Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí

06/06/2013 03:01 GMT+7

Đó là quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi báo cáo thẩm tra dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 5.6.

 

Lại tranh luận về luật Biểu tình

Việc có nên đưa luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 hay không tiếp tục nhận nhiều ý kiến trái chiều của ĐBQH tại phiên thảo luận sáng qua. Ủy ban TVQH cho hay mặc dù Chính phủ đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, cùng với một số luật liên quan đến quyền công dân khác như luật Căn cước của công dân, luật Trưng cầu ý dân..., song sau khi cân nhắc về các dự án do các cơ quan, tổ chức, đại biểu đề nghị, xét thứ tự ưu tiên, Ủy ban TVQH đề nghị chưa đưa các dự án này vào Chương trình năm 2014. Trao đổi bên hành lang với báo chí, ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) đồng tình với đề xuất của Ủy ban TVQH và cho rằng, luật Biểu tình đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, cho nên theo thứ tự ưu tiên không có lý do gì để có sự nôn nóng, để đưa ra những yêu cầu nói về luật này. Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng đã đủ các điều kiện để ban hành luật Biểu tình và đề nghị đưa luật này vào chương trình năm 2014.

Bảo Cầm

Vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ đọc tờ trình dự thảo luật trước Quốc hội. Hơn 7 năm luật có hiệu lực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế. Trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên, một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định...

Trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra: Việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, 221 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư... Còn kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai...

Trong 6 tháng đầu năm 2012, nhà nước thực hiện tiết giảm chi phí được 4.433 tỉ đồng trên tổng số 12.548,7 tỉ đồng đã đăng ký, đạt 35,22%. Năm 2011, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ lớn (như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xăng dầu quân đội) hoặc có lãi nhưng hiệu quả chưa cao (Tổng công ty CP xây lắp dầu khí); một số doanh nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả (Tổng công ty CN Sài Gòn, Tổng công ty văn hóa Sài Gòn, Tổng công ty xăng dầu quân đội, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam)...

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Tán thành việc cần thiết phải sửa đổi luật, nhưng báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nhấn mạnh cần có quy định điều chỉnh toàn diện đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân. Đánh giá về chế độ trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm riêng của từng cơ quan. Ví dụ: Bộ Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm về thẩm định quy hoạch, hướng dẫn xây dựng quy hoạch, thực hiện đấu thầu.

Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí
Cần tăng cường quản lý các công trình do nhà nước đầu tư để chống lãng phí (ảnh chụp công trình bờ kè song Cần Thơ dự tính đầu tư hơn 700 tỉ đồng bị sạt hồi cuối tháng 5) – Ảnh: Đình Tuyển

Liên quan về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, một số ý kiến cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.

Tạo điều kiện để người lao động có thu nhập tốt

Hôm qua 5.6, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH trình bày tờ trình về dự án luật Việc làm. Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng hiện nay mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc ban hành luật Việc làm sẽ góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần cụ thể hóa hơn một số nội dung, quan điểm. Trong đó, vai trò an sinh xã hội trong chính sách việc làm là nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do... vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập thấp và ít ổn định hơn so với khu vực có quan hệ lao động. Đồng thời, khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ việc làm...

Thái Sơn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Tôi đồng tình việc khoán xe công

Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trả lời báo giới xoay quanh câu chuyện khoán xe công từng đặt ra 7 năm nhưng đã “chết yểu”. Ông khẳng định: “Về cơ bản tôi đồng tình với việc khoán tiêu chuẩn xe công”. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng việc khoán xe công cần phải có tiêu chuẩn, định mức, định lượng để so sánh, ở cấp nào thì sử dụng xe ra sao, tùy theo chức danh hoặc yêu cầu công việc. Ông nói thêm: “Mình phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, đã triển khai phải đồng bộ chứ không phải bộ ngành này thực hiện, bộ ngành khác lại không, địa phương này thực hiện còn địa phương khác lại không”. Ngoài ra, ông Hiển nhận định: “Vấn đề là mua sắm theo tiêu chuẩn thế nào, trả tiền lái xe ra sao, xăng dầu thế nào”. Trả lời về đánh giá lãng phí liên quan đến khoán xe công, ông cho rằng phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, định mức chuẩn. Ông nhận xét thêm: “Cái tiêu chuẩn của mình thì vừa ban hành ra đã lạc hậu, không đi vào cuộc sống. Ví dụ, cấp bộ trưởng được đi xe trị giá 850 triệu đồng nhưng vừa ban hành thì Bộ Tài chính lại tăng thuế nhập khẩu xe, linh kiện, thiết bị, ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt... thì mức giá này rõ ràng là không mua nổi cái xe ô tô”.

Bảo Cầm (ghi)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.