Trao học bổng Nguyễn Thái Bình Báo Thanh Niên cho 200 sinh viên ĐHQG TP.HCM

03/07/2013 03:20 GMT+7

Sáng 2.7, Báo Thanh Niên, Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trao 200 suất học bổng, trị giá 1 tỉ đồng, cho sinh viên ĐHQG TP.HCM.

Tham dự buổi lễ trao học bổng có nhà báo Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM; ông Hồ Văn Đắc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc marketing của Eximbank và các thầy cô thuộc ĐHQG TP.HCM.

 Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông và đại diện Eximbank (ảnh dưới) trao học bổng cho sinh viên ĐHQG TP.HCM - d
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông và đại diện Eximbank (ảnh dưới)
trao học bổng cho sinh viên ĐHQG TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Những tấm gương vượt khó

200 sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình lần này, dù đến từ nhiều vùng quê khác nhau trên cả nước, nhưng đều là những tấm gương vượt khó, thành tích học tập rất đáng khâm phục, khiến ai được nghe cũng cảm động…

 Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông và đại diện Eximbank (ảnh dưới) trao học bổng cho sinh viên ĐHQG TP.HCM - 2

SV Đỗ Văn Thiện (năm thứ 4, Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Khi mới lên 10, Thiện đã mất cha. “Đêm ấy, cha tôi dắt xe ra đi rồi không trở về, vì một tai nạn giao thông oan nghiệt. Gia tài cha để lại cho mẹ và anh em tôi là căn nhà nhỏ lụp xụp. Cố nuốt nước mắt vào trong, mẹ tần tảo nuôi hai anh em tôi ăn học. Những năm tháng qua, mẹ vẫn làm việc miệt mài ngày đêm, từ lau dọn trạm xá lúc 4-5 giờ sáng, bán vé số, mua ve chai để dành dụm mỗi ngày từng đồng tiền lẻ bỏ vào ba lô cũ của tôi để cho tôi nhập học”, Thiện kể và cho biết tiếp bước anh, em trai Thiện bây giờ cũng là sinh viên Bách khoa. “Em đang nỗ lực đạt tấm bằng loại giỏi để được ở lại giảng dạy tại trường, đồng thời tìm kiếm học bổng đi du học”, Thiện chia sẻ.

Để có tiền trang trải cho việc học, cô SV Võ Thị Ngọc Hân (Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH-NV) phải đi giúp việc, lau nhà với mức lương 