình nguyện gia nhập đội dân phòng gìn giữ an ninh trật tự, gìn giữ tài sản khiến nhiều băng nhóm tội phạm, đạo chích không dám bén mảng qua đây.

Tuyên dương hiệp sĩ giao thông

Sáng nay 25.8, tại Trung tâm nghệ thuật u Cơ (Hà Nội), Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc đã tổ chức chương trình tuyên dương Total - Hiệp sĩ giao thông. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và trao bằng khen của Thủ tướng cho 20 hiệp sĩ giao thông. Dịp này, Bộ Giao thông vận tải cũng tặng bằng khen, tuyên dương hơn 150 cá nhân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chương trình Total – Hiệp sĩ giao thông, do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, Kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM và Total Việt Nam phối hợp thực hiện. Thông qua các điển hình Total - Hiệp sĩ giao thông được vinh danh, chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện, khơi dậy trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong thực hiện văn hóa giao thông, cùng hướng đến vì một giao thông an toàn. (Hoàng Phan)

 
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các hiệp sĩ giao thông tiêu biểu - Ảnh: Hoàng Phan

                                                                                                                                 Phan Hậu

>> Hiệp sĩ" bắt trộm
>> Các "hiệp sĩ" lại lập công
>> Chàng hiệp sĩ chiến thắng bệnh ung thư
>> Hiệp sĩ" đuổi bắt kẻ gian trên nóc nhà như phim
>> Trao tiền bạn đọc ủng hộ cho “hiệp sĩ nhảy cầu cứu người”
>> Hiệp sĩ" nóng lòng ngăn chặn "đinh tặc" cầu Cần Thơ
>> “Hiệp sĩ đường phố” bắt gọn tên cướp giật
>> “Hiệp sĩ” phục vụ miễn phí khách hành hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.