Tác giả clip Tiếng Việt nói về thần tượng

04/02/2013 09:05 GMT+7

Xuất hiện không lâu trên YouTube, clip kể chuyện Tiếng Việt bằng tranh vẽ và âm nhạc của Lê Xuân Khoa đã gây sốt cộng đồng mạng. Khoa muốn gửi gắm thông điệp hãy yêu quê hương hơn; thần tượng những người gần gũi, hy sinh thầm lặng cho mình...

 
Tranh vẽ trong clip “Tiếng Việt”

Chạm đến trái tim người trẻ

Clip “Tiếng Việt” được dàn dựng công phu kết hợp giữa âm nhạc và truyện tranh. Theo Khoa, yếu tố nào làm nên thành công của clip này?

Tôi thấy có bốn yếu tố làm nên thành công của clip Tiếng Việt. (https://www.youtube.com/watch?v=HL1Mack-e1g). Ca từ bài hát phỏng theo một bài thơ của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ. Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp và cô đọng nói về vẻ đẹp của Tiếng Việt.

Nhạc được nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm viết trên chất liệu dân gian tạo cảm giác gần gũi, dung dị như điệu Ru con hay Cò lả… Còn tranh vẽ, họa sĩ Tiến Dũng đã sử dụng nhiều hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam và thể hiện theo lối giả mực nho.

Nội dung câu chuyện có sự song hành gắn với từng khổ lời bài hát tạo sự gần gũi hơn với giới trẻ. Câu chuyện còn đề cập vấn đề nóng hiện nay như chủ quyền biển đảo... Từ những điều trên, clip Tiếng Việt vừa có yếu tố giải trí hấp dẫn, vừa đậm chất truyền thống, dân gian nên được cộng đồng ủng hộ.

Bạn dựng clip này như thế nào?

Tôi viết kịch bản đầu tiên và đưa cho Dũng xem, góp ý. Dưới con mắt của họa sĩ phân cảnh, Dũng đề nghị sửa lại một số điểm. Bài hát trữ tình, nhẹ nhàng nên chúng tôi quyết định cắt bỏ phần chiến tranh (như kịch bản ban đầu).

Còn một cảnh bi thương nhất là khi thuyền của gia đình chàng trai gặp cướp trên biển, và người cha đỡ tên cho con rồi đẩy con xuống biển, chúng tôi quyết định ngắt hẳn nhạc, cũng là một cách để dồn nén cảm xúc người xem.

Đoạn này âm thanh sẽ có tiếng sấm sét, bão tố và đoạn đàn bầu trích từ bản độc tấu Ru con Nam bộ.

Ngoài ra, phần mở đầu clip, trước khi vào bài hát, Dũng cũng vẽ thêm một số tranh phong cảnh của những vùng miền khác nhau của Việt Nam và tôi chọn bản đàn bầu Bèo dạt mây trôi ở phân đoạn này.

Về bài hát Tiếng Việt, anh Lê Tâm viết bài này năm 1996, là bài hát khó, ngay cả dân chuyên nghiệp hát chưa chắc đã ra chất. Anh Tâm đề nghị tôi nên tập hát trong thời gian dài độ 1 tháng, rồi hãy thu. Nhưng lịch ở phòng thu của tôi không đổi được nên buộc phải tự tập trong một tuần rồi thu. Dù kỹ thuật xử lý bài hát chưa được tốt, nhưng tôi đã thể hiện bằng cảm xúc thực của mình.

Khoa chia sẻ rằng, làm clip “Tiếng Việt” để muốn bạn trẻ yêu và hiểu đất nước, con người, quê hương; đặc biệt là biết quý trọng, thần tượng những người thân trong gia đình. Khoa có thể nói cụ thể hơn về điều này?

Bài hát theo phong cách dân gian, phổ trên lời thơ ca ngợi vẻ đẹp tiếng Việt của một nhà thơ nổi tiếng. Câu chuyện lấy bối cảnh Việt Nam thời xưa, với phong cách vẽ giả mực nho, bối cảnh có nhiều cảnh đẹp Việt Nam cùng những cảnh sinh hoạt đời thường, có cánh cò, lũy tre, bọn trẻ chăn trâu, buổi họp chợ của dân làng...

Mọi thứ đều hướng về truyền thống, trong khi truyện tranh gần gũi với giới trẻ. Qua đây, người trẻ có thể đến gần hơn những giá trị truyền thống.

Câu chuyện nói về những con người bình thường, sống cuộc sống bình thường. Họ không phải là anh hùng hay nhân vật nào đó có quyền lực hoặc ảnh hưởng đặc biệt trong bối cảnh xã hội đó. Nhưng qua những hoạt động rất đời thường của họ, người xem có thể thấy họ đáng yêu, đáng phục như thế nào.

