Cựu binh già và kỷ vật lạ lùng

18/11/2012 03:10 GMT+7

Sau hơn bốn thập kỷ, ký ức chiến tranh lại ùa về đầy ắp trong câu chuyện giữa chúng tôi với cựu binh già Nguyễn Quang Hùng, chủ nhân của “kỷ vật lạ lùng” mà bác sĩ người Mỹ Sam Axelrad đang lưu giữ bên kia bán cầu.

“Tôi nói thật mình là Việt cộng khi bị phát hiện, bởi tôi nói giọng Bắc, không thể lẫn vào đâu được. Lúc đó, người tôi bắt đầu lên cơn sốt, cánh tay phải đang bị hoại tử đau nhức không chịu nổi. Chiến tranh mà! Điều bất ngờ nhất đối với tôi là ân nhân, bác sĩ Sam Axelrad vẫn còn lưu giữ cánh tay phải của tôi…”, cựu binh Nguyễn Quang Hùng mở đầu câu chuyện. 

Ký ức ám ảnh

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ, bà Tạ Thị Thanh Xuân, nhà ở TP.HCM và có thời gian dài sống ở An Khê (Gia Lai) trong những năm chiến tranh, đã liên lạc với chúng tôi. Bà cho biết nhân vật chụp trong ảnh với bác sĩ Sam Axelrad vẫn còn sống tại thị xã An Khê. Bà Xuân nói: “Bác sĩ Sam tôi cũng biết, bởi lúc đó tôi còn nhỏ, thường lân la đến gần bệnh viện chơi. Họ thân thiện lắm, thường cho chúng tôi kẹo bánh. Còn anh Hùng thì tôi biết do anh ấy có thời gian điều trị tại bệnh viện này”.

 Cựu binh già và kỷ vật lạ lùng
Cựu binh Nguyễn Quang Hùng - Ảnh: Trần Hiếu

Lần theo địa chỉ do bà Xuân cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà của người cựu binh Nguyễn Quang Hùng, năm nay đã 72 tuổi. Nét cười của ông Hùng so với bức ảnh của bác sĩ người Mỹ năm xưa không thể lẫn được. Ông Hùng hóm hỉnh rằng không thể ngờ cánh tay năm xưa của mình “giờ lại chu du tận nước Mỹ”.

Ký ức chiến tranh lại ùa về trong lời kể của người cựu binh già: “Tôi thuộc trung đoàn 18, sư đoàn 325, nhập ngũ năm 1964, đến năm 1965 được điều vào mặt trận Tây nguyên. Trong buổi trưa bị nạn, lúc đó tôi là Tiểu đội trưởng trinh sát, đang cùng một tốp chiến sĩ làm nhiệm vụ tại địa bàn huyện Phù Cát (Bình Định) thì trúng đạn phục kích của lính Mỹ. Đau không thể tưởng nhưng tôi vẫn cố nói với đồng đội hãy chạy theo hướng khác để thoát khỏi tầm truy kích.

Còn tôi và một chiến sĩ nữa lần theo dọc sông trong trời mưa tầm tã, lê mình đến tối mịt mới tìm thấy nhà dân. Nhưng hỡi ôi, tất cả đều là vườn không nhà trống vì dân đã lánh hết vào rừng. Vét được chút gạo còn sót lại trong nhà, chúng tôi nấu vội ít cháo nhưng cổ họng tôi đắng ngắt, không thể nuốt nổi. Áo quần ướt sũng. Chúng tôi không biết thoát thân bằng cách nào bởi xung quanh lúc này là vòng vây của đối phương. Những ngày hôm sau, chúng tôi cố cầm hơi bằng những chén cháo loãng như nước lã và rau rừng. Nghiêm trọng hơn, cánh tay phải bị trúng đạn của tôi bắt đầu sưng đỏ, người sốt hầm hập. Đến khoảng ngày thứ 5, lúc đối phương ép tới, chúng tôi đã lạc nhau vì mỗi người lo chạy mỗi ngả để tránh đạn bắn chiu chíu xung quanh.

Cứ thế, tôi lê bước dọc sông, nép mình bên các bụi rậm để tránh bị phát hiện, nhưng cũng không thoát. Đối phương thấy tôi kiệt sức, mất khả năng chống cự nên đã bắt sống, cùm chân vào cáng đưa lên trực thăng chở về căn cứ của họ ở Phù Cát rồi đưa lên trạm y tế của quân Mỹ ở An Khê. Lúc này, cánh tay của tôi đã bốc mùi hôi thối khó chịu. Tôi lịm đi”. 

