Trung Quốc đang bưng bít cúm H7N9?

10/04/2013 12:05 GMT+7

(TNO) Đã có thêm một người chết vì nhiễm H7N9 tại Trung Quốc hôm 9.4, nâng tổng số ca tử vong vì cúm gia cầm mới lên tám người với số người đang bị nhiễm là 28 người.

“Bệnh nhân 83 tuổi vừa tử vong vì H7N9 là người ở tỉnh Giang Tô. Ông này nhập viện vào ngày 20.3 với các triệu chứng sốt và được phát hiện nhiễm cúm H7N9 vào ngày 2.4”, Reuters hôm 9.4 trích dẫn nguồn tin của Tân Hoa xã.

Tờ South China Morning Post (Trung Quốc) dẫn lời ông Wu Demao, bố vợ của một bệnh nhân tử vong vì H7N9 khác tại Trung Quốc, cho hay các bác sĩ tại bệnh viện không chịu khẳng định rằng con rể ông chết vì H7N9.

Trung Quốc đang bưng bít cúm H7N9?
Một công nhân vệ sinh dọn dẹp các chuồng gà trống tại một chợ gia cầm ở Hồng Kông vào hôm 8.4 - Ảnh: Reuters

“Họ nói chúng tôi nên nhờ đài truyền hình xác minh nguyên nhân gây tử vong là do cúm gia cầm”, South China Morning Post dẫn lời ông Wu nói. Ông này còn nói thêm rằng bệnh viện chỉ thông báo con rể ông bị viêm phổi và không hề cho cách ly.

“Một người họ hàng báo cho chúng tôi hay rằng đài truyền hình địa phương đã công bố danh tính con rể tôi, nói rằng nó chết vì chủng vi rút cúm gia cầm mới”, ông Wu nói.

Khủng hoảng lòng tin

Một vài tờ báo và một số người tham gia các diễn đàn trực tuyến tại Trung Quốc đã đặt câu hỏi rằng tại sao chính phủ phải mất một thời gian dài mới công bố các ca nhiễm mới, đặc biệt là trường hợp hai bệnh nhân bị nhiễm H7N9 vào tháng 2.

Báo chí Trung Quốc bắt đầu công bố các ca nhiễm H7N9 trên người vào ngày 2.4, khoảng hai tháng sau khi hai bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh.

Trong số hai ca nhiễm H7N9 đầu tiên vào tháng 2, một người đàn ông nhiễm bệnh vào ngày 19.2 và sau đó chết vào ngày 27.2; bệnh nhân xấu số còn lại được xác định là nhiễm bệnh vào ngày 27.2 và chết vào ngày 4.3. Nhưng phải đến ngày 31.3, nhà chức trách Trung Quốc mới công bố về hai trường hợp tử vong này, theo AP.

Các quan chức y tế Trung Quốc từng bị cho là đã bưng bít thông tin về đại dịch Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS), vốn xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2002 và làm thiệt mạng khoảng 10% trong tổng số 8.000 người nhiễm trên toàn thế giới, theo Reuters.

“Mọi người cơ bản là không lo lắng nhiều về dịch bệnh, mà cái họ lo là sự bưng bít và thiếu minh bạch thông tin. Sự hoài nghi mà chính phủ tạo ra thì đáng sợ hơn H7N9 nhiều”, một người bình luận trên trang mạng xã hội Weibo (Trung Quốc).

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định không có bằng chứng cho thấy H7N9 lây từ người sang người và WHO hài lòng với cách chính phủ Trung Quốc đối phó với dịch bệnh.

“Đây thực sự là một căn bệnh nguy hiểm nhưng các trường hợp nhiễm bệnh đã được xử lý tốt. Cho đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy có sự lây nhiễm bên trong bệnh viện”, phát ngôn viên WHO Gregory Hartl phát biểu tại một cuộc họp báo vào cuối tuần trước.

Hoàng Uy

>> H7N9 tiếp tục diễn biến phức tạp
>> Chuyên gia lo ngại xét nghiệm H7N9 không chính xác
>> Hà Nội đối phó nguy cơ dịch cúm A/H7N9
>> Giám sát, xét nghiệm tất cả các ca bệnh viêm phổi, cúm để phòng H7N9
>> Đà Nẵng chuẩn bị chống dịch cúm H7N9
>> Phòng chống cúm A/H7N9: Kiểm tra thân nhiệt khách ở sân bay
>> Lo ngại cúm H7N9 lây lan rộng
>> Trung Quốc phát hiện H7N9 có trong gà, chim cút

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.