Con đường tơ lụa của Triều Tiên

06/01/2013 03:30 GMT+7

Làn sóng giao thương với CHDCND Triều Tiên đang phát triển tại thành phố Đan Đông (Trung Quốc), vốn được xem như “con đường tơ lụa” của Bình Nhưỡng.

Làn sóng giao thương với CHDCND Triều Tiên đang phát triển tại thành phố Đan Đông (Trung Quốc), vốn được xem như “con đường tơ lụa” của Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu mừng năm mới 2013 vừa qua, dù nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực quốc phòng, nhưng lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un không quên kêu gọi phát triển kinh tế. Thực tế, trước khi ông Kim đưa ra lời kêu gọi này, hàng hóa thế giới đã xâm nhập vào đời sống người dân Triều Tiên qua cửa ngõ Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh, bên bờ sông Áp Lục.

Về mặt địa lý, sông Áp Lục là ranh giới giữa CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc. Về mặt lịch sử, đây là nơi ghi dấu lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc chính thức tham gia cuộc chiến cách đây hơn 60 năm. Theo tài liệu lịch sử, vào tháng 10.1950, Bắc Kinh điều động hàng trăm ngàn binh sĩ, dưới sự chỉ huy của tướng Bành Đức Hoài, vượt sông Áp Lục để hỗ trợ Bình Nhưỡng. Lúc bấy giờ, lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu, sau khi giúp quân đội Hàn Quốc giữ vững phòng tuyến Busan, đã tái chiếm Seoul. Ngược lại, quân đội Triều Tiên không giữ được Bình Nhưỡng và bị đẩy lùi đến gần sông Áp Lục. Từ khi quân đội Trung Quốc tham chiến, tình hình bán đảo Triều Tiên dần khốc liệt hơn. Đến giữa năm 1951, cuộc chiến rơi vào thế giằng co tại vĩ tuyến 38, nơi được phân định là biên giới hai miền Triều Tiên từ sau Thế chiến 2. Vào năm 1953, tình hình lắng dịu nhờ vào một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng từ đó đến nay đều chưa chính thức ký một hiệp định hòa bình nên bán đảo Triều Tiên hiện tại, trên lý thuyết, vẫn trong tình trạng chiến tranh.

 Con đường tơ lụa của Triều Tiên
Cầu hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên bắc qua sông Áp Lục - Ảnh: AFP

Sông Áp Lục ngày nay

Suốt 60 năm qua, kể từ khi chiến tranh Triều Tiên tạm lắng, sông Áp Lục không còn đóng vai trò chuyển tiếp quân đội mà là hàng hóa từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Nhiều năm qua, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Theo AFP, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng gần 3 lần từ mức 1,97 tỉ USD của năm 2007 lên 5,6 tỉ USD vào năm 2011. Con số này giúp Trung Quốc chiếm đến 89% tổng giá trị xuất nhập khẩu của CHDCND Triều Tiên. Trong đó, phần lớn hoạt động giao thương giữa hai bên được chuyển tiếp tại thành phố Đan Đông. Cuối năm ngoái, Hội chợ Kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch Trung - Triều cũng diễn ra tại đây, có sự tham gia của khoảng 400 công ty Trung Quốc.

Thực sự, Đan Đông ngày càng trở thành một cửa ngõ để người dân Triều Tiên tiếp cận hàng hóa từ khắp thế giới chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Theo AP và AFP, tại thành phố này, khách du lịch đến từ bên kia sông Áp Lục không chỉ mua sản phẩm tiêu dùng thông thường mà còn có thể là DVD, ổ cứng USB… Người dân Triều Tiên còn đến Đan Đông để sắm đàn piano đã qua sử dụng mang thương hiệu Nhật như Yamaha và Kawai với giá từ 2.000 - 3.000 USD mỗi chiếc. Thậm chí, tại đây, một số người tậu cả điện thoại di động tận dụng sóng của các nhà mạng Trung Quốc lan qua bên kia biên giới. Hồi cuối năm 2011, Đan Đông cũng là nơi cung ứng hoa phục vụ lễ tang lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il với hàng đoàn xe tải chở hoa từ Trung Quốc vượt sông Áp Lục. Khi đó, nhiều người Triều Tiên tiêu tốn đến 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) để mua vòng hoa viếng lãnh đạo Kim, theo tờ Chosun Ilbo. Ngoài ra, thông qua hình ảnh phát đi từ Bình Nhưỡng, người ta còn thấy cả những chiếc xe Mercedes đời mới bóng loáng xuất hiện trong lễ tang của ông Kim Jong-il. Có thể, số xe này cũng được nhập thông qua cửa khẩu bên sông Áp Lục.

