Bệnh bàn chân do đái tháo đường

26/03/2013 03:20 GMT+7

Khoảng 10-30% các trường hợp bị vết thương tại bàn chân do biến chứng đái tháo đường có thể phải cắt cụt chi.

Tai biến nguy hiểm

Bà Dương Thị H. (64 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) mới đây phải đi khám vì chân bị loét. Gần 2 năm trước, bà H. thấy bàn chân có vẻ nặng nề, thô ráp, lớp da bị bong ra và màu sắc kém hồng hào, nhưng vẫn đi lại được. Sau đó, bàn chân teo lại và khô nứt nẻ. 2 tháng trước nhập viện, bà H. bị trầy xước nhỏ ở vùng mu chân và phía đầu gần ngón chân do ngã xe. Mặc dù đã vệ sinh sạch sẽ nhưng vết loét càng ngày càng rộng, đau đớn và chảy mủ, bà H. bèn đến khám tại Bệnh viện 103 (Hà Nội). Tại đây, bà được chẩn đoán đái tháo đường dạng 2.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Kiên, Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết T.Ư (Hà Nội), loét bàn chân là biến chứng thường gặp ở người đái tháo đường. Nguyên nhân gây loét là do bệnh tiểu đường gây tắc động mạch chân, gây hoại tử khô, sau đó nhiễm trùng gây hoại tử ướt. Khoảng 10-30% bị loét bàn chân bị cắt chi; nhưng cũng không giải quyết được triệt để bởi tỷ lệ tái cắt chi và nguy cơ tử vong sau khi cắt sẽ cao. Bàn chân là vị trí mà biến chứng đái tháo đường dễ xảy ra. Nguyên nhân do tổn thương vi mạch máu và tổn thương các sợi dây thần kinh ngoại biên gây ra.

Bệnh bàn chân thường gặp

Theo các chuyên gia, bệnh của bàn chân liên quan tới đái tháo đường hay gặp bao gồm:

Nhiễm nấm: Bệnh đái tháo đường khiến hệ miễn dịch của da bị suy yếu, hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bị kém làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Các bệnh nấm có thể gặp là nấm móng, nấm gót chân. Các dấu hiệu nhận ra là móng chân, thường là ngón cái, bị đổi màu, bề mặt móng kém sáng bóng, dày và dễ mủn. Rìa móng xuất hiện các đám tổn thương là các sùi có màu trắng hoặc vàng, đôi khi có mủ.

Loét bàn chân: Thông thường ít khi bàn chân tự loét mà phải có một sự cố nào đó như mụn, nhọt, vết thương, chấn thương, lội nước hay đơn giản chỉ là đi giày quá chật. Vết thương càng ngày càng bị nhiễm trùng, loét ăn sâu và rộng. Nguyên nhân do đường máu quá cao làm chậm sự liền vết thương, gây tổn thương mạch máu. Vết thương ở bàn chân dễ dàng “ăn” sâu đến xương, lộ gân có nguy cơ hỏng gân, hoại tử xương, phải cắt cụt.

Khô da: Đây là hiện tượng phổ biến ở người bệnh đái tháo đường. Lý do là vì da nghèo nuôi dưỡng lại do tổn thương thần kinh, thay đổi chuyển hóa, lớp mỡ dưới da bị tiêu thụ sạch nên da trở nên thô ráp và kém sáng khỏe. Da trở nên khô, nứt nẻ, hay bị bong vảy. Cẳng chân và bàn chân teo tóp, không mỡ màng. Da bên ngoài rất dễ bong vảy trắng.

Viêm dây thần kinh: Bàn chân của người bệnh cũng có nguy cơ bị bệnh viêm dây thần kinh do đái tháo đường. Lý do là vì bệnh này làm tổn thương lớp màng bọc nuôi dưỡng dây thần kinh ngoại vi đi đến chân. Người bệnh có biểu hiện tê bì, da khô nứt nẻ. Một số người có cảm giác lạnh ở bàn chân.

Với vết thương ở người mắc đái tháo đường, phải điều trị bệnh gốc là kiểm soát đường huyết và điều trị vết thương theo một chế độ đặc biệt. Không được nặn, bóp, chọc thủng các vết thương, vết bỏng hay nốt mụn ở bàn chân. Giữ vệ sinh và lựa chọn giày dép phù hợp.

Dấu hiệu bất thường

- Móng chân bị đổi màu

- Da có dấu hiệu khô

- Bị rối loạn cảm giác tại bàn chân

- Hay đau mỏi chân không đi được xa

- Sưng phồng bất thường và kéo dài tại bàn chân

- Xuất hiện quá nhiều nốt chai chân.

Nam Sơn

>> Người bị stress dễ mắc đái tháo đường
>> Ứng dụng tế bào gốc điều trị bàn chân đái tháo đường
>> Trà đen có ích cho người đái tháo đường?
>> Cấp insulin miễn phí cho trẻ đái tháo đường
>> Ăn đậu giúp giảm nguy cơ đái tháo đường
>> 10 món ăn bài thuốc trị đái tháo đường
>> 9 tuổi, đã mắc đái tháo đường dạng 2
>> Ngừa đái tháo đường từ thiên nhiên
>> Đái tháo đường: Đại dịch thứ 4
>> Ăn sáng giúp giảm nguy cơ đái tháo đường
>> Đo vòng eo, đoán bệnh đái tháo đường
>> Đi làm xa dễ mắc bệnh tim và đái tháo đường
>> Thêm nguy cơ gây bệnh đái tháo đường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.