Ngân hàng Nhà nước không thể hứa gì về xử lý nợ xấu

30/10/2012 20:15 GMT+7

(TNO) Chiều nay 30.10, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về các vấn đề nóng của kinh tế xã hội hiện nay như: chính sách đầu tư, tài chính, tiền tệ, nợ xấu, thanh tra ngân hàng, Vinashin, quá tải bệnh viện...

Không hứa về nợ xấu

Trước những quan tâm của đại biểu (ĐB), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời một số vấn đề về nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng.

Liên quan đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (đề án 254) có lộ trình 10 năm (đến năm 2020). Việc xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một nội dung trong đó.

"Liên quan đến việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, hiện luật đã có đầy đủ tiêu chí đánh giá, chúng tôi luôn bám sát pháp luật để xử lý. Để có cơ sở xử lý, Ngân hàng Nhà nước tiến hành hai việc: thanh tra tại chỗ và mời kiểm toán độc lập quốc tế vào kiểm toán", ông Bình giải thích.

“Vì vậy tất cả các tổ chức tín dụng bị xử lý vừa qua là rất xứng đáng, phù hợp và toàn bộ những xử lý sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, năm 2012, có 26 tổ chức tín dụng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước thanh tra và kết quả sẽ lần lượt công bố kết quả công khai, minh bạch.

Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình thêm với ĐBQH về nợ xấu và thanh tra ngân hàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đề cập đến vấn đề nợ xấu, Thống đốc cho biết “nợ xấu và xử lý nợ xấu đòi hỏi một quá trình” và cho rằng để giải quyết nợ xấu cần sự giải quyết đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương. 

Thống đốc kết luận: “Chúng tôi không thể hứa gì về xử lý nợ xấu, nhưng cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2015 cố gắng đưa nợ xấu ngân hàng xuống 3% theo thông lệ quốc tế”.

Sẽ trình BHYT toàn dân

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có giải trình thêm về tình trạng quá tải bệnh viện, tăng viện phí và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định quá tải bệnh viện vẫn là thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện nay vì số giường bệnh của chúng ta quá thấp, chỉ 2,5 giường/1 vạn dân.

Vinashin nợ chứ không phải thất thoát

Cũng trong chiều nay, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng báo cáo trước QH về số liệu thanh tra Vinashin.

Ông Tranh cho biết, Vinashin đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra trong 4 năm về ba vấn đề là: thể chế hoạt động, tài chính và quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị. Kết quả, tính đến 31.12.2009: tổng số nợ phải trả là 85.745 tỉ đồng; thực lỗ 4.985 tỉ đồng, lỗ tiềm ẩn 8.512 tỉ đồng nên khả năng lỗ là 13.400 tỉ đồng; gây thâm hụt 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ Nhà nước.

“Như vậy, tôi khẳng định tính đến cuối năm 2009, Vinashin nợ lên đến 86 ngàn tỉ đồng, chứ không phải thất thoát”, ông Tranh nhấn mạnh.

 
Đặc biệt, bệnh nhân đổ dồn về Hà Nội và TP.HCM, cùng năm chuyên khoa lớn để điều trị. Sự phân bố không đồng đều y bác sĩ và trang thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến dưới cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên.

Để khắc phục quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã có đề án giảm tải bệnh viện trình Thủ tướng Chính phủ; tăng số giường bệnh cho các khoa trọng điểm tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM; xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh; đề án bác sĩ gia đình; huy động bác sĩ giỏi mới ra trường về bệnh viện tuyến dưới, những huyện nghèo.

Về vấn đề tăng viện phí, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế cũ được phê duyệt từ năm 1995 đến nay đã quá lỗi thời.

"Vừa rồi, giá viện phí có tăng nhưng người nghèo đã được Chính phủ mua BHYT, nâng mức hỗ trợ viện phí lên 70% cho hộ cận nghèo, số còn lại là những người có điều kiện khám dịch vụ, đi nước ngoài. Bộ Y tế sắp tới sẽ trình Chính phủ đề án BHYT toàn dân. Đó là nguồn tài chính vững bền và người dân sẽ không mất tiền chữa bệnh mà đó chỉ là sự chi trả giữa đơn vị bảo hiểm và bệnh viện, cơ sở khám chữ bệnh", Bộ trưởng cho biết.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, theo bà Tiến, do thực phẩm nhập lậu không chính ngạch qua biên giới, phát hiện rất khó; hóa chất bỏ vào thực vật là nhận thức của người dân còn kém; phụ gia thực phẩm trong sản xuất do người sản xuất tham lợi. Ngành y tế đang từng bước có biện pháp để khắc phục yếu kém sau một năm luật Vệ sinh an toàn thực phẩm ra đời.

Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều địa phương đầu tư dàn trải, lãng phí

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận vấn đề về đầu tư công đã được nói nhiều năm với những bức xúc về đầu tư dàn trải và hiệu quả kém. Đến nay toàn bộ danh mục và tiền trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ đến năm 2015.

Năm 2013 nhu cầu đầu tư của cả Trung ương và địa phương đều vô cùng to lớn nhưng nguồn lực của chúng ta rất hạn hẹp. Mặc dù thiếu ngân sách nhưng theo ông Vinh thì Chính phủ đã cố gắng đề xuất chi ngân sách 180 nghìn tỉ đồng cho các hạng mục đầu tư phân bổ về địa phương (chiếm 73% ngân sách).

Ông Vinh cho rằng, tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí vẫn còn tồn động tại rất nhiều địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị đoàn ĐBQH tại địa phương giám sát việc bố trí và hiệu quả sử dụng vốn tại địa phương mình.

Ông Vinh cho biết, hiện nay, Chính phủ đã giao cho địa phương tự bố trí vốn nên Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã ra chỉ thị quy định UBND tỉnh nào bố trí vốn thi công gây ra nợ thì phải tự chịu trách nhiệm.

Nguyên Mi - Duy Phúc

>> Đại biểu lo lắng tái cơ cấu kinh tế; bức xúc tham nhũng, lãng phí
>> Bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt
>> Thủ tướng nhận lỗi về những yếu kém của Chính phủ
>> Ông Đặng Thành Tâm bất ngờ trở lại họp Quốc hội
>> Quốc hội nghe báo cáo sửa đổi Hiến pháp
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế
>> Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13: Xử lý nghiêm hành vi cản trở luật sư
>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.