Cảnh sát tập cười

11/04/2013 03:15 GMT+7

Trong các vụ chống người thi hành công vụ gần đây mà Báo Thanh Niên phản ánh hồi tháng 2.2013 qua loạt bài Công bằng cho người thi hành công vụ, có một phần “lỗi” của cảnh sát giao thông về ứng xử. Điều này khiến người dân thiếu tôn trọng, giảm lòng tin đối với cảnh sát giao thông.

Trong các vụ chống người thi hành công vụ gần đây mà Báo Thanh Niên phản ánh hồi tháng 2.2013 qua loạt bài Công bằng cho người thi hành công vụ, có một phần “lỗi” của cảnh sát giao thông về ứng xử. Điều này khiến người dân thiếu tôn trọng, giảm lòng tin đối với cảnh sát giao thông.

Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM, từng nhìn nhận: “Nhiều chiến sĩ trẻ không kiềm chế có thể làm mất hình ảnh của CSGT”.

Thời gian qua trên bình diện cả nước, những nỗ lực cải thiện hình ảnh người CSGT đang được cả xã hội ghi nhận. Bắt đầu từ việc TP.Hà Nội, Đồng Nai thuyên chuyển những CSGT bụng phệ làm công tác khác thay vì làm nhiệm vụ trên đường phố; đến chuyện những bóng hồng trong đồng phục CSGT tham gia điều tiết giao thông giữa trưa nắng đổ lửa hay trời mưa tầm tã đã làm cho người dân Hà Nội, TP.HCM có cái nhìn khác về CSGT. Rồi râm ran đâu đó chủ trương CSGT phải mang bên mình cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân, không được đeo kính đen, hút thuốc, “tám” điện thoại, tay đút túi quần khi làm nhiệm vụ... hay ý tưởng trang bị iPad cho CSGT tiện việc tra cứu thông tin để hướng dẫn người đi đường. Đặc biệt, mới đây là đợt tập huấn của CSGT TP.HCM về văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ cảnh sát… để chấn chỉnh kiểu ứng xử thiếu văn hóa, hành vi quan liêu, thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Những nỗ lực trên thật đáng hoan nghênh.

CSGT là người điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân tuân thủ luật lệ giao thông chứ mục đích không chỉ là xử phạt. Tại nhiều nước, khi làm nhiệm vụ, CSGT sẵn sàng nở nụ cười, xin lỗi khi xử phạt vi phạm giao thông. Thậm chí, trước khi chia tay, họ không quên gửi lời chúc một ngày tốt lành, chúc ngủ ngon hay một lời tạm biệt. Những hành động này chẳng những không khó thực hiện mà còn giúp giảm kích động ở người vi phạm rất cao và tạo nên tình cảm, sự thân thiện. Ở ta, Bộ Công an cũng có những quy định tương tự về cách ứng xử này nhưng rất hiếm thấy thể hiện đầy đủ trên thực tế và dần dà bị quên lãng. Để thay đổi một cái nhìn cũ không khó nếu có những nỗ lực, mong muốn từ chính người trong cuộc. Người dân có quyền đòi hỏi và hy vọng một hình ảnh mới thân thiện hơn, một nụ cười của lực lượng thi hành công vụ để giải tỏa nỗi ấm ức khi bị phạt.  

Lê Nga

>> Lãnh án tù vì chống người thi hành công vụ
>> Chống người thi hành công vụ tăng mạnh vì “nhờn luật”
>> Lãnh án vì chống người thi hành công vụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.