Rối bời quản lý dạy thêm, học thêm

02/11/2012 03:40 GMT+7

Hàng loạt vấn đề còn băn khoăn từ hội thảo về quản lý dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT Hà Nội diễn ra hôm qua.

Lo ngại biến tướng từ các nhóm giữ trẻ

Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có nêu rõ tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh (HS) bậc tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Bộ cũng lý giải bỏ việc cho phép “trông giữ trẻ” để tránh tình trạng biến tướng của dạy thêm, học thêm.

 Những lớp học thêm cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày vẫn xuất hiện tràn lan
Những lớp học thêm cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày vẫn xuất hiện tràn lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, dự thảo quy định quản lý dạy thêm, học thêm áp dụng cho TP.Hà Nội mà Sở GD-ĐT TP vừa công bố lại cho phép các trường nhận quản lý HS tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình và những trường hợp khác, mỗi nhóm trông giữ không quá 25 HS. Ngoài ra, còn hướng dẫn thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện dạy thêm, học thêm đối với HS tiểu học không quá 2 tiết/buổi học, 2 buổi/tuần…

 

Phải có chế tài đủ mạnh, thật rõ ràng cụ thể thì mới xử lý vi phạm được

Lê Hồng Vũ
Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội

Vấn đề này gây nên những luồng ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, lo ngại nếu quy định cho phép thành lập nhóm trông giữ trẻ sẽ dễ nảy sinh các vấn đề khó quản lý trong quá trình thực hiện. Chỉ nên quy định rõ là cho phép tổ chức các câu lạc bộ (CLB) dạy các môn năng khiếu, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống để tránh tình trạng dạy thêm, học thêm.

“Tiểu học nên tuyệt đối cấm dạy thêm, nhất là khi Hà Nội đã có gần 80% HS ở cấp này được học 2 buổi/ngày”, ông Dũng nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD-ĐT H.Gia Lâm, cho hay rất “tâm huyết” với việc cho phép thành lập các nhóm trông giữ trẻ vì nhu cầu của phụ huynh rất lớn, nhiều phụ huynh còn năn nỉ cho gửi con vào thứ bảy. Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng phải nêu rõ là chỉ dạy kỹ năng sống và các môn nghệ thuật.

Còn bà Nguyễn Thị Hường, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Từ Liêm, thì băn khoăn: “Nếu cho phép tổ chức CLB năng khiếu, nhà trường huy động cả giáo viên (GV) không chuyên trách, GV dạy toán, tiếng Việt dạy năng khiếu có được không và có đúng tinh thần của CLB này không? Bên cạnh đó, những chương trình tiếng Anh tự chọn do Sở GD-ĐT đưa về, HS học phải đóng tiền liệu có coi đây là CLB không hay coi là dạy thêm?”.

Cần có quy định về trình độ giáo viên

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cho rằng bức xúc lớn nhất của người dân là việc ép buộc HS học thêm bằng cách này, cách khác. “Do vậy, phải có quy định cụ thể hơn về chất lượng giảng dạy của GV, ít nhất đạt trình độ chuyên môn từ loại khá trở lên mới được cấp phép dạy thêm”, ông Vũ đề xuất.

Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cho rằng: “Nên áp dụng luật Viên chức mới có hiệu lực năm 2011, trong đó có biện pháp “hạn chế hoạt động nghề nghiệp” đối với những viên chức có vi phạm quy định. Trong nghề giáo, quy định này áp dụng rất phù hợp, thậm chí có thể không cho GV dạy môn học đó nếu dạy không đạt yêu cầu”.

Cấp phép nhưng không giám sát được

Có một thực tế làm đau đầu những người quản lý là không thể giám sát được việc dạy thêm, học thêm dù có cấp phép. Bà Dương Thị Thanh Huyền nêu thực tế: “Nhiều năm nay mặc dù đã kiểm tra, cấp phép nhưng sau đó thì không có lực lượng lẫn kinh phí để tiến hành kiểm tra, giám sát xem những nơi dạy thêm đó có đạt tiêu chuẩn chất lượng như cam kết ban đầu không. Do vậy, chúng tôi rơi vào tình cảnh: cấp phép cũng chết mà không cũng chết”. Trước thực tế này, ông Lê Hồng Vũ đề nghị: “Phải có chế tài đủ mạnh, thật rõ ràng cụ thể thì mới xử lý vi phạm được”.

