Vatican - quốc gia không biên giới

17/02/2013 03:05 GMT+7

Dù được xem là quốc gia độc lập có diện tích nhỏ nhất thế giới, nhưng ảnh hưởng của Vatican lại hiện diện gần như trên toàn cầu.

Dù được xem là quốc gia độc lập có diện tích nhỏ nhất thế giới, nhưng ảnh hưởng của Vatican lại hiện diện gần như trên toàn cầu.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 1960, phe của ứng viên Richard Nixon từng tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rằng nước này sẽ bị “Vatican hóa” nếu ông John F.Kennedy thuộc đảng Dân chủ thắng cử. Theo tạp chí Newsweek, phe Nixon khi đó tuyên bố mối quan hệ thân thiết với Vatican sẽ khiến chính sách của đối thủ Kennedy bị Tòa thánh chi phối. Quả thực, điều này trở thành một đòn độc khiến ứng viên đảng Dân chủ lao đao khi nhiều người dân Mỹ lúc bấy giờ lo ngại bị điều hành bởi Vatican. Sau đó, nhờ sự may mắn cùng những nỗ lực hết mình, ông Kennedy mới chiến thắng. Thậm chí còn có cáo buộc rằng phe của ứng viên này đã gian lận phiếu bầu chứ thực tế không hề chiến thắng. Khó khăn mà Tổng thống Kennedy trải qua trở thành minh chứng cho sự ảnh hưởng của quốc gia nhỏ bé Vatican.  

Vatican - quốc gia không biên giới 1
Quảng trường Thánh Peter ở Vatican - Ảnh: Dfmalan

Đất nước “tỉ dân”

Về mặt cơ học, Vatican chỉ có diện tích tương đương 0,5 km2 và dân số khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, Vatican được xem như trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo Rome (gọi tắt là công giáo), nên tất cả những tín đồ công giáo toàn thế giới đều là “con dân” về mặt tinh thần của quốc gia nhỏ bé này.

Theo cơ quan thông tấn Zenit của Vatican, dựa trên những thống kê từ năm 2000 - 2008, công giáo có khoảng 1,16 tỉ tín đồ khắp thế giới. Cũng theo thống kê này, tính đến năm 2008, công giáo có tổng cộng 5.002 giám mục trên thế giới, tăng hơn 10% so với con số 4.541 hồi năm 2004. Mỗi giám mục phụ trách một giáo phận, góp phần tạo nên một tổ chức lâu đời và được xem là lớn nhất thế giới. Vì vậy, Vatican nói chung và bản thân các giáo hoàng nói riêng có ảnh hưởng không nhỏ trên toàn cầu. Mỗi khi đi đến đâu, các giáo hoàng thường nhận được sự đón chào nồng nhiệt của giáo dân bản xứ. Thậm chí, để chào mừng Giáo hoàng Benedict XVI đến thăm Mexico hồi đầu năm 2012, một số băng nhóm tội phạm khét tiếng nhất ở nước này cam kết không có hành động bạo lực suốt sự kiện trên, theo kênh Fox. Trong khi đó, những vụ thanh toán, giết chóc vốn xảy ra như cơm bữa tại Mexico, chưa đến 5 năm mà khoảng 50.000 người thiệt mạng, trở thành thách thức nan giải cho chính quyền. Tại chuyến đi, khoảng 300.000 người đã tập trung chào đón giáo hoàng. Cùng khoảng thời gian trên, ông còn đến thăm Cuba và có một buổi lễ quy tụ hàng ngàn giáo dân tại đây.

Vatican - quốc gia không biên giới 2
Đám đông chào đón Giáo hoàng Benedict XVI tại Cuba - Ảnh: Reuters

 

