EVN khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện vào 1/7

27/06/2013 14:12 GMT+7

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), điện là mặt hàng đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và xã hội, hiện EVN vẫn chưa có đề xuất tăng giá điện vào ngày 1/7.

Trước lo ngại về giá điện sẽ điều chỉnh thêm 5%, ông Tri cho biết, hàng tháng EVN đều có báo cáo lên Bộ Công Thương về các thông số đầu vào liên quan đến giá thành phát điện và giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định cũng như được kiểm soát chặt chẽ.

"Là doanh nghiệp nhà nước, nên lợi nhuận không phải là mục tiêu cao nhất của tập đoàn mà quan trọng hơn là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng," ông Tri nói.

Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng và Thông tư số 31/2011/TT-BCT ngày 19/8/2011 của Bộ Công Thương, khi các thông số đầu vào biến động 5%, EVN được phép tăng giá điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan này chấp thuận. Nếu sau 5 ngày làm việc Bộ Công thương chưa có ý kiến, EVN được tự tăng giá điện thêm 5%.

Gần đây nhất giá điện được điều chỉnh là vào ngày 22/12/2012, với mức tăng 5% lên bình quân 1.437 đồng mỗi kWh và khoảng cách giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 3 tháng.

Được biết, Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh dự thảo về cơ cấu biểu giá bán điện mới, theo đó giá điện áp dụng cho các ngành sản xuất sẽ tăng thêm từ 2% - 7% (tính trên giá điện bình quân), tùy vào mức điện áp và giờ tiêu thụ điện.

Cụ thể, giá điện cho cấp điện áp trên 110 kV vào giờ thấp điểm hiện có tỉ lệ là 51% trên giá điện bình quân, sẽ tăng lên 56% trên giá điện bình quân; giá điện cho cấp điện áp dưới 6 kV giờ thấp điểm tăng từ 58% lên 65%...

Giá bán lẻ điện cho kinh doanh giảm 5% (giờ bình thường), 3% (giờ thấp điểm) và 8% (giờ cao điểm) cho các cấp điện áp.

Giá điện sinh hoạt từ 0-100 kWh vẫn giữ nguyên; từ kWh thứ 101-200 chỉ bằng 108% giá điện bình quân (thay vì 106% cho kWh 101-150 và 134% cho kWh 151-200 như hiện nay); từ kWh 201-300 chỉ bằng 138% giá điện bình quân (thay vì 145%); giá điện cho phần kWh từ 301-400 là 154% (thay vì 155%).

Tuy nhiên, từ 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt tăng đến 6% (từ 159% lên 165% giá điện bình quân).

Dự thảo này cũng đưa ra bảng giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt, thép, xi măng (thay vì áp dụng cùng một giá điện với các ngành sản xuất khác). Giá điện riêng này cao hơn giá điện của các ngành sản xuất từ 2%-16% tùy cấp điện áp và giờ tiêu thụ./.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện tháng 5/2013 ước đạt 10,94 tỷ kWh, tăng 7,3% so với tháng 5/2012, tính chung 5 tháng ước đạt trên 49,0 tỷ kWh, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%, chiếm tỷ trọng 52,0%; điện cấp cho nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng 27,4%, chiếm tỷ trọng 1,5%; điện cấp cho thương nghiệp và khách sạn, nhà hàng tăng 11,3%, chiếm tỷ trọng 3,7%; điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 13,4%, chiếm tỷ trọng 36,6%...

Theo TTXVN

>> Thuế chưa giảm, giá điện đòi tăng
>> Chưa có phương án tăng giá điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.