 Con đường tơ lụa của Triều Tiên 1
Người dân Triều Tiên tại trạm hải quan ở thành phố Đan Đông

Con đường tơ lụa của Triều Tiên 2
Các xe tải của Triều Tiên tại trạm hải quan

Tất nhiên, con đường tơ lụa trên cũng là nơi diễn ra các hoạt động giao thương mà Bình Nhưỡng không hề mong muốn như buôn lậu và sự xâm nhập văn hóa ngoại quốc. Những DVD mà người dân Triều Tiên mua tại Trung Quốc còn mang theo cả phim ảnh, ca nhạc từ Hàn Quốc vốn không được chính quyền Bình Nhưỡng muốn phổ biến ở đất nước mình.

Làn sóng mới

Tuy nhiên, dù gì thì sự thay đổi tại Triều Tiên đang dần rõ ràng hơn. Cuối tháng 8.2011, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một số nhà báo quốc tế thực hiện chuyến du ngoạn nước này trong thời gian 5 ngày. Theo AFP, các nhà báo nước ngoài nhờ đó đã có dịp khám phá thành phố Rason, nơi Bình Nhưỡng thí điểm mở cửa thị trường từng bước với một khu chợ buôn bán tự do. Tại đây, đoàn khách tìm thấy hàng hóa khá đa dạng từ quần áo đến nhu yếu phẩm và đồ tiêu dùng, giày dép, quần áo… Khu chợ còn bán cả những sản phẩm phổ biến trên thế giới như dầu gội Sunsilk, xà phòng Lux hay các vật dụng nội thất, hàng điện tử như loa, tủ lạnh, đầu DVD...

Hồi tháng 12.2012, AFP dẫn lời doanh nhân Trung Quốc Vương Viễn Cương cho biết ông nhìn thấy nhiều sự thay đổi ở Triều Tiên kể từ khi đại tướng Kim Jong-un thay cha nắm quyền lãnh đạo. Theo ông Vương, người bắt đầu xuất khẩu hàng hóa sang Triều Tiên từ thập niên 1990, môi trường kinh doanh tại nước này gần đây thay đổi tích cực hơn. Ông nói thêm: “Nhiều nhà hàng mới mở cũng được thiết kế sang trọng hơn”. Thời gian gần đây, đệ nhất phu nhân Triều Tiên là bà Ri Sol-ju thường xuất hiện trong những bộ cánh thời trang. Điều này khác với phong cách khá truyền thống của các đệ nhất phu nhân trước đây tại Triều Tiên.

Cũng trong năm 2012, tờ The Wall Street Journal đưa tin doanh nghiệp nước này vừa giới thiệu mẫu máy tính bảng nội địa tại hội chợ ở Bình Nhưỡng. Dường như, sản phẩm trên sử dụng hệ điều hành Android. Nếu như thế, đây là một trùng hợp đáng quan tâm khi truyền thông quốc tế vừa đưa tin ông Eric Schmidt, Chủ tịch Google - nhà cung cấp Android, dự kiến sẽ đi thăm Triều Tiên. Biết đâu, sau chuyến thăm, Bình Nhưỡng sẽ cởi mở hơn đối với internet. Ngày 4.1, truyền thông Đức đưa tin các luật gia, nhà kinh tế nước này vừa được CHDCND Triều Tiên mời bàn về kế hoạch mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ năm 2013. Nếu như thế, đây sẽ động thái mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm cải cách kinh tế đất nước như lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi.  

 Con đường tơ lụa của Triều Tiên 3
 Đồ họa: Hoàng Đình/Kmusser

Sông Áp Lục bắt nguồn ở độ cao 2.500 m từ núi Bạch Đầu trên dãy Trường Bạch, ở vùng đông bắc Trung Quốc. Con sông kéo dài khoảng 790 km, lưu vực rộng 30.000 km2  và đổ vào vịnh Triều Tiên. Thành phố Đan Đông của Trung Quốc và thành phố Sinuiju (còn gọi là Tân Nghĩa Châu) nằm ở hai đầu cửa sông. 

Ngô Minh Trí

>> Mỹ chỉ trích chuyến đi Triều Tiên của Chủ tịch Google
>> Đệ nhất phu nhân Triều Tiên đã “khai hoa nở nhụy”?
>> Triều Tiên sẽ thử bom hạt nhân trong hai tuần tới?
>> Triều Tiên lập giải thưởng quốc tế mang tên Kim Jong-il
>> Hàn Quốc “vén màn” tên lửa Triều Tiên
>> Tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.