Thành quốc Vatican là một lãnh thổ có chủ quyền được thành lập theo Hiệp ước Laterano vào năm 1929 và là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nằm lọt trong thủ đô Rome của Ý. Được xem là trung tâm của Giáo hội Công giáo La Mã, Vatican nằm dưới sự điều hành của một cơ quan trung ương gọi là Giáo triều La Mã, với sự ủy quyền của giáo hoàng. Tất cả quan chức cao cấp của nhà nước đều là giáo chức của Giáo hội Công giáo La Mã. Giáo triều gồm Phủ Quốc vụ khanh, 9 Thánh bộ, 3 tòa án, 11 hội đồng và 3 văn phòng hoạt động tương tự cơ chế lập pháp, tư pháp, hành pháp. Vatican sử dụng đồng euro với hệ thống tài chính riêng nhưng công tác quốc phòng do Ý đảm nhiệm.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông là Giáo hoàng John Paul II khi đến thăm Ba Lan vào năm 1979 cũng nhận được sự chào đón của 250.000 người ở Quảng trường Victory, thuộc thủ đô Warsaw, theo BBC. Vào tối 2.6.1979, ngày mà Giáo hoàng John Paul II đến Ba Lan, hàng dài người đã tập trung tuần hành tại thủ đô Warsaw. Theo tờ The Wall Street Journal, lượng người tham gia tuần hành được cho là lên đến con số 1 triệu. Sau đó, vào năm 1983, Giáo hoàng John Paul II thực hiện chuyến thăm thứ 2 đến Ba Lan và tiếp tục được đón chào nồng nhiệt. Cũng trong chuyến thăm, giáo hoàng gặp gỡ ông Lech Walesa, người giành giải Nobel hòa bình vào năm 1983 rồi trở thành Tổng thống Ba Lan từ năm 1990 - 1995. Ông Walesa là chính trị gia nổi lên trong giai đoạn nhiều biến động chính trị diễn ra tại Đông u. 

Kín kẽ bậc nhất

Khác với những ảnh hưởng được biết đến rộng rãi bên ngoài, nội bộ Vatican lại rất kín kẽ. Thậm chí, nhiều người còn xem đây là một quốc gia đầy bí ẩn, dù không khó để đến tham quan một số địa điểm. Theo báo Manila Standard Today, việc giữ bí mật nội bộ được cho là một vấn đề mang tính thể chế hóa tại Vatican. Tờ báo dẫn lời tác giả John Thavis của cuốn The Vatican Diaries (tạm dịch là Những nhật ký Vatican) cho biết: “Bạn phải biết rằng mỗi người làm công lẫn quan chức tại Vatican đều phải tuyên thệ giữ bí mật khi nhận công việc ở đây”. Theo đó, những vấn đề liên quan đến giáo hoàng hay những chức sắc ở quốc gia nhỏ bé này càng được ưu tiên bảo mật.

Có lẽ vì lý do trên, mỗi khi một điều gì đó được xem là bí mật của Vatican rò rỉ cũng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận toàn thế giới. Thậm chí, đó có thể là một “cơn địa chấn”. Ngày 18.2.2012, lễ sắc phong 22 hồng y mới tại Vatican diễn ra kém phấn khởi hơn hẳn những lần trước sau khi hàng loạt thông tin mật của tòa thánh bị rò rỉ. Trước đó khoảng 1 tuần, báo chí Ý liên tục đăng tải tài liệu rò rỉ cáo buộc sự quản lý yếu kém khiến xảy ra nhiều vụ tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Trong đó, báo giới còn công bố một bức thư được cho là do Tổng giám mục Carlo Maria Vigano gửi Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2011. Trong bức thư, ông Vigano cầu xin giáo hoàng tha thứ việc tổng giám mục này dính líu đến một số vụ tham nhũng liên quan tới những hợp đồng tại Vatican. Cũng trong thời điểm tháng 2.2012, tờ The Telegraph còn loan tin rằng Hồng y Paolo Romeo, Tổng giám mục giáo phận Palermo (Ý), hồi tháng 11.2011 đã đưa cảnh báo nghiêm trọng. Đó là việc một “nhóm chiến binh bí mật” đã lên kế hoạch sát hại giáo hoàng trong năm 2012. The Telegraph dẫn một nguồn tin giấu tên từ Vatican cho biết Hồng y Romeo khi đó tuyên bố nếu không có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ nghiêm ngặt, giáo hoàng sẽ gặp nguy hiểm trong vòng 12 tháng tới. Vụ rò rỉ thông tin này (được đặt tên là VatiLeaks) trở thành sự kiện mà giới quan sát nhận định là bằng chứng cho việc đấu đá nội bộ Vatican. Đến tháng 6.2012, tòa thánh chính thức công bố thông tin phụ tá thân cận nhất của giáo hoàng là Paolo Gabriele bị bắt giữ vì tàng trữ trái phép tài liệu mật. Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của Tòa thánh không đủ sức dẹp yên hoàn toàn dư luận và dư âm của VatiLeaks đến nay vẫn còn.

Hoàng Đình

>> Vatican thừa nhận Giáo hoàng Benedict XVI dùng máy trợ tim
>> NASA, Vatican đều bác bỏ tin đồn tận thế
>> Vatican chọn cố vấn truyền thông mới
>> Vatican rung chuyển vì rò rỉ tài liệu mật
>> Vatican bắt phụ tá của giáo hoàng
>> Chủ tịch Ngân hàng Vatican bị sa thải
>> Khai quật hầm mộ bí ẩn ở Vatican 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.