Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới - Kỳ 4: Đề cao cái tôi tích cực

14/05/2013 03:20 GMT+7

Mỗi người thể hiện cái tôi đúng nghĩa chứ không phải kêu gọi họ xả thân vì cái chung một cách hình thức, đó mới là chìa khóa để giành được phần nhiều trong cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng là giá trị cốt lõi của thanh niên trong thời đại ngày nay.

>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới - Kỳ 3: Người trẻ phải biết đổi mới
>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới? - Kỳ 2: Biết làm chủ cuộc đời
>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới? (Kỳ 1)

Bài học từ bên ngoài

Để có thể giành được phần nhiều trong cạnh tranh toàn cầu, một quốc gia cần phải có nhiều người thuộc nhóm dẫn đầu trong các lĩnh vực trọng điểm và nhiều doanh nghiệp có sức cạnh tranh. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có nhiều người dám dấn thân, quyết tâm theo đuổi các mục tiêu của mình. Chỉ có những quốc gia để cho cái tôi phát triển đầy đủ, mỗi người được làm việc mình thích mới có thể tạo ra lớp người này.

Rất khó tìm được các doanh nghiệp thành công, những phát kiến hay thành tích vĩ đại không mang dấu ấn cá nhân cho dù chúng được làm ra bởi tập thể. Chưa có nước nào lấy tinh thần tập thể, kêu gọi mọi người vì cái chung một cách hình thức trở nên hùng cường.

 Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới - Kỳ 4: Đề cao cái tôi tích cực
Để có thể tìm được một chỗ đứng, thanh niên cần phát huy tốt nhất cái tôi tích cực của mình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Zuckerberg, khi chưa đến 30 tuổi đã tạo ra Facebook có giá trị bằng một nửa GDP của Việt Nam và hai ngôi sao quần vợt đỉnh cao nhà Williams là những nhân vật tiêu biểu, được đặt ảnh trong Bảo tàng Lịch sử Mỹ. Thành tựu của họ khởi đầu là vì bản thân và cuối cùng tạo ra những giá trị rất lớn cho xã hội chứ không phải những điều họ làm là vì cái chung.

Người ta đang nói đến khả năng Samsung vượt qua Apple để trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Lật lại lịch sử của các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ thấy rằng cho dù được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhưng những ông chủ các doanh nghiệp tư nhân được làm điều mình muốn là được tưởng thưởng từ thành công của mình. Điểm đặc biệt là chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một không gian phù hợp cho các cá nhân được làm cái mình thích nhưng vẫn theo hướng nhà nước muốn chứ không buộc họ phải theo.

Thực tế của Việt Nam

Tâm lý và hành vi của con người giữa thời chiến và thời bình là rất khác nhau. Thời chiến, người ta có thể dỡ nhà để làm chiến lũy chống quân thù, nhưng trong thời bình ít ai muốn thiệt, dù chỉ nửa viên gạch. 

Bốn thập niên không phải là dài đối với lịch sử của cả dân tộc, nhưng đủ để nhìn thấy sự bất cập của việc áp dụng tư duy thời chiến vào thời bình. Mười năm áp dụng mô hình tập thể, cái tôi hoàn toàn bị bóp nghẹt. Hậu quả là không ai có động cơ làm việc và đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Những mô hình được xây dựng trên tinh thần phải vì cái chung đã không gặt hái được thành công mà doanh nghiệp nhà nước là một ví dụ. Thật hoài công để đi tìm những người chỉ nghĩ cho cái chung, không màng tư lợi khi nắm trong tay một khối tài sản công khổng lồ với bao cám dỗ.

Trái lại, những thành công trong gần ba thập niên qua từ nông nghiệp đến kinh tế tư nhân, đơn giản chỉ là những cải cách mà quyền tự do và cái tôi tích cực được cởi trói. Ngay ở trong môi trường cái tôi tích cực không được tôn vinh thì những thành tựu mà người Việt làm được ở tầm thế giới đều là dấu ấn cá nhân.

Trên thế giới rộng lớn, tư duy theo kiểu thành công tôi hưởng, thất bại tôi chịu đã tạo ra những điều vĩ đại. Lăng kính này cho thấy sự bất cập của giáo dục và thông lệ ứng xử trong xã hội chúng ta. Đúng là mồ hôi nước mắt của họ, nhưng một người sẽ bị lên án nếu nói thành tựu nào đó là do công sức của họ thay vì liệt kê các kiểu “nhờ” những thứ chẳng ăn nhập gì cả. 

Nói một cách đơn giản, để có thể thắng trong cạnh tranh toàn cầu đầy cam go, cái tôi của mỗi người cần được nuôi dưỡng và phát huy tối đa chứ không phải ai mới thể hiện một chút đã bị bóp nghẹt ngay. Và để có thể tìm được một chỗ đứng cho mình trong thế giới rộng lớn, mỗi người, nhất là lứa tuổi thanh niên đầy hoài bão và khát vọng, cần phát huy tốt nhất cái tôi tích cực của mình.

Ý kiến

Phải có tâm, tầm, trí, thiện

Trong một thế giới đa chiều, tự do và hội nhập thì thật khó để nói đâu là một hình mẫu cho tất cả thanh niên trong thời đại mới này. Nhưng tôi nghĩ thanh niên trong thời đại mới cần phải có "Tâm - Tầm - Trí - Thiện". Tâm ở đây bao gồm cả sự đức độ và sự sâu sắc. Tầm, người có đức độ, tự khẳng định bản thân, thể hiện cái tôi. Trí ở đây ý nói đến trí tuệ, sự rèn luyện, học vấn, trình độ. Thiện, chỉ tự thiện chí, tức khả năng thích nghi, kỹ năng mềm, sự hòa nhập, học hỏi những cái tốt của người khác… Và để phát triển trong thời đại mới, thanh niên không chỉ cố gắng học tập/làm việc tốt, mà cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau rồi kinh nghiệm sống (kỹ năng mềm) và còn phải biết ngoại ngữ.

   Thạc sĩ Chu Đình Tới
(Giảng viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Cần có tinh thần 5T

Thanh niên thời đại mới cần có tinh thần 5T, đó là: tự trọng, tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ. Tự trọng là luôn giữ gìn nhân cách, đạo đức của chính mình. Tự lực bằng sức lực của chính bản thân mà vươn lên, không dựa dẫm, không giả dối. Tự cường là quá trình phấn đấu từng ngày, không ngừng hoàn thiện bản thân để chinh phục, hiện thực hóa niềm tin của chính mình trong cuộc sống. Tự tin là tin tưởng vào tài năng của bản thân. Tự chủ là sự tổng hòa 4T, giúp ta tự chủ chính mình trước cuộc sống dù trong hoàn cảnh nào.

Hồ Thanh Phong
(Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Huỳnh Thế Du

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.