Chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Myanmar đến Nhà Trắng

20/05/2013 10:30 GMT+7

(TNO) Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein hôm nay 20.5 trở thành lãnh đạo đầu tiên của Myanmar đến thăm Nhà Trắng sau gần một nửa thế kỷ.

(TNO) Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein hôm nay 20.5 trở thành lãnh đạo đầu tiên của Myanmar đến thăm Nhà Trắng sau gần một nửa thế kỷ.

Cựu đại tướng quân đội Thein Sein sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và sau đó thảo luận với các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Myanmar, theo AFP.

Các nhà quan sát nhận định rằng lời mời ông Thein Sein đến Mỹ của ông Obama là quá sớm, chưa đúng thời điểm do vẫn còn tồn đọng những vụ bạo lực, bất ổn ở Myanmar mà Mỹ gọi là "vi phạm nhân quyền".

Ông Thein Sein, giữ chức Tổng thống Myanmar kể từ năm 2011, đã tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng, chẳng hạn trả tự do hàng trăm tù nhân chính trị, cho phép lãnh đạo đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi vào Quốc hội.

Ông Obama hồi tháng 12.2012 đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar, hoan nghênh những nỗ lực cải tổ của chính phủ nước này, đồng thời hủy bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt, cấm vận mà Mỹ áp lên Myanmar để công nhận sự thay đổi của Myanmar.

Theo thông cáo Nhà Trắng, chuyến thăm của ông Thein Sein cho thấy cam kết của Tổng thống Obama trong việc ủng hộ và hỗ trợ những chính phủ quyết tâm cải tổ đất nước.

Zaw Htay, Giám đốc văn phòng Tổng thống Thein Sein, hoan nghênh sự hỗ trợ từ phía Mỹ, bác bỏ lo ngại tiến độ cải tổ của Myanmar sẽ thụt lùi. Bằng chứng là Myanmar tiếp tục trả tự do 20 tù nhân chính trị hồi tuần rồi, mặc cho các nhà hoạt động cho biết có khoảng 200 tù nhân chính trị vẫn còn trong tù.

Theo AFP, phép thử công cuộc cải tổ của Myanmar sẽ được tiến hành vào năm 2015, khi đó Myanmar sẽ tổ chức bầu cử và liệu rằng quân đội có trao trả hết quyền điều hành đất nước cho chính phủ Myanmar hay không.

Quân đội kiểm soát và điều hành Myanmar kể từ năm 1962, khiến cho quốc gia này bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế suốt hàng thập niên qua.

Lãnh đạo quân đội, ông Ne Win là lãnh đạo Myanmar cuối cùng đến thăm Nhà Trắng hồi năm 1966, gặp Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Lyndon Johnson, theo AFP.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng động cơ thúc đẩy Myanmar cải tổ là nhằm giảm phụ thuộc vào quốc gia láng giềng Trung Quốc, trở thành một quốc gia độc lập, tạo được sức ảnh hưởng trong cộng đồng thế giới, theo AFP.

Phúc Duy

>> Myanmar thả 20 tù chính trị
>> Tam giác vàng chưa yên ổn: Điểm nóng Myanmar
>> Mỹ bỏ cấm vận thị thực Myanmar
>> Thêm hai nhật báo tư nhân xuất bản tại Myanmar
>> EU dỡ bỏ cấm vận Myanmar
>> Bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống Myanmar
>> Bà Aung San Suu Kyi xuất ngoại lần đầu sau 24 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.