Phim truyền hình Việt đang chết: Từ “quan hệ” đến “chơi chiêu”

19/09/2012 04:00 GMT+7

Thời gian qua, khán giả tiếp tục… sống chung với những “món ăn” rất bất ổn về chất lượng trên sóng giờ vàng.

Từ người làm nghề, nhà sản xuất có tâm huyết đến đội ngũ kiểm duyệt (của các đài), hầu như ai cũng thấy rằng nên làm điều gì đó để đóng góp cho bộ mặt chung của phim truyền hình Việt. Cụ thể sau những thảm họa như Anh chàng vượt thời gian, các đài đã siết chặt hơn trong khâu thẩm định - duyệt phim. Tuy nhiên, tất cả những tâm huyết ấy, dường như vẫn chỉ là ước mơ… Lạ lùng hơn, có vẻ như không ít người trong cuộc (và chắc chắn khán giả cũng đã đặt nhiều dấu chấm hỏi) đều biết rằng vì sao phim này được người xem khen lại phát vào giờ ngủ trưa, vì sao phim kia dở như thế vẫn được ưu tiên chiếu vào giờ vàng…, nhưng (lại nhưng), chẳng ai muốn lên tiếng vì lý do rất tế nhị.

Quan hệ tốt sẽ được ưu tiên ?

Không nói ra nhưng có lẽ ai cũng hiểu, ngoài luật lệ chung trong khâu duyệt phim, sẽ có những “tình cảm” riêng chi phối, và những “kẽ hở” (dẫn đến một số phim dở vẫn lên sóng) thường rơi vào “khoản riêng tư” này.

 

Ban đầu chính tôi cũng bức xúc vì sao phim tệ như thế vẫn được chiếu giờ tốt, nhưng nay thì tôi thấy quen rồi

NSƯT Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A

Giám đốc một hãng sản xuất có thâm niên trong nghề (tất nhiên không ai muốn nói tên trong trường hợp này, vì họ còn phải tiếp tục làm phim, và luôn cần đến sóng của đài) tâm sự, không ít lần ngậm ngùi chấp nhận bị mất sóng, khi nhà đài bất ngờ xếp phim của một hãng mới toanh khác vào giờ dự kiến của hãng mình. Những chuyện hậu trường mang tính bất ngờ này hẳn không lạ trong giới sản xuất phim, nhưng vì đó là “điều khó nói”, và nếu nói thì chỉ dừng ở mức độ “biết là có chuyện đi cửa sau thay vì cửa trước”, chứ làm sao có bằng chứng cụ thể, nên mọi bức xúc, theo đó, cũng dừng ở… phía sau.

Đâu chỉ là chuyện khi phim đã hoàn thành mới “chạy đi xin”. Ngay từ khâu kịch bản, người ta đã nhờ “quan hệ” để trót lọt đến khi lên sóng. Biên kịch - nhà báo Lê Quang Thanh Tâm lên tiếng: “Tôi nghĩ nguyên nhân chính làm cho phim không đạt vẫn được phát sóng là từ bộ phận thẩm định của nhà đài. Tôi từng biết có những kịch bản đã bị các hãng từ chối vì chất lượng kém, vài tháng sau lại thấy chính kịch bản đó được đơn vị khác tiến hành thực hiện để phát trên đài to.

Nói chung đằng sau màn ảnh, sau phim trường có rất nhiều vấn đề để nói nhưng không ai dám nói, vì rất khó nói. Vậy nên phim hay hay dở, đâu chỉ do kịch bản, đạo diễn, diễn viên… mà chính do thẩm định dễ dãi”. Quả thật, nếu phim nào không đạt, nhà đài cứ thẳng thừng từ chối (tất nhiên các đài cũng phải bắt tay với nhau để cùng làm sạch sóng giờ vàng, nếu không, đài này không duyệt lại chạy đài khác thì cũng bằng thừa), không cho phát sóng, một lần bị gạt như vậy thì thử hỏi nhà sản xuất có dám làm ẩu nữa không?


Bộ phim Anh chàng vượt thời gian bị người trong giới nghi ngờ là hậu quả của việc “đi sân sau” - Ảnh: VTV
 

Về điều này, đạo diễn - NSƯT Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A, bày tỏ: “Chuyện hay dở với các đài cũng khó nói lắm. Ban đầu chính tôi cũng bức xúc vì sao phim tệ như thế vẫn được chiếu giờ tốt, nhưng nay thì tôi thấy quen rồi. Vì cuối cùng thì nhà đài cũng cần phải có nguồn thu từ quảng cáo, có thể kịch bản/phim không hay nhưng đài thấy có thể thu quảng cáo được, khi dựa vào đội ngũ diễn viên, yếu tố câu khách nào đó trong phim. Bởi khán giả đôi khi đâu để ý phim này góc máy đẹp chưa, cách xử lý thế nào… mà chỉ cần nội dung được được, có khi câu chuyện vô lý hay lỏng lẻo vẫn chấp nhận, chỉ vì muốn xem những người nổi tiếng đóng ra sao. Và cái dở này đôi khi lại là cái hay, vì nhà đài nhắm được phim có quảng cáo tốt, thì người làm phim mới được trả tiền cao! Nói chung, bi kịch là thế”.

“1 kèm 1”

Nếu để ý một chút, sẽ thấy thời gian gần đây nhiều phim được làm bởi 2 đạo diễn (thậm chí có khi 3 người), một tên tuổi và còn lại (thường) mới toanh. Việc đứng cùng nhau trên một tác phẩm này có thể hiểu theo 2 cách: người đi trước dìu dắt thế hệ tiếp theo; hoặc để tiết kiệm kinh phí, nhà sản xuất thường mời những đạo diễn mới để cát sê phải trả không cao (bằng nửa hoặc 1/3 người có thâm niên), và mời thêm đạo diễn có uy tín trong nghề làm “cố vấn” (cát sê cũng mang tính… cố vấn) cho phim, và tất nhiên, đây là cách làm để sản phẩm mình không quá “lạ” khi ra mắt công chúng.

Đáng nói hơn, như bức xúc của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc: “Vì lượng phim cần sản xuất quá nhiều, mà nhà sản xuất, đạo diễn tâm huyết không thể gồng gánh hết được, nên phải san sẻ cho các đơn vị nhỏ hơn - chủ yếu là các công ty mới thực hiện (mới thì tiền cũng rẻ hơn). Những ê kíp mới này vì chưa có kinh nghiệm, nên quay 5, 6 tập mà nhà sản xuất thấy không ổn thì đổi đạo diễn. Hiện tôi biết có phim đổi 2, 3 đạo diễn. Vậy thì còn gì là tổng thể phim nữa”. Chia sẻ ý kiến này, một đạo diễn có thâm niên khác khá nhức nhối khi “đến xem mấy đoàn liên tục từng quay trong khu nhà mình, mà tìm người quen đỏ mắt chẳng thấy, có đoàn mình nhìn mà muốn khóc vì biết không ít người mới 1, 2 năm trước còn bưng bê đạo cụ, giờ đã đứng chỉ đạo”.

Ý kiến

Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh: Ngoài chuyện “sân trước, sân sau”, tôi muốn nói thêm về chuyện kinh phí. Trong khi giá cả bên ngoài đều tăng, mà tiền nhà đài trả cho nhà sản xuất hình như không tăng. Tiền ít thì nhà sản xuất phải tìm cách làm sao trang trải đủ, nên người có tâm hay hiểu chuyện cuối cùng cũng đành nhắm mắt mà làm...

Bà Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Khai thác phim truyện HTV: Gần đây, chúng tôi đã khắt khe hơn trong khâu duyệt. Cụ thể, hội đồng thẩm định sẽ tham gia trực tiếp vào phương án sản xuất: đạo diễn nào làm, dàn diễn viên chính gồm những ai, nếu thấy chưa đủ tầm, không phù hợp sẽ góp ý để loại ngay từ đầu. Không chỉ vậy, sau khi phim bấm máy 2-3 tuần, chúng tôi yêu cầu cho xem phần sơ dựng những đoạn có nhân vật chính, nếu chưa ổn thì nhắc nhở đạo diễn trau chuốt thêm, hoặc buộc phải thay diễn viên, dù thiệt hại chút ít nhưng đảm bảo chất lượng.

Ca sĩ - diễn viên Ngân Khánh: Thực tế lúc này mọi người dường như khó tập trung tốt nhất về chất lượng phim vì bị áp lực quá nhiều về số lượng các tập phim phải được hoàn thành. Tôi từng chứng kiến khi đoàn phim quay bối cảnh tại một vũ trường, vì kinh phí cho bối cảnh ấy chỉ được phép quay trong 1 ngày, tất cả 12 phân đoạn. Trong quá trình quay lại bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như cúp điện, diễn viên đến muộn, diễn viên quần chúng diễn chưa đạt... khiến thời gian quay bị chậm. Khi ấy cả đoàn chỉ còn 5 tiếng để hoàn thành 8 phân đoạn. Vì thời gian gấp gáp nên các cảnh quay không còn chỉn chu. Hay một số cảnh quay tại Đà Lạt thay vì mất 13 ngày phải dồn xuống 9 ngày, diễn viên phải dậy làm việc từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya nên không ai còn sức lực dẫn đến một số cảnh quay kém.

Khán giả Hồng Duyên (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Tôi từng tìm hiểu và biết được nhiều chuyện hậu trường về phim. Tôi nghĩ sự nể nang, rồi vì tình cảm, có khi cả vì tiền bạc mà một số đạo diễn, một số bộ phim được ưu ái hơi quá bởi nhà đài. Vì thế có phim dù hay nhưng thiếu “quan hệ” nên khó đến được đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, phim không hay còn là trường hợp phải nhận diễn viên vì nhà tài trợ (vài tỉ)... gửi gắm vai chính.

Chưa kể vì cơm áo gạo tiền mà những người chuyên viết kịch bản “đẻ non” sản phẩm. Tôi từng nghe một người chuyên viết kịch bản thú nhận phải kết thúc cho nhanh để nhận cát sê vì anh ấy đang rất cần tiền, thay vì phải mất hàng tháng để hoàn thành.

D.L - N.V (ghi)

Nguyên Vân

>> Phim truyền hình Việt đang chết
>> Phim truyền hình “lép vế”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ
>> “Kim siêu vòng ba” mất ngôi nữ hoàng phim truyền hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.