Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 25: Linh hồn của tiền xưa

21/05/2013 00:00 GMT+7

Nhiều năm tìm tòi, ông Ông Kim Khải đã sưu tập được bộ tiền cổ niên đại hàng ngàn năm cùng những đồng tiền bằng giấy, bằng đồng, bằng kẽm qua các thời đại.

Bản đồ bằng tiền cổ

Những ai đến nhà ông Kim Khải (59 tuổi, ở ấp Ấp Thị 1, xã Hội An, H.Chợ Mới, An Giang) đều thán phục khi chiêm ngưỡng bộ tiền cổ niên đại hàng ngàn năm được trưng bày. Nhiều người bất ngờ vì một người vùng quê xa xôi cách trở như ông lại sở hữu những đồng tiền vô giá. Ông Khải cho biết, ông đang sở hữu các đồng tiền quý như: tiền Thái Bình Hưng Bảo và Thái Bình Nguyên Bảo thời nhà Đinh; tiền Thiên Phúc Trấn Bảo thời Tiền Lê; tiền Nguyên Phong Thông Bảo, Thiên Phong Nguyên Bảo, Đại Trị Thông Bảo thời nhà Trần; tiền Thánh Nguyên Thông Bảo thời nhà Hồ; tiền Mạc Chính Thông Bảo thời nhà Mạc; tiền Gia Hưng Thông Bảo thời Nguyễn...

 
Ông Khải rất tự hào với tấm bản đồ tiền Việt Nam qua các triều đại - Ảnh: T.D

Ông Khải đã lập hẳn một bản đồ bằng tiền Việt Nam. Đỉnh bản đồ gắn đồng tiền đúc đầu tiên thời nhà Đinh sau đó các đồng tiền trải dài qua các triều đại  Lý, Trần, Lê... và kết thúc là đồng tiền xu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành từ năm 1946-1950. Ông Khải cho biết, năm 970 vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền đồng khởi đầu cho tiền tệ đầu tiên ở Việt Nam và lấy niên hiệu năm là Thái Bình đặt cho đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Ông phân tích: “Đây là cái hay và kiêu dũng của nhà Đinh vì nên nhớ rằng thời điểm đó bên Trung Hoa là thời Tống Thái Tông, vua Thái Tông lấy niên hiệu là Thái Bình Hưng Quốc. Trong khi đó đồng tiền vua Đinh Tiên Hoàng lại lấy Thái Bình Hưng Bảo mà không sợ úy kỵ với nhà Tống hay sợ họ nổi giận bắt tội”.

Theo ông Khải, trong hệ thống tiền tệ phong kiến thì tiền thời Hậu Lê và tiền thời nhà Hồ là đẹp nhất. Cụ thể tiền Thánh Nguyên Thông Bảo thời Hồ Quý Ly đúc kích cỡ nhỏ hơn các triều đại trước nhưng đồng tiền dày, chữ viết và hình hoa văn đẹp. Một đồng tiền cổ này bây giờ trị giá cả 50 triệu đồng. Ngược lại đồng tiền Thiên Minh Thông Bảo thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lưu hành ở Đàng Trong là đồng tiền xấu và tệ nhất trong lịch sử tiền tệ. Do thời đó đúc tiền bằng kẽm pha với các tạp chất, thêm nạn gian lận ăn chặn khi đúc tiền của các quan lại nên đồng tiền đúc xong mau mục, dễ gãy, khó bảo quản, dùng miệng cắn cũng bể nhỏ. Ông còn cho biết, thời vua Tự Đức việc xử phạt xài tiền giả khá nghiêm minh: việc đúc tiền giả nếu phát hiện bị phạt rất nặng, còn người bị lừa đưa nhằm tiền giả tra xét thấy đúng thì quy ra 3 đồng giả được bồi đền bằng 1 đồng thật, người nào phát hiện ai đúc hay cố ý xài tiền giả mà cáo quan thì được thưởng bằng tiền thật theo giá trị % tiền giả.

