Thụy Sĩ du ký - Kỳ 2: Lucerne và bảo tàng

11/09/2012 03:15 GMT+7

Thụy Sĩ có trên 400 viện bảo tàng, dù dân số chỉ có gần 8 triệu người và diện tích đứng thứ 132 trên thế giới.

Tranh quý trên cầu cổ

Lucerne, nằm ở miền trung Thụy Sĩ, cách Zurich khoảng 60 km và chỉ đi tàu điện khoảng một giờ (thật ra Thụy Sĩ rất nhỏ, nên từ vùng này qua vùng kia cũng không xa xôi lắm). Người ta ví von Lucerne là Thụy Sĩ thu nhỏ vì ở đây có hồ, có núi, có người nói tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh (4 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ). Dĩ nhiên là có những kiến trúc cổ và những viện bảo tàng, niềm tự hào của dân Thụy Sĩ.

Vừa bước khỏi nhà ga trung tâm của Lucerne vài bước là bạn có thể thấy ngay một trung tâm văn hóa hiện đại bậc nhất Thụy Sĩ, mà ở đó như một bảo tàng sống với tất cả những hoạt động của nền hội họa hiện đại của châu u và thế giới hiện diện. Nhưng ấn tượng với tôi chính là chiếc cầu gỗ Chapel cùng tháp nước hình bát giác bắc qua sông Reuss ở đoạn cuối hồ Lucerne. Có thể nói đây là một điểm nhấn về mặt kiến trúc và không gian cho cả thành phố này, nó như một “đường hoa” sống động cho mọi người chiêm ngưỡng, đặc biệt là những tác phẩm hội họa gắn trên khung mái che của cầu.

Thụy Sĩ du ký - Kỳ 2: Lucerne và bảo tàng 1
Cầu Chapel - một điểm nhấn của Lucerne - Ảnh: C.M.H 

Chiếc cầu được hoàn thành vào năm 1333 như một công sự phòng thủ trong việc chống ngoại xâm, nhưng mãi đến thế kỷ 17, người ta mới cho gắn lên 110 bức tranh để nói lên sinh hoạt của người Lucerne và các truyền thuyết về 2 vị thánh bảo trợ của thành phố là Leodegar và Mauritius. Chỉ tiếc là hiện chỉ còn lại 35 bức nguyên vẹn, vì vào năm 1993 cầu đã bị phá hủy một phần do hỏa hoạn (lại cũng như Bern). Năm 1994, chính quyền thành phố đã bỏ ra đến 2,1 triệu USD để xây dựng lại chiếc cầu và phục dựng các bức tranh cổ, trong đó có nhiều bức đã được thay thế hoặc sao chép vì không thể phục dựng. Dẫu vậy, ai đến Lucerne mà không đi qua chiếc cầu gỗ này, chiêm ngưỡng những tác phẩm và nhìn đàn thiên nga bơi lội dưới cầu thì xem như chỉ biết một phần của Lucerne.

Chỉ cần một cây cầu cổ với 110 bức tranh, người dân Thụy Sĩ đã tạo nên một bảo tàng độc đáo đến như vậy, huống hồ ở những bảo tàng danh tiếng khác, ví dụ Bảo tàng Fondation Beyeler - Basel, nằm ở ngã ba biên giới Thụy Sĩ - Đức - Pháp mà chúng tôi cố gắng dành thời gian ghé qua khi đến Basel. Đây là một bảo tàng có những tác phẩm giá trị của các họa sĩ theo trường phái tân cổ điển, từ Van Gogh đến Picasso. Hôm chúng tôi đến, dù trời mưa tầm tã cũng có rất nhiều khách xếp hàng vào tham quan. Chỉ tiếc là, không ai được chụp một bức ảnh nào về những tác phẩm quý này khi bước vào bảo tàng. 