Về việc quản lý thu - chi, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải có quy định khung để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Có những trường thu của phụ huynh cao nhưng chi cho nhiều “mục” quá nên bản thân GV trực tiếp đứng lớp lại được nhận một khoản thù lao rất nhỏ. Bà Dương Thị Thanh Huyền lo ngại nếu quy định chung chung như hiện nay là “thu đủ bù chi” thì rất khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Trí Dũng cũng cho rằng sở dĩ vừa qua có nhiều khiếu kiện của GV từ các trường là do quản lý không tốt, “ăn chia” không minh bạch. Vì vậy, ông Dũng đề xuất: “Nên tính toán công lao động của GV và đưa ra một mức trần tối đa học phí là bao nhiêu, trong đó quy định rõ tỷ lệ chi cho quản lý, cơ sở vật chất, GV, phục vụ… Nếu không lại rơi vào tình trạng loạn thu”.

Trước những ý kiến để việc quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Sở sẽ cố gắng nghiên cứu thêm để đưa ra được một quy định rõ hơn về trình độ GV cũng như tỷ lệ chi trong khoản thu tiền học thêm của các nhà trường. Đồng thời, cũng đưa ra nguyên tắc về dạy thêm như: GV ở các trường công lập chỉ có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng tuyệt đối không được đứng ra tổ chức dạy thêm - học thêm. Để được cấp phép dạy thêm, phải công bố được dự toán thu chi rõ ràng để cơ quan chức năng thẩm tra”.

TP.HCM: Hiệu trưởng quản lý nhằm ngăn chặn tiêu cực

Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm. Theo đó, dạy thêm, học thêm trong nhà trường là do các cơ sở giáo dục bao gồm cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ - tin học tổ chức có thu tiền của HS. Phòng Giáo dục có trách nhiệm cấp phép tổ chức hoạt động nếu được UBND cấp huyện ủy quyền. Hiệu trưởng các trường tổ chức, quản lý, kiểm tra hoạt động, xác định nội dung yêu cầu đối với GV nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực.

Quảng Nam: Dừng dạy thêm, học thêm trên toàn tỉnh

Kể từ ngày 1.11, tất cả các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường ở Quảng Nam phải tạm dừng hoạt động cho đến khi có quy định mới của UBND tỉnh. Trong khi chờ UBND tỉnh ban hành quyết định mới thay thế quyết định cũ, Sở GD-ĐT yêu cầu các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường, các trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thông báo dừng hoạt động dạy thêm. Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh phê duyệt nhằm cụ thể hóa Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về vấn đề này.

Đà Nẵng: Chưa có văn bản hướng dẫn mới

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết sở đã có văn bản xin chỉ đạo của UBND TP ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm trong năm học 2012 - 2013. Tuy vậy, đến nay văn bản hướng dẫn mới vẫn chưa được ban hành. Những lớp được cấp phép đã hết thời hạn từ ngày 31.8, nay vẫn chưa được cấp phép mới, đang tiếp tục hoạt động. "Chưa có văn bản thực thi nên chúng tôi vẫn chưa thể làm gì với những lớp học này, phải chờ đến lúc văn bản mới được ban hành thì mới có chỉ đạo, hướng dẫn xuống cơ sở", ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu - Đà Nẵng, cho biết. 

ĐBSCL: Tiếp tục siết chặt

UBND tỉnh Long An ủy quyền Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Hiệu trưởng và người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, chịu hình thức xử lý khi buông lỏng quản lý...

Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ Lê Hùng Dũng, trên thực tế không thể cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm nhưng trường hợp nào trái với quy định thì phải nghiêm khắc xử lý, không bao che, nhân nhượng. Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), cho hay dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học đang là vấn đề nhức nhối của ngành.

 B.Thanh - D.Hiền - H.X.H - Q.M.N

Tuệ Nguyễn

>> Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm
>> TP.HCM cấm dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày
>> Dạy thêm, cấm thì mặc cấm: Đủ kiểu ép buộc
>> Dạy thêm, cấm thì mặc cấm
>> Cấm triệt để dạy thêm bậc tiểu học
>> Không trả lương quá 200 giờ dạy thêm/năm
>> Phê phán việc dạy thêm có động cơ vụ lợi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.