UBND tỉnh sẽ bồi thường cho doanh nghiệp

04/04/2013 03:40 GMT+7

Ngày 3.4, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp với Công ty CP Hiệp Hòa Phát về việc đơn phương giảm quy mô dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm.

Như Thanh Niên đã thông tin, Công ty Hiệp Hòa Phát (HHP) đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26.11.2010 cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, gồm 3 khu: KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm (1.080 ha); KCN đa ngành (855 ha) và khu cảng Bãi Gốc (220 ha).

Theo giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích đất dự án là 2.155 ha và diện tích mặt nước 1.300 ha. Tuy nhiên, giữa lúc dự án đang được HHP triển khai thì lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã âm thầm làm việc với Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô (VRP), theo đó cam kết sẽ xin Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh vị trí dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô do VRP làm chủ đầu tư, và cấp đất trực tiếp cho VRP với diện tích 450 ha ngay tại KCN Hòa Tâm mà trước đó đã giao cho HHP. Cách ứng xử “tiền hậu bất nhất” của UBND tỉnh Phú Yên đã khiến Công ty HHP bức xúc và gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi.

 UBND tỉnh sẽ bồi thường cho doanh nghiệp
Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch 1/2.000 KCN Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc của Công ty CP Hiệp Hòa Phát - Ảnh: Công ty HHP cung cấp

Lãnh đạo UBND tỉnh nhận khuyết điểm

Tại cuộc họp ngày 3.4, đại diện Công ty HHP nêu vấn đề: “Chúng tôi đã bỏ ra hàng triệu USD để lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 KCN Hòa Tâm và cảng biển nước sâu Bãi Gốc; khảo sát địa hình, địa chất, nghiên cứu các ngành nghề cần thu hút đầu tư vào KCN... Tất cả các hợp đồng này được triển khai bởi các nhà thầu tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế. Vậy mà sau lưng lại có một thỏa thuận ngầm ở chế độ mật giữa UBND tỉnh và VRP để xin chủ trương của Chính phủ xin giao đất trực tiếp cho VRP, đẩy chúng tôi vào tình thế “chết đứng” trong khi lãnh đạo tỉnh thì đổ hết cho chủ trương của Chính phủ. Suốt 8 tháng nay lãnh đạo tỉnh ngó lơ không gặp mặt hay họp bàn chính thức gì với HHP, nhưng đùng một cái UBND tỉnh gửi cho chúng tôi văn bản yêu cầu giảm quy mô nghiên cứu và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Việc này thể hiện sự coi thường và chèn ép doanh nghiệp chúng tôi”.

Ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch thường trực UBND Phú Yên trả lời: “Tôi nhận thấy dự án triển khai quá chậm, trên thực tế chưa có đầu tư gì nhưng đã đi mời gọi cho thuê đất. Anh chưa được giao đất mà đã đi mời người khác đến thuê là không được”. Đại diện HHP lập tức phản ứng: “Chúng tôi là nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng, đương nhiên trong thời gian triển khai dự án hoàn toàn có quyền đi tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng. Không có KCN nào trên cả nước mà đợi xây xong mới đi kêu gọi tìm người thuê. Ngay cả văn bản các bộ cũng đều nói rõ VRP nếu có nhu cầu đầu tư nhà máy lọc dầu tại KCN Hòa Tâm cần phải làm việc và được sự thống nhất, chấp thuận của Công ty HHP theo đúng quy định hiện hành hoặc thuê lại đất trong KCN để làm nhà đầu tư thứ cấp”.

Ông Phạm Đình Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đấu dịu: “Phải ghi nhận rằng sau khi cấp giấy phép đầu tư, HHP đã rất tích cực, có tâm huyết quy hoạch khu này thành KCN hiện đại. Tuy nhiên nếu làm theo quy trình của HHP thì ít nhất 2, 3 năm nữa mới có thể xây dựng vì còn nhiều vấn đề chưa được thông qua. Còn dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được Thủ tướng phê duyệt, có thể triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Còn trong quá trình thực hiện có điều gì làm cho nhà đầu tư phiền lòng, ảnh hưởng thì lãnh đạo UBND tỉnh xin nhận khuyết điểm, nếu có gây ra thiệt hại hợp pháp thì UBND tỉnh sẵn sàng bồi thường theo quy định luật pháp”.

Bóp nghẹt dự án

Điều đáng nói là việc tách khu đất 450 ha trong KCN Hòa Tâm để giao cho VRP đã vô tình bóp chết cả dự án. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Phó tổng giám đốc HHP - phân tích: “Việc điều chỉnh giảm quy mô nghiên cứu và cắt 450 ha để giao cho Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đồng nghĩa với việc hủy bỏ toàn bộ quá trình nghiên cứu đầu tư, đồng thời biến KCN Hòa Tâm thành dự án không khả thi do đã cắt nhà máy lọc dầu và cảng nước sâu Bãi Gốc là những điểm mạnh, thu hút đầu tư, giống như chặn ngang yết hầu, làm sao phát triển được các khu bên trong”.

Nhà đầu tư bức xúc là đúng

Về quy hoạch dự án thì cơ bản không thay đổi so với ban đầu, HHP vẫn có thể tiếp tục làm việc và có những lợi ích trong 2/3 diện tích còn lại. Trong trường hợp nhà đầu tư đã bỏ nhiều tiền của ra quy hoạch nhưng vì điều chỉnh không dùng được thì phải có bồi hoàn thỏa đáng.

Sau 8 tháng lãnh đạo tỉnh mới tổ chức gặp nhà đầu tư thì đúng là quá muộn, nhưng có còn hơn không. Tôi nhìn nhận rằng HHP đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai dự án, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, vì HHP giữ kín thông tin nên trên thực tế chúng tôi chỉ biết đến cuối năm 2012 mà dự án chưa san lấp mặt bằng, chưa đền bù giải tỏa, chưa tái định cư nên tỉnh sốt ruột, áp lực rất lớn do phải thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó tỉnh buộc phải chọn lựa giải pháp gấp rút để giữ chân VRP. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh mời các bên ra trao đổi sớm thì chắc đã không xảy ra tranh cãi căng thẳng như hôm nay. Việc này anh Cự (Chủ tịch UBND Phú Yên - PV) đã nhận lỗi rồi, và cần phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Phải làm cho thấu tình đạt lý, không thể đối xử với nhà đầu tư lúc đầu thì săn đón, đến khúc giữa thì lơ là. Nhà đầu tư bức xúc là đúng vì không được bàn bạc một cách thường xuyên, nếu có những hạt sạn trong cách làm việc thì mong nhà đầu tư bỏ qua.

Ông Đào Tấn Lộc - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

Quang Thuần

>> Nghị định 69 làm khó doanh nghiệp BĐS
>> Quy định làm khó du lịch
>> Sở GD-ĐT Đồng Nai làm khó người điều chỉnh bằng cấp
>> Ngư dân bị ngân hàng “làm khó”
>> Một quy định làm khó báo chí
>> Quy định làm khó xây dựng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.