"Nhà khoa học trẻ tài năng thường tự tìm được đường đi cho riêng mình"

28/11/2012 20:15 GMT+7

(TNO) “Tôi không thể nói làm cách nào để đào tạo ra một nhà khoa học trẻ tài năng nhưng tôi nghĩ những nhà khoa học trẻ tài năng thường tự tìm được con đường đi cho riêng mình”, Giáo sư Harald zur Hausen, người được giải Nobel Y học 2008, nói trong buổi trao đổi với sinh viên TP.HCM.

Hôm nay 28.11, người nhận được giải Nobel Y học 2008 nhờ nghiên cứu ra thủ phạm gây ung thư cổ tử cung, Giáo sư Harald zur Hausen, đã có buổi giao lưu với bác sĩ, giảng viên, sinh viên tại ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM về chủ đề “Phòng ngừa ung thư - Thách thức đối với sức khỏe toàn cầu”.


Giáo sư Harald zur Hausen giao lưu chia sẻ với các bác sĩ, giảng viên, sinh viên ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

Hơn 500 giảng viên, sinh viên đã ngồi chật kín giảng đường lớn của ĐH Y dược TP.HCM vào (buổi sáng) và hơn 1.000 sinh viên đến tham dự buổi diễn thuyết tại ĐH Quốc gia TP.HCM (buổi chiều) để có cơ hội trao đổi và chia sẻ chân tình từ một trong những nhà nghiên cứu y khoa lớn của thế kỷ này về nghề y và việc nghiên cứu khoa học.

Với câu hỏi của nhiều giảng viên và trăn trở của các sinh viên về cách thức làm thế nào để đào tạo và trở thành một nhà khoa học, chủ nhân của giải Nobel Y học 2008 chia sẻ: “Đối với những nhà khoa học trẻ tài năng, tôi nghĩ nếu như chỉ nghiên cứu nhóm để đăng bài trên tạp chí khoa học danh tiếng thôi thì đây không phải là con đường tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, sau một thời gian huấn luyện, các nhà khoa học trẻ nên tìm con đường đi, có ý tưởng riêng cho mình hướng tới những nghiên cứu độc lập, phát hiện mới, con đường đi mới”.

Riêng về hoạt động y khoa, ông Hausen cho biết, ở Mỹ, người thầy thuốc có một nửa thời gian để nghiên cứu nên vừa có thể thấy các vấn đề thực tế trong lâm sàn (khám chữa bệnh), vừa có thể nghiên cứu vấn đề lâm sàn mà mình gặp phải. Đây là một cơ chế làm việc rất hay.


Chủ nhân giải Nobel Y học 2008 nhận nhiều tình cảm nồng thắm từ giảng viên... - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, theo ông Hausen, ở một số nước, người thầy thuốc phải dành hết thời gian để làm lâm sàn. Vì vậy, hoặc là sẽ không có thời gian nghiên cứu, hoặc là việc nghiên cứu phải làm buổi tối, ngoài giờ.

“Tôi nghĩ cơ chế hoạt động của các viện cần tạo điều kiện hợp lý cho bác sĩ có thể làm việc lẫn nghiên cứu để phát triển chuyên môn”, giáo sư đề xuất.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của bản thân, ông khuyên các bác sĩ trẻ nên dành 2-3 năm sau khi tốt nghiệp trường y để nghiên cứu, đặc biệt là đi nước ngoài, như Mỹ. Đây là quãng thời gian rất có ích cho sự nghiệp sau này.

Người đã phát hiện thủ phạm gây ung thư cổ tử cung, cho biết ông đã yêu thích nghiên cứu khoa học từ nhỏ và theo học ngành y. Do trong chương trình y khoa, giai đoạn bác sĩ nội trú là bắt buộc nên ông đã có thời gian làm lâm sàn. Sau khi hết giai đoạn này, ông đã chuyển qua nghiên cứu khoa học.


... và sự ngưỡng mộ từ sinh viên - Ảnh: Nguyên Mi

Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài và nhiều chông gai. Từ năm 1976, giáo sư Harald zur Hausen đã đưa ra giả thuyết HPV (human papilloma virus) đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết các đồng nghiệp, nhà khoa học đều nghi ngờ nghiên cứu này. Đến năm 1984, ông mới chính thức “chỉ mặt điểm tên” được HPV16 và HPV18 là tác nhân quan trọng gây ung thư cổ tử cung. Kết quả nghiên cứu đã mở đường cho việc tìm ra các loại vắc xin phù hợp để ngừa bệnh.

Hơn 20 năm sau đó, giáo sư Hausen tiếp tục theo đuổi ý tưởng về tác nhân nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư ở người. Điều này đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cũng như những triển vọng mới trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư.

Hiện nay, ông vẫn tiếp tục những nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, tác nhân nhiễm có thể gây ung thư (nhiều loại khác nhau) chứ không chỉ tập trung vào nghiên cứu một loại vi rút nào.

“Nói ngắn gọn là tôi không nghĩ là mình sẽ đạt giải Nobel khi làm nghiên cứu này. Tôi chỉ làm việc tôi say mê hết mình”, giáo sư Hausen nói.

Buổi đối thoại với Giáo sư Harald zur Hausen, người được giải Nobel Y học 2008, nằm trong chuỗi sự kiện “Cầu nối - đối thoại hướng đến nền văn hóa hòa bình” do Quỹ hòa bình quốc tế phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT tổ chức, nhằm đưa những nhà khoa học nổi tiếng thế giới đến với thế hệ trẻ VN.

Chuỗi sự kiện được tổ chức tại Việt Nam từ tháng 11 này đến hết tháng 3.2013, gồm các cuộc diễn thuyết của năm học giả đoạt giải Nobel gồm: Giáo sư Roger Myerson (đoạt giải Nobel Kinh tế), Giáo sư Harald zur Hausen (Nobel Y học), Giáo sư Douglas Osheroff (Nobel Vật lý) và Giáo sư Sir Harold Kroto (Nobel Vật lý).

Bên cạnh đó, hai diễn giả tiêu biểu khác cũng tham gia chương trình này là ông Romano Prodi, nguyên Thủ tướng Ý - cựu Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu u và nhà toán học Ngô Bảo Châu - đạt giải thưởng Fields năm 2010.

Nguyên Mi - Thanh Hải

>> Nam giới cũng nên chủng ngừa siêu vi gây ung thư tử cung
>> Ăn uống cho người ung thư phế quản
>> Khám, tư vấn miễn phí bệnh ung thư vú
>> Những dấu hiệu cảnh báo ung thư ở phụ nữ
>> Chống ung thư tiền liệt tuyến từ nho
>> Tầm soát ung thư vú giúp giảm nguy cơ tử vong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.