Thấu hiểu hơn để cùng thịnh vượng

15/11/2012 03:45 GMT+7

Giáo sư Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel Kinh tế 2007, có cuộc trao đổi với Thanh Niên với tư cách diễn giả đầu tiên của chương trình “Cầu nối” tại Việt Nam.

Đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Chicago, Giáo sư Myerson là một trong những tên tuổi uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực kinh tế và khoa học chính trị. Ông là chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2007 cho công trình nghiên cứu về lý thuyết thiết kế cơ chế. Giáo sư Myerson đang ở Việt Nam trong phần 1 của chương trình “Cầu nối”, kéo dài từ ngày 14-18.11 tại Hà Nội.


Giáo sư Roger B.Myerson tại Hà Nội ngày 14.11 - Ảnh: Bạch Dương 

Xin giáo sư chia sẻ về mối liên hệ với chương trình “Cầu nối”? Lý do nào đã thúc đẩy ông trở thành một trong những chủ nhân Nobel tham gia chuỗi sự kiện này tại Việt Nam?

Tôi rất vinh dự được trở thành một trong những diễn giả chính trong chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, các nhà kinh tế học như tôi đối mặt với nhu cầu bức thiết phải học hỏi càng nhiều càng tốt về những hình thái chính phủ và hệ thống kinh tế tại tất cả các quốc gia chủ chốt trên thế giới, nhằm chia sẻ tốt hơn những thông tin có lợi cho nước đó và phần còn lại của thế giới. Tôi rất cám ơn Quỹ hòa bình quốc tế về lời mời thăm Thái Lan và Việt Nam trong năm nay. Nhờ họ mà tôi đã tham gia sự kiện lần này.

Giáo sư có thể cho biết lý do ông chọn đề tài “Cơ chế lãnh đạo, nền dân chủ và chính quyền địa phương” để trình bày tại Việt Nam?

Là một nhà lý thuyết kinh tế, tôi dành phần lớn sự nghiệp để tìm hiểu những cơ sở thiết yếu nhất cho một xã hội thực sự thịnh vượng. Từng chữ trong tiêu đề trên đã gói gọn một số yếu tố chủ chốt mà tôi cho rằng rất quan trọng.

Sự thành công của bất cứ xã hội nào đều phụ thuộc vào chất lượng lãnh đạo, cả lãnh đạo cộng đồng địa phương và ở cấp quốc gia. Tôi sẽ thảo luận cách lý thuyết kinh tế có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo thành công. Còn nền dân chủ bao hàm mọi hệ thống mà trong đó giới lãnh đạo có thể đảm nhận trách nhiệm lớn hơn khi giành được sự tin tưởng và đồng thuận của nhiều người trong xã hội. Và một trong những con đường quan trọng nhất để có được trách nhiệm to lớn hơn là nhà lãnh đạo chính trị phải đi từ vị trí lãnh đạo địa phương đến các chức vụ quan trọng hơn ở cấp trung ương. Quan hệ giữa chính quyền ở tầm địa phương và cấp quốc gia vô cùng quan trọng trong bất cứ xã hội nào. Lập luận của tôi là những xã hội thành công phụ thuộc vào các tương tác tích cực giữa chính trị địa phương và trung ương.

Xin giáo sư giải thích đôi điều về Lý thuyết thiết kế cơ chế.

Thiết kế cơ chế là một nhánh của lý thuyết trò chơi, giúp chúng ta nghiên cứu vấn đề về lòng tin giữa những người nắm thông tin khác nhau. Nó giúp chúng ta nhìn rõ hơn rằng đôi khi những vấn đề xấu, như tham nhũng chẳng hạn, không thể nào bị xóa sạch hoàn toàn, và do vậy, thay vì cứ loay hoay với câu hỏi đó, chúng ta cần tập trung tìm cách giảm đến mức thấp nhất cái giá xã hội phải trả liên quan đến tham nhũng.

Trong cuộc sống, lý thuyết này dạy tôi rằng khi tương tác với người khác, cần cố gắng nhìn sự việc từ góc độ của họ. Thiết kế cơ chế dạy tôi rằng đôi lúc chúng ta cần phải từ bỏ cách của mình để làm những điều có được lòng tin của người khác.

Giáo sư nghĩ gì về cụm từ “Thế kỷ châu Á”?

Tôi rất vui khi nói về “Thế kỷ châu Á”. Sự tăng trưởng kinh tế đang gia tăng ở châu Á trong vài thập niên qua đã trở thành một trong những sự phát triển quan trọng nhất trên thế giới, cải thiện tiêu chuẩn sống của nhiều triệu người.

Các nền kinh tế trỗi dậy của châu Á đang được xây dựng trên các truyền thống sâu sắc về tổ chức xã hội và chính quyền. Là một nhà lý thuyết xã hội, tôi đánh giá cao giá trị của các truyền thống xã hội và chính trị của châu Á, và tôi muốn hiểu rõ hơn cách những nền kinh tế này có thể đóng góp vào thành công đang gia tăng ở khu vực vô cùng quan trọng của thế giới.

Xin cám ơn giáo sư!

Sự kiện “Cầu nối” tại Việt Nam

Sau Giáo sư Myerson, sẽ có 3 chủ nhân Nobel khác đến Việt Nam: Giáo sư Harald zur Hausen (Nobel Y học 2008), Douglas D.Osheroff (Nobel Vật lý 1996) và Harold W. Kroto (Nobel Hóa học 1996). Ngoài ra còn có sự góp mặt của nguyên Thủ tướng Ý và nguyên Chủ tịch Ủy ban Châu u Romano Prodi, cũng như Giáo sư Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields năm 2010.

Chương trình “Cầu nối” do Quỹ hòa bình quốc tế, có trụ sở tại Vienna (Áo), tổ chức tại các nước ASEAN từ năm 2003 nhằm tạo điều kiện và củng cố đối thoại cũng như liên lạc giữa các xã hội tại Đông Nam Á với những người đến từ các nơi khác trên thế giới. Các sự kiện trên đóng vai trò cầu nối giữa học giả đoạt giải Nobel với những trường đại học và viện nghiên cứu tại Đông Nam Á. Bằng việc củng cố khoa học, kỹ thuật và giáo dục, các sự kiện này sẽ nâng tầm hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực với sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ.

Tất cả các sự kiện “Cầu nối” đều mở cửa miễn phí cho công chúng tham gia với thông tin được đăng tải trên website Peace-foundation.net.

Nguyên Phong

Thụy Miên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.