Giúp trẻ đối phó hiểm nguy

08/01/2013 03:25 GMT+7

Nếu được người lớn hướng dẫn đúng đắn, trẻ nhỏ trong giai đoạn 3-5 tuổi vẫn có thể tự tìm cách vượt khỏi những tình huống khẩn cấp.

Hướng dẫn đơn giản, khéo léo

Nhiều phụ huynh không tin rằng vì trẻ nhỏ khó có thể tự bảo vệ, thoát thân trong những tình huống hiểm nguy như hỏa hoạn, xâm hại, bắt cóc, bỏng, tai nạn thương tích… Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Thị Hương, Giám đốc, chuyên viên tư vấn giáo dục Công ty Clever kids EDC, cho rằng, điều sai lầm là hiện nay, phụ huynh thường đánh giá thấp về khả năng của con trẻ. “Trẻ sẽ không biết ứng phó, dập tắt lửa với từng nguyên nhân cháy: do xăng dầu (dùng chăn ẩm, cát dập tắt), chập điện (dùng bình chữa cháy)… như người lớn. Nhưng trẻ cũng có thể ứng phó được với những tình huống cháy thông thường, nếu chúng ta biết cách hướng dẫn”, tiến sĩ Hương khẳng định.

Nếu được hướng dẫn, trẻ nhỏ vẫn biết cách vượt qua những hiểm nguy xung quanh
Nếu được hướng dẫn, trẻ nhỏ vẫn biết cách vượt qua những hiểm nguy xung quanh
- Ảnh: Shutterstock
 

Để chứng minh, tiến sĩ Hương đã hướng dẫn cho một nhóm trẻ mầm non về cách thoát thân trong vùng cháy bằng cách dùng chăn ướt đội lên đầu và khom người chạy thoát thân. Có nhiều trẻ còn cho rằng, cách thoát thân này giống như mình đang múa lân. Một số trẻ cũng cho biết, nếu không có chăn, vải thấm nước, mình có thể cởi áo để thấm nước và thoát thân. “Lửa và khói thường cháy cao. Việc trùm chăn, áo ướt và chạy khom có thể chống ngạt khói, cháy vùng đầu và bỏng mặt. Chúng ta có thể gợi hỏi trẻ về cách làm, trẻ sẽ tư duy và trả lời được. Nếu được thực hành nhiều, trẻ sẽ thuần thục”, tiến sĩ Hương nói. Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý rằng, nếu người lớn chúng ta không để ý, dùng các từ ngữ như: hỏa hoạn, cháy nổ để dạy trẻ, trẻ sẽ không hiểu được. Thay vào đó, người lớn có thể dùng những từ gần gủi như lửa cháy, khói bốc lên…

Ứng phó với bỏng, ổ điện

Ở lứa tuổi này, trẻ con có nhiều nguy cơ bị bỏng. Trước thực tế này, bà Hương cũng hướng dẫn phụ huynh cách ứng phó nếu chẳng may trẻ bị bỏng. “Trước đây, nhiều người thường dùng nước mắm, thoa kem đáng răng vào vùng bỏng của con... Tuy nhiên, cách làm này  sai hoàn toàn. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ nên đưa vùng bị bỏng vào ngâm trong nước sạch (đến khi giảm đau rát), rồi đưa đến trạm y tế gần nhất để xử trí. Mặt khác, khi trẻ bị bỏng, cha mẹ không nên cởi đồ con ra, vì vải có thể làm tuột da vùng bỏng, càng khó điều trị hơn”, tiến sĩ Hương  khuyên.

Nhiều phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc con em họ thường nghịch phá ổ điện. Đáng nói, phụ huynh càng ngăn cấm, trẻ càng tìm cách phá. Thậm chí, trẻ còn rình rập, thấy vắng cha mẹ, lại đưa tay vào ổ điện. Tiến sĩ Hương chia sẻ: “Khi trẻ phá phách, phụ huynh có thể giả vờ giữ tay trẻ và đưa vào ổ điện, đồng thời hét lớn về tác hại khi bị điện giật. Trẻ sẽ sợ hãi và không dám tái phạm. Sau này, phụ huynh có kêu trẻ chơi với ổ điện, trẻ cũng không dám”. “Tôi đã áp dụng cách này, nó hết sức hiệu quả”, bà Hương khẳng định.

Minh Luân

>> Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em
>> Tiểu đường ở trẻ em
>> Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng
>> Nga ra đạo luật bảo vệ trẻ em trên internet
>> Trẻ em coi phim người lớn
>> Ngừa eczema ở trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.