 

Món đồ gì cũng vậy, cũng có tánh linh, biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến

Chứng nhân của lịch sử

Ông Khải khoe 2 đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo thời Gia Long ông đang có thuộc loại hiếm hoi. Ông giải thích lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu đã cho đúc tiền này sử dụng không muốn dùng tiền nhà Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn đã thu hồi đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo và những ai giữ đồng tiền này ông đều đãi ngộ hậu hĩ do có công giúp ông trong lúc kinh nan. Sau khi thu hồi, nhà Nguyễn đã dùng tiền này làm vật liệu đúc lại tiền Gia Long Thông Bảo chất liệu tốt hơn và vì thế đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo rất hiếm. Chỉ đồng tiền 2 đồng, phát hành ở Bắc bộ từ năm 1946-1950 ông Khải nói: “Đồng tiền này cũng rất hiếm, tôi phải tốn kém nhiều thời gian mới sưu tập được. Đồng tiền này mặt trước in hình Bác Hồ với dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau in hình bông lúa được uốn tròn lại và dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. 

Theo ông Khải, đồng tiền cũng ngộ lắm, ẩn chứa những câu chuyện rất hay cùng quá trình biến động của lịch sử. Như đồng tiền nhôm 50 xu thời Ngô Đình Diệm làm tổng thống đúc vào năm 1960 thì đồng tiền đúc dày, ghi là 50 xu. Nhưng tới năm 1963, Diệm suy yếu thì đồng tiền đúc mỏng hơn, ghi là 50 xu và mặt sau hình bụi tre bị in lật ngược. Theo ông Khải đồng tiền còn thể hiện các thời kỳ của lịch sử, năm nào tiền in ít và mỏng chứng tỏ lượng đồng đã thiếu hụt, tài chính khó khăn, ví dụ như đồng tiền Minh Thiên Thông Bảo thời chúa Nguyễn Phúc Khoát phải làm bằng kẽm pha do lúc đó chúa Nguyễn đã công khai đối địch lại chúa Trịnh nên việc hỗ trợ đồng thau từ Bắc Triều đã bị cắt đứt.

Ông Khải nói nếu như thời Đinh đúc tiền mở mang cho tiền tệ Việt Nam thì đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung lại ra sức đúc tiền bằng đồng gồm các loại tiền Thái Đức Thông Bảo, Minh Đức Thông Bảo, Quan Trung Thông Bảo... với số lượng lớn nhằm để người dân dùng tiền trong nước, hạn chế sử dụng tiền đồng Càn Long, Gia Khánh của Trung Quốc. Như thế mới thấy rõ sự độc lập tự cường của vua Quang Trung rất cao.

Khi được hỏi làm cách nào để có được những đồng tiền quý này, ông Khải bộc bạch: "Tại tôi mê chúng từ lúc còn thiếu niên, lớn lên thích đi sưu tập. Đồng tiền như có linh hồn, chúng cứ tự tìm tới tôi như một cái duyên. Chẳng hạn một lần đang ngủ trưa có người bán ve chai kêu bán xấp tiền xu cũ, ngả màu đen xịt. Người này bán rẻ cho tôi vì ông đã bán nhiều người nhưng không ai mua, tôi bèn lấy đồ tẩy rửa và mừng tới rơi nước mắt bởi trong đó có 2 đồng tiền Thiên Minh Thông Bảo của chúa Nguyễn". Nhưng cũng nhiều lần hay tin có tiền quý, ông lặn lội tìm đến nơi thì người ta đã bán rồi hoặc tưởng tiền quý chừng kiểm tra lại chỉ tiền thường... Ông nói: "Món đồ gì cũng vậy, cũng có tánh linh, biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến".

Thanh Dũng

>> Cổ vật giữa lòng Đà Nẵng - Người đam mê tiền cổ
>> Kho báu tiền cổ hơn 2.000 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.