Hiểm họa hố tử thần

04/03/2013 03:05 GMT+7

Các từ “ hố tử thần ” hay “hố địa ngục” lại tràn ngập mặt báo sau vụ ông Jeffrey Bush ở bang Florida, Mỹ bị nuốt chửng vào lòng đất.

Chuyện tưởng như trong phim khoa học giả tưởng xảy ra khuya 28.2 tại thị trấn Brandon, bang Florida. Tờ Tampa Bay Times dẫn lời ông Jeremy Bush, anh trai nạn nhân, kể lại: “Đêm hôm ấy, cả gia đình tôi đều ở nhà. Bất thình lình, mọi người nghe tiếng rầm long trời, cứ như có một chiếc xe hơi tông thẳng vào nhà”. Ngay lập tức, ông Jeremy chạy đến phòng em trai vì nghe tiếng kêu cứu. Cảnh tượng trước mắt khiến ông bàng hoàng. Mọi thứ trong căn phòng, kể cả Jeffrey Bush, đều biến mất, chỉ còn một phần của tấm nệm nằm chỏng chơ trên chỗ đất trũng tan hoang.

Jeremy ra sức đào bới, tìm kiếm, nhưng cuối cùng lại mắc kẹt trong hố đất đá và phải đợi đến khi đội cứu hộ tới giúp mới thoát ra được. Vị trí bị sụt đúng ngay căn phòng của Jeffrey nên nhìn bên ngoài, ngôi nhà vẫn có vẻ rất bình thường. Số liệu thu được từ hiện trường cho thấy hố tử thần có đường kính và chiều sâu đều 6 m. Tuy nhiên, kích thước thật của hố có thể rộng đến 30 m và sâu 15 m, hiện vẫn chưa lộ ra hết. Gia đình nạn nhân gồm 6 người cùng 2 nhà hàng xóm đã được sơ tán đến nơi an toàn, ngay cả các phóng viên cũng không được tiếp cận hiện trường trong vòng 100 m.

Hiểm họa hố tử thần
Hố địa ngục tại Guatemala năm 2010 - Ảnh: Reuters

Đến hôm qua, AP dẫn lời đại diện chính quyền địa phương cho biết đã ngưng tìm kiếm nạn nhân Jeffrey Bush vì sau hơn 2 ngày vẫn không nhận được bất kỳ tín hiệu nào cho thấy ông còn sống sót. Ngoài ra, do kích thước thật của hố tử thần rất lớn nên nguy cơ cả căn nhà bị “hút” vào lòng đất khá cao. Nền đất ở khu vực này rất yếu và tiếp tục xuất hiện những vết nứt lớn hình chữ V. Nhóm cứu hộ có thể gặp nhiều rủi ro nếu tiếp tục tìm kiếm tại đây. Gia đình nạn nhân cũng khẳng định rất mong nhận lại thi thể của ông Bush nhưng “không muốn gây nguy hiểm cho bất kỳ người nào khác”. 

Hiểm họa hố tử thần 1
Người dân bàng hoàng sau vụ hố sụt tại Florida - Ảnh: AFP

Nguồn gốc hiểm họa

Theo tờ Le Figaro, hố tử thần là hiện tượng tự nhiên không xa lạ với bang Florida. Về cấu tạo địa chất, bang này có địa hình karst, tức trong lòng đất có các lớp đá vôi, bị nước ngầm có tính a xít làm xói mòn lâu ngày tạo thành các hang ngầm. Kích thước của các hang ngầm sẽ lớn dần, trong khi những lớp đất đá trên cùng ngày càng bị bào mỏng, không chịu nổi áp lực từ mặt đất như cây cối, công trình… nên gây sụt lún và tạo thành hố tử thần. Những hoạt động của con người như xây dựng hệ thống hạ tầng, khai thác nước ngầm, khai thác mỏ hoặc thi công ẩu, không khảo sát kỹ đều có thể đẩy nhanh hiện tượng này. Ở Florida, nguy cơ từ nền đất yếu cao đến mức chính quyền bắt buộc các công ty bảo hiểm phải đưa thiệt hại do hố tử thần  vào danh mục chi trả. Trong giai đoạn 2006 - 2010, có ít nhất 25.000 đề nghị bồi thường thiệt hại do hố tử thần gây ra.

Trên thế giới, hố tử thần khổng lồ cũng từng xảy ra ở nhiều nước. Một trong những trường hợp gây xôn xao nhất là hố địa tử thần xuất hiện hồi tháng 6.2010 ngay giữa thủ đô của Guatemala, “ngốn” trọn một tòa nhà 3 tầng. Khi đó, các trang mạng trên thế giới đua nhau giật tít Cửa địa ngục vừa mở ra tại Guatemala. May mắn là tòa nhà hoàn toàn trống nên không gây thương vong. Hố tử thần này rộng tới 20 m, sâu khoảng 60 m và nhiều người ngỡ ngàng vì sự gọn gàng, tròn trịa của miệng hố như là có một bàn tay khổng lồ xắn xuống mặt đất vậy. Hơn 300 dân cư quanh đó phải chuyển sang nơi ở mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, thủ đô Guatemala có địa hình karst, một số khu vực lại bị “bủa vây” bởi hàng loạt đường ống cấp - thoát nước nên khá yếu. Ngoài ra, trước đó, nơi đây bị các trận mưa rất lớn do bão Agatha gây ra, khiến hiện tượng xói mòn càng dữ dội. Gần đây hơn còn có vụ hố tử thần sâu 10 m xuất hiện tại Quảng Châu, Trung Quốc ngày 28.1.2013 và nuốt chửng 3 căn nhà. 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Những hố tử thần khổng lồ trên thế giới
>> Ngừng tìm kiếm nạn nhân bị hố tử thần "nuốt
>> Nguy hiểm rình rập từ “hồ tử thần”
>> “Hố tử thần” giữa lộ
>> “Hố tử thần” giữa đường 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.