Tăng cường đề phòng lây lan cúm A/H7N9 qua cửa khẩu

13/04/2013 19:15 GMT+7

* Quan ngại lượng hành khách Trung Quốc qua VN bằng đường không chính thức (TNO) Chiều nay, 13.4, bác sĩ Hoàng Ngọc Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM - cho Thanh Niên Online biết các chuyên viên của trung tâm theo dõi rất sát sao những hành khách qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

* Quan ngại lượng hành khách Trung Quốc qua VN bằng đường không chính thức

(TNO) Chiều nay, 13.4, bác sĩ Hoàng Ngọc Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM - cho Thanh Niên Online biết các chuyên viên của trung tâm theo dõi rất sát sao những hành khách qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

“Cho đến hôm nay, chúng tôi chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 nào nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất”, bác sĩ Hoàng Ngọc Hùng nói.

Tuy nhiên, do tình hình số ca mắc và tử vong bởi cúm A/H7N9 ở Trung Quốc gia tăng từng ngày nên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại TP.HCM đang tiến hành kiểm tra rất sát sao đối với tất cả các hành khách quốc tế nhập cảnh qua đây.

Bình quân mỗi ngày có từ 10.000-15.000 lượt khách quốc tế qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó du khách đến trực tiếp từ vùng có dịch (Trung Quốc) chiếm trên dưới 2.000 người.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã được trang bị 3 hệ thống máy hồng ngoại giám sát thân nhiệt từ xa đối với tất cả hành khách nhập cảnh. Có 15 nhân viên kiểm dịch y tế làm việc 3 ca/ngày; 2 xe cứu thương túc trực sẵn ở sân bay cùng các phương tiện chống dịch khác đã được chuẩn bị...


Máy đo thân nhiệt hồng ngoại đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất giám sát thân nhiệt
của hành khách nhập cảnh từ xa - Ảnh: Nguyên Mi

Các bệnh viện (BV) tại TP.HCM như, BV Bệnh nhiệt đới; BV Phạm Ngọc Thạch; BV Nhi đồng 1; BV Nhi đồng 2... cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly, phương tiện, cơ số thuốc để tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc cúm A (nếu có xảy ra) theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.

Trong đó, BV Bệnh nhiệt đới làm đầu mối về tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân người lớn; BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 là hai nơi tiếp nhận chính bệnh nhi cúm A trẻ em.

Ngoài ra, tất cả các BV, cơ sở y tế công, tư trên địa bàn thành phố cũng đã được chỉ đạo giám sát bệnh cúm A - nếu tiếp nhận ca nghi ngờ phải thông báo ngay cho Sở Y tế hoặc các BV nói trên để có biện pháp y tế kịp thời. 

Tính đến giữa ngày hôm nay 13.4, Trung Quốc đã phát hiện 44 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có đến 11 người bị tử vong.

Chính vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa có ca bệnh cúm A/H7N9, nhưng không thể lơ là.

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho rằng với những hành khách qua các cửa khẩu bằng đường chính thức thì không lo, vì đã có hệ thống y tế, phương tiện giám sát.

Tình hình chỉ đáng ngại với những hành khách Trung Quốc qua lại ở biên giới phía Bắc không chính thức, buôn bán gia cầm lậu... vì đó chính là những nguy cơ dễ làm lây lan mầm bệnh.

Khẩn trương triển khai công tác phòng chống cúm A

Sáng nay 13.4, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra hội nghị triển khai công tác phòng và chống dịch cúm A (H7N9) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp - Phát Triển nông thôn Cao Đức Phát.

Tại hội nghị, đại diện của Bộ Y tế báo cáo về tình hình dịch cúm A trong nước và trên thế giới mà cụ thể là tại Trung Quốc. 

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca mắc cúm A (H7N9) nào trên người hay gia cầm tính đến thời điểm này, tuy nhiên đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) xuất hiện tại Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang làm 28235 con gia cầm (đa phần là thủy cầm) mắc bệnh chết hoặc phải tiêu hủy, đàn chim yến 4.067 con tại Ninh Thuận đã được xử lý kịp thời. Một số trường hợp vịt cũng mắc phải vi rút chủng H7 nhưng không hề có sự liên quan với vi rút H7N9 ở Trung Quốc. Bên cạnh đó cũng đã phát hiện một vài trường hợp dương tính với vi rút A tại một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. 

H7N9 là chủng vi rút cúm mới và hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và nguy hiểm hơn cả là là chủng vi rút này đang có những dấu hiệu thay đổi để thích ứng với động vật có vú nên khả năng xảy ra đại dịch lây từ người sang người là hoàn toàn có thể.

Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã có nhận định về tình hình dịch trên đàn gia cầm, đặc biệt là về khả năng tái bùng phát dịch do lây lan qua chim hoang và qua vận chuyển, nhập lậu gia cầm từ biên giới.

Trước tình hình trên, các bộ ngành liên quan đã thống nhất về công tác phòng chống dịch, trong đó nhấn mạnh vào việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới, đặc biệt là các tỉnh biên giới vùng Đông Bắc bộ tránh để nguồn bệnh vào sâu trong nội địa và bùng phát thành dịch. Tiếp tục rà soát, phòng chống dịch cúm H5N1 và kiểm tra đảm bảo phát hiện sớm nếu có ca mắc H7N9 đầu tiên. (Liên Châu - Minh Hoàng)

Thanh Tùng

>> Cúm gia cầm H7N9 lan đến Bắc Kinh
>> Đà Nẵng tập huấn phòng chống cúm H7N9
>> Số người chết vì H7N9 tại Trung Quốc tăng lên 10 người
>> Kịch bản ứng phó với dịch cúm A/H7N9
>> Phác đồ điều trị cúm A/H7N9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.