Điểm nút của câu chuyện là việc gia đình chàng trai gặp cướp trên biển; để cứu chàng, cha chàng đẩy chàng xuống biển. Chàng bị tai nạn (cột buồm rơi xuống) nên mất trí nhớ và được ba cha con làng chài cứu, đem về nuôi, dạy tiếng Việt từ đầu cùng với lũ trẻ trong làng.

Người cha cứu con chính là sự chăm sóc, hy sinh của những người thân cho gia đình và tình nghĩa của 3 cha con làng chài lại là sự đùm bọc, sẻ chia rất Việt Nam.

Tình tiết tàu cướp khiến mọi người nghĩ đến vấn đề biển đảo, còn việc mất trí nhớ nên phải học lại tiếng Việt nhắc nhở ý nghĩa và giá trị của ngôn ngữ tiếng Việt để trân trọng hơn, yêu quý hơn. Tôi mong muốn, qua câu chuyện này, các bạn trẻ có cái nhìn cụ thể hơn, đừng lệch lạc về thần tượng.

Đừng thần tượng phi thực tế

 
Lê Xuân Khoa


Bạn nghĩ gì về hiện tượng lệch lạc thần tượng trong giới trẻ hiện nay?

Mỗi con người như một bông hoa có vẻ đẹp riêng. Không ai giống ai. Ta cố thành người khác cũng không được mà càng cố thì ta lại càng đánh mất chính mình. Cuộc sống là hành trình để chúng ta tìm ra đúng chính mình nhất. Mỗi bông hoa nên phát huy vẻ đẹp mà tạo hóa cho mình.

Tôi không thần tượng ai. Tôi nghĩ chúng ta có thể yêu thích và học hỏi những mặt cụ thể của từng cá nhân cụ thể, nhưng không nên cuồng theo kiểu mù quáng.

Thần tượng ai đó không xấu, nó có thể là yếu tố tích cực, là động lực cho bạn học tập hay làm việc, nhưng đừng thần tượng một cách phi thực tế. Tôi thấy trên thế giới ảo, nhiều bạn trẻ quan tâm những chuyện xa xôi, thi nhau like những hình ảnh, câu chuyện mà ở đó người đưa lên chỉ có mục đích câu view, không có ý nghĩa nhiều. Theo tôi, các bạn nên quan tâm đến cuộc sống thực hơn, thần tượng ngay những người thân mình, bố mẹ, hay những người hi sinh, chăm lo cho mình.

Theo Khoa, làm thế nào để người trẻ yêu hơn những giá trị truyền thống, bớt sống hời hợt, a dua?

Tôi nghĩ, để thay đổi người khác là chuyện khó; trước hết tôi sẽ điều chỉnh bản thân. Khi mình tích cực và đưa những yếu tố tích cực, những giá trị nhân văn và truyền thống vào từng hoạt động của mình, vào những tác phẩm mình làm ra, từ đó có thể tìm thấy sự đồng cảm, và hiệu ứng tích cực đó cứ sẽ lan dần ra.

Thực sự tôi nghĩ những cách thức truyền đạt sách vở, giáo điều, dạy dỗ người khác là không hiệu quả. Chúng ta nên dùng cách thức truyền đạt từ con người sang con người, từ trái tim đến trái tim, để có thể tạo ra thay đổi thực sự.

Cảm ơn Khoa.

Lê Xuân Khoa sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Khoa tham gia nhiều chương trình vì cộng đồng, là một trong những thành viên đầu tiên tham gia tổ chức giải thưởng Chim Én tôn vinh những người làm tình nguyện, viết nhiều truyện, hiện gây sốt với truyện audio Lá rơi trong thành phố.

Xúc động và tự hào

Clip “Tiếng Việt” lan truyền trong cộng đồng mạng với tốc độ chóng mặt, đón nhận nhiều lời bình luận như: “Tự nhiên thấy tự hào mãnh liệt vì mình là người Việt”.

“Tiếng Việt mình đẹp thế, trong sáng thế mà sao các bạn thanh thiếu niên bây giờ cứ thích nói kiểu ngôn ngữ lai căng, khó hiểu”… Minh Thiện viết: “Hình ảnh cuối clip cánh chim chữ V rất ý nghĩa. Cảm ơn các bạn đã cho tôi thêm tự hào vì mình là người Việt Nam”.

Hảo Nguyên chia sẻ: “Cảm động muốn khóc quá, cứ ngỡ rằng nhạc Việt nhiều bài chưa hay, nhưng khi xem xong thì cảm thấy nhạc Việt vẫn còn rất nhiều bài để thưởng thức. m điệu nhẹ nhàng như lời ru cảm giác như được trở về quê về thời ấu thơ”...

Bảo Linh

 Theo Hải Yến \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.