 Thụy Sĩ du ký - Kỳ 2: Lucerne và bảo tàng 2
Tượng đài Sư tử đang hấp hối - Ảnh: C.M.H

Bảo tàng giao thông vận tải lớn nhất thế giới

 

Một tác phẩm nghệ thuật cũng thuộc “hàng hiếm” không riêng của Lucerne, mà còn của Thụy Sĩ và thế giới, đó là Tượng đài Sư tử đang hấp hối của nhà điêu khắc Đan Mạch Thorwaldsen. Tượng miêu tả một con sư tử (biểu tượng của đội quân đánh thuê Thụy Sĩ thời đó) chân đã quỵ, thân đã bị tên xuyên qua, đầu như gối lên chiếc khiên và cung, nhưng cả thân hình vẫn uy nghi, đặc biệt là giọt nước mắt lăn dài đầy biểu cảm. Nhà văn Mark Twain (Mỹ), trong một lần đến đây, đã cảm thán: “Một khối đá buồn và thương cảm nhất thế giới”.

Có lẽ trước khi đến Thụy Sĩ, tôi không hình dung được ở Lucerne lại có một bảo tàng chuyên về... giao thông. Người ta đi xem bảo tàng lịch sử, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng về... sex, chứ không ai nghĩ rằng đi xem bảo tàng về các phương tiện giao thông. Tôi đã lầm, khi đến với Bảo tàng Giao thông vận tải Thụy Sĩ (Verkehrshaus der Schweiz - Swiss) được thành lập cách đây 50 năm, không thể tưởng tượng nổi, ở bảo tàng này tất cả những phương tiện giao thông từ cổ đến kim, từ châu Phi xa xôi đến châu u, châu Á đều có. Có những chiếc xuồng cổ tuổi thọ hàng ngàn năm, đến chiếc máy bay mới nhất đang nghiên cứu. Có thể nói, ai có máu mê nhìn ngắm những sưu tập các phương tiện giao thông từ khi chưa có động cơ đến hiện đại thì tha hồ chìm đắm trong bảo tàng này. Ông Wachter, người đưa chúng tôi tham quan bảo tàng, cho biết mỗi năm bảo tàng đón nhận trên 1 triệu lượt người.

Thật sự tôi cũng thắc mắc vì sao người Thụy Sĩ có thể tự hào về bảo tàng tưởng như ít người quan tâm đến thế. Thật ra, người Thụy Sĩ có cái lý của họ. Bà Isabella Ignacchiti, Giám đốc thị trường của Hệ thống du lịch Thụy Sĩ (Swiss Travel System, một trong những đối tác của Công ty du lịch Thiên Thanh - VN),  tự hào cho biết: “Vì chúng tôi có một hệ thống giao thông phát triển từ lâu đời và hiện nay vẫn có một hệ thống giao thông bậc nhất với hơn 26.000 km đến mọi ngõ ngách của Thụy Sĩ, đến các nước xung quanh, nên chúng tôi muốn tôn vinh những phương tiện giao thông và bên cạnh đó cho du khách hiểu hơn về hệ thống giao thông ở đất nước chúng tôi”. Nói đến đây, bà mới “bật mí” thêm: cái vé Swiss pass mà chúng tôi được bà trao hôm đặt chân đến Thụy Sĩ chính là một phương tiện hữu hiệu khi du khách Việt Nam đến Thụy Sĩ. À, thì ra là vậy. Thảo nào cả một chuyến đi từ Zurich - Engelberg - Lucerne - Bern - Basel dù bằng tàu điện tàu hỏa, tàu thủy chúng tôi không thấy nhân viên nào hỏi vé tàu, vé xe của mình.

Bà Isabella Ignacchiti cho biết thêm, thông qua Công ty du lịch Thiên Thanh, vào mùa thu này, hệ thống du lịch Thụy Sĩ sẽ cung cấp loại vé cho du khách Việt Nam mà như bà nói “rất ưu đãi với các bạn Việt Nam”. Nói nôm na rằng nếu bạn đưa người yêu hay bất cứ người nào đó đến Thụy Sĩ, bạn chỉ cần sở hữu một vé Swiss pass.

Người Thụy Sĩ quả là có đầu óc kinh doanh... xuyên lục địa. Và ở xứ này, kinh doanh du lịch - bảo tàng và phương tiện giao thông đều liên quan với nhau mật thiết như chúng tôi chứng kiến vậy...

Cao Minh Hiển

>> Thụy Sĩ du ký - Kỳ 1: Sống chậm với Bern

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.