Đối phó hiểm họa thiên thạch

20/02/2013 03:05 GMT+7

Vụ thiên thạch nổ tung trên bầu trời Nga đã đánh động cả thế giới về nguy cơ đến từ vũ trụ, thúc đẩy các cường quốc cùng ra tay hành động.

Ngày 15.2, thế giới bất ngờ đến chấn động sau vụ mưa mảnh vỡ thiên thạch tấn công khu vực Urals của Nga và tất cả chợt nhận ra một sự thật: chúng ta chưa có sự chuẩn bị cần thiết để đối phó cơn thịnh nộ của vũ trụ. 

Lá chắn Nga vô hiệu

Đối phó hiểm họa thiên thạch 1
Một bức tường đổ sập sau vụ nổ thiên thạch - Ảnh: AFP

Một quả cầu lửa sáng chói vạch ngang bầu trời khu vực Urals suốt 30 giây trước khi nổ tung ở độ cao 24 km cách mặt đất. Theo Space.com, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính “thủ phạm” là một khối đá đường kính 17 m, nặng 10.000 tấn và được xem là thiên thạch lớn nhất từng xâm nhập bầu khí quyển trái đất kể từ sự kiện Tunguska cũng tại Nga vào năm 1908. Khi nổ trong lúc di chuyển với tốc độ 64.373 km/giờ, thiên thạch tống ra năng lượng tương đương 25 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki vào năm 1945. Sóng xung kích từ vụ nổ ập xuống thành phố công nghiệp Chelyabinsk, cách Moscow 1.500 km về hướng đông, tạo sức ép khủng khiếp làm vỡ hầu như mọi cửa kính của thành phố, khiến khoảng 1.200 người bị thương và đánh sập nhiều bức tường. Chính quyền Chelyabinsk đã đề nghị trung ương hỗ trợ 16,6 triệu USD để khắc phục hậu quả, theo RIA-Novosti ngày 19.2.

Đã xuất hiện nhiều thắc mắc là tại sao các hệ thống cảnh báo vũ khí hạt nhân và lá chắn tên lửa liên lục địa (ICBM) thuộc hàng hiện đại và hiệu quả nhất thế giới của Nga không phát hiện được một “hung thần” như vậy. Reuters dẫn lời các chuyên gia thuộc Dự án Các lực lượng hạt nhân Nga giải thích rằng các tổ hợp radar của nước này không bao giờ có thể phát hiện thiên thạch xâm nhập khí quyển. Đơn giản vì chúng không được giao nhiệm vụ đó ngay từ đầu. Các hệ thống radar của Nga chỉ quét theo hình cánh quạt xuyên qua khí quyển trái đất. Do vậy, thiên thạch thoát khỏi tầm quan sát của cả 3 trạm radar gồm Pechora ở miền bắc, Don-2N nằm ở ngoại ô Moscow và Dnepr ở Mishelevka thuộc Siberia. Tất cả các radar trên đều chỉ chuyên tâm theo dõi một dải không gian hẹp phía trên đường chân trời, nơi tên lửa liên lục địa có thể xuất hiện trong trường hợp Nga bị tấn công. 

Đối phó hiểm họa thiên thạch 2
Quả cầu lửa trên bầu trời Nga ngày 15.2 - Ảnh: Ondertussen.nl

 

Trái đất đã 34.513 lần bị thiên thạch tấn công

Giới khoa học vừa công bố thống kê cho thấy từ trong 4.000 năm qua, trái đất đã 34.513 lần bị thiên thạch tấn công, dựa trên các hố va chạm lỗ chỗ khắp bề mặt hành tinh, nhưng hầu như chưa có lần nào gây thiệt hại về người lớn như vụ ngày 15.2. Còn theo NASA, gần 100 tấn đá vụn không gian xuyên qua khí quyển mỗi ngày, nhưng hầu hết đều bốc hơi hết trước khi xuống bề mặt trái đất. Trước đây, các chuyên gia đã tìm được chứng cứ cho thấy một thiên thạch hoặc sao băng nổ tung ở khoảng cách từ 5 đến 10 km so với mặt đất vào ngày 30.6.1908 đã gây ra thảm họa sinh thái tại Tunguska (thuộc Siberia, Nga). Vụ nổ tạo ra chấn động tương đương 30 megaton thuốc nổ TNT, san bằng khu rừng rộng hơn 2.000 km2. May mắn là vào thời điểm đó, khu vực này không có người sinh sống nên vụ việc hầu như không gây ra thương vong.

Hiểm họa chung

Trong sự kiện ngày 15.2, có thể nói không ít người tại Chelyabinsk đã thoáng thấy viễn cảnh của sự hủy diệt. Chỉ cần nổ chậm hơn một chút, thiên thạch đã có thể san bằng cả thành phố, biến khu đô thị này thành một cái hố khổng lồ sâu hoắm. Tờ The Guardian thì dẫn tính toán của các chuyên gia Đại học Hawaii (Mỹ) cho biết chỉ cần xuất hiện chậm hơn vài giờ, trận mưa mảnh thiên thạch sẽ tấn công miền bắc Anh và ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu khác. Nhiều bên đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp để cảnh báo, phát hiện và ngăn chặn từ xa mối nguy đang hiển hiện từ vũ trụ.

Theo kênh RT, Moscow đang đẩy nhanh tốc độ triển khai lá chắn chống lại các vật thể từ vũ trụ. Cơ quan Không gian Nga đã thông qua kế hoạch gần 2 tỉ USD của Viện Thiên văn Nga nhằm triển khai các hệ thống viễn vọng kính cảnh báo sớm, gồm nhiều tổ hợp kính thiên văn trên mặt đất và trong không gian.

Trong khi đó, theo Reuters, NASA đang chi 5 triệu USD cho dự án mang tên Atlas tại Đại học Hawaii, được cho là có thể xác định những tiểu hành tinh đường kính khoảng 45 m một tuần trước thời điểm va chạm. Tuy nhiên, trang Space.com dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Khoa học, Vũ trụ và Công nghệ Hạ viện Mỹ Dana Rohrabacher cho rằng các động thái trên vẫn chưa đủ. “Mỹ đầu tư hàng triệu USD để tìm và theo dõi các sao chổi, thiên thạch. Nhưng thiên thạch nổ trên bầu trời Nga có kích thước nhỏ hơn mức mà thiết bị của chúng ta có thể phát hiện. Do đó, ngay cả khi phát hiện một vật thể sắp lao vào trái đất thì cũng đã quá muộn”.

Trong hội nghị khẩn cấp tại Vienna (Áo) hôm qua, nhóm hành động của LHQ nhằm xử lý Các vật thể cận trái đất (NEO) đã đưa ra một số ý kiến bảo vệ trái đất trước các tiểu hành tinh. Theo Reuters, họ đề xuất các giải pháp như phóng tàu không gian lớn chặn đường tiểu hành tinh; hoặc dùng phi thuyền kéo “kẻ hủy diệt” đi hướng khác hoặc khẩn cấp lắm thì dùng vũ khí hạt nhân bắn tung tiểu hành tinh như trong bộ phim Armageddon (1998). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đầu tiên cần làm là phải lập ngay Hệ thống Cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế để xử lý và lên kế hoạch ngăn chặn thảm họa từ không gian.

Thụy Miên

>> Cư dân Nga bắt đầu rao bán mảnh thiên thạch
>> Nga đề xuất lập lá chắn không gian chung
>> Quay được hành trình “chết chóc” của thiên thạch Nga
>> Nga hứng mảnh thiên thạch, hơn 900 người bị thương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.