Nhân viên y tế hy hữu

Bà Tạ Thị Thanh Đông là em ruột của bà Xuân và từng sống ở An Khê trong những năm chiến tranh, nhớ rất rõ về ông Hùng trong những ngày ông điều trị vết thương. “Lúc đó tôi chỉ mới 12 tuổi. Các chiến sĩ và cán bộ cách mạng chỉ hoạt động trong rừng, ít xuất hiện nên chúng tôi tò mò khi biết được có một Việt cộng trong doanh trại Mỹ. Vậy là cả đám lần mò đến xem. Giữa lố nhố những y tá, bác sĩ người Mỹ to lớn là anh Hùng nhỏ thó với cánh tay phải bị cụt. Một thời gian sau thì anh ấy đi đâu không rõ. Mới đây, tôi mới biết anh Hùng sống ở thị xã An Khê trong một lần tình cờ”. Bà Đông kể rằng một số khách du lịch của Mỹ, khi đến An Khê đã nán lại rất lâu ở khu vực từng là trạm y tế của quân Mỹ - nay là trụ sở Công an thị xã An Khê. Đó là nơi họ từng có những kỷ niệm chiến tranh thời quân ngũ.

Thực tế, ông Hùng sau khi cắt cánh tay phải vẫn bị nhiễm trùng. Một tháng sau đó, các bác sĩ phải phẫu thuật tiếp, cắt thêm một phần cánh tay nữa mới cứu được ông. Sau gần ba tháng điều trị, ông Hùng được bác sĩ Sam Axelrad đưa về một bệnh viện của Mỹ ở Bình Định. Tại đây, ông đã học được một ít chuyên môn về nghề y, hằng ngày cấp, tiêm thuốc cho người bệnh. Chỉ với một tay, ông trở thành nhân viên y tế bất đắc dĩ.

Sống ở đấy từ năm 1967 đến 1969, ông tập viết chữ bằng tay trái cũng như học cách tự lo cho mình trong cuộc sống thường nhật. “Người quản lý ở bệnh viện nói rằng, tôi chỉ được nuôi cơm ăn hằng ngày, không có lương bổng gì. Thời gian này tôi cố gắng móc nối với cách mạng nhưng bất thành. Những người ở bệnh viện bảo tôi muốn đi đâu thì đi vì cho rằng với thương tật của tôi sẽ không thể quay về làm cách mạng được. Năm 1969, tôi quay về lại An Khê, chọn đây làm nơi lập nghiệp cho đến ngày giải phóng”, ông Hùng kể.

Tại nơi ở mới, ông vào làm ở Trạm xá An Túc (nay là thị xã An Khê). Chàng trai thành Nam lúc này đã có những rung động đầu đời với cô con gái của một nhân viên y tế của trạm. Hơn vợ đến 14 tuổi, lại thương tật nhưng ông đã thuyết phục thành công bố vợ. Đến năm 1975, ông lập gia đình và đón đứa con đầu đời.  

“Ở nhà chuẩn bị đưa tôi lên bàn thờ”

Đồng đội quê Nam Định cùng nhập ngũ vào đơn vị, theo ông Hùng thì chỉ còn lại hai người, vốn là cựu tù Côn Đảo. Còn ông thì bị mất liên lạc với đơn vị từ ngày bị thương. “Gia đình tôi tìm kiếm khắp nơi cũng không có tin tức gì, nghĩ rằng tôi cũng như bao đồng đội khác không có ngày về, đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Mọi người đã tìm ảnh tôi, chuẩn bị đưa lên bàn thờ. Cho đến một ngày, cả nhà sững sờ khi tôi xuất hiện. Không thể tả nổi mọi người vui mừng thế nào”, ông Hùng nói.

Sau chiến tranh, ông Hùng tham gia công tác ở xã Song An (An Khê) một thời gian rồi về làm kinh tế gia đình. Hai vợ chồng trần lưng kiếm tiền nuôi bảy đứa con ăn học. Những đứa con của họ đã không phụ công cha mẹ, đều học hành nên người, có công ăn việc làm ổn định.

Cách đây hơn chục năm, ông Hùng nhận được 5,1 triệu đồng tiền chi trả chế độ trong thời gian tại ngũ. Còn cánh tay bị mất trong chiến tranh, cơ quan chức năng đòi hỏi quá nhiều thủ tục ông không thể có được nên đành chịu. Mấy năm nay, vợ ông bị trọng bệnh, đưa đi chữa trị khắp nơi vẫn không thuyên giảm. Ông kể rằng, hồi đó bác sĩ Sam Axelrad có tặng ông mấy tấm hình chụp cảnh đang phẫu thuật cắt cánh tay nhưng hiện đã thất lạc. “Nghe tin ân nhân, bác sĩ Sam Axelrad còn giữ lại một phần cánh tay tôi thật bất ngờ. Tôi muốn rằng, phần thân thể này sẽ đi cùng khi tôi lìa trần...”, ông trầm tư. 

Trần Hiếu

>> Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ
>> Những người lưu giữ ký ức
>> Những ký ức tuổi thơ đáng nhớ
>> Trường Sa ký ức tháng ba
>> Nhiều liệt sĩ trở về từ ký ức
>> Những mảnh ghép ký ức
>> Trở về từ ký ức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.