Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2: Người dân nói "có", máy móc nói "không"

20/09/2012 03:15 GMT+7

Ngày 19.9, trong cuộc họp với Ban Quản lý (BQL) dự án Thủy điện 3, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My cho rằng, sắp tới, BQL dự án Thủy điện 3 cũng như EVN cần lắp đặt các thiết bị quan trắc “đúng nghĩa”, tức các thiết bị có thể nhận biết được các rung chấn động đất dù nhỏ nhất. “Trong khi 3 trận động đất vào ngày 18.9 người dân có thể cảm nhận được thì các máy này lại không ghi được. Đã là máy quan trắc động đất thì dù rung chấn nhỏ nhất cũng phải ghi được”, ông Tuấn nói.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cũng cho biết, vào tối 18.9, tại địa phương này tiếp tục xảy ra 2 đợt rung chấn nhẹ. “Đợt  đầu tiên xảy ra vào lúc 22 giờ 55 phút, trận thứ hai xảy ra vào lúc 23 giờ 3 phút. Các rung chấn xảy ra trong khoảng 3 giây”, ông Lợi thông tin. Tại cuộc họp, đại diện BQL dự án Thủy điện 3 không đưa ra thông tin này.

 Lo sợ động đất, người dân không lên nương rẫy, nguy cơ thiếu ăn rất dễ xảy ra
Lo sợ động đất, người dân không lên nương rẫy, nguy cơ thiếu ăn rất dễ xảy ra - Ảnh: Hoàng Sơn

Chính quyền H.Bắc Trà My cũng đề nghị chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 hỗ trợ 24 tháng lương thực cho người dân tái định cư. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Toàn, Phó trưởng BQL dự án Thủy điện 3 cho biết, việc hỗ trợ này nằm ngoài khả năng của đơn vị, đề nghị huyện có văn bản lên Tập đoàn Điện lực (EVN).

Ngày 19.9, 100 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng động đất xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) đã được chuyển về các xã để cấp phát cho người dân. Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My cho biết, số gạo này sẽ được cấp phát cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất tại hai xã Trà Bui và Trà Đốc. Theo đó, mỗi nhân khẩu sẽ được nhận 15 kg gạo trong 2 tháng liên tục.

Sợ sập nhà gạch, dựng nhà bằng tre, nứa

Dù hoang mang, sợ hãi nhưng người dân ở đây cũng đang từng ngày tìm cách thích nghi. Từ đầu tháng 9, khi lòng đất phát nổ ầm ầm, nhà cửa rung lên dữ dội, anh Hồ Văn Chiến (21 tuổi), trú tại thôn 2, xã Trà Đốc đã bàn với gia đình dựng thêm căn nhà bằng cây phía lưng đồi để ở cho an tâm. Anh Chiến nói: “Ở nhà xây sợ lắm. Động đất, nhà sập làm sao chạy kịp. Từ khi về ở căn nhà gỗ này tuy hơi thiếu thốn tí nhưng có động đất, nhà chỉ rung nhẹ nên vẫn bớt lo”.

Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại H.Bắc Trà My thường có thói quen làm hai nhà. Trong các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, ngoài nhà xây bằng bê tông, họ còn làm thêm một nhà sàn bằng gỗ. Kể từ khi xảy ra động đất, người dân nơi đây chuyển sang nhà sàn để lỡ động đất gây sập nhà sẽ ít bị thương hơn.

Ông Hồ Văn Xí (80 tuổi), trú tại thôn 3, xã Trà Đốc nói: “Có nhà xây to đẹp đó nhưng cứ động đất miết, tôi không dám ở. Hơn tuần qua, tôi vào rừng kiếm tre, nứa về mở rộng nhà sàn. Tối đến, tôi bảo con cháu về nhà này ngủ cho an toàn”. Theo ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc: “Động đất ám ảnh lắm rồi, đồng bào mình giờ không ai bảo ai, họ tự dựng nhà sàn để ở thôi”.

Hoàng Sơn

>> Lắp hệ thống quan trắc động đất tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Người dân Bắc Trà My sống chung với động đất
>> Dân lại chạy động đất trong đêm
>> Động đất 2,7 độ Richter tại Quảng Nam
>> Sáng nay, Bắc Trà My lại rung chuyển vì động đất
>> Động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2: Chuyên gia kết luận bình thường, tỉnh vẫn lo
>> Kết luận động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> Nhiều nhà và công trình bị nứt do động đất
>> 17 nhà dân bị nứt do động đất tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Di dân nếu động đất không giảm cường độ
>> Động đất tiếp tục rung chuyển khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Lại xuất hiện động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2: Các chuyên gia vào cuộc
>> Động đất ở Vân Nam: 80 người chết, 820 người bị thương
>> Khảo sát tình hình động đất xung quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> Động đất mạnh ở Vân Nam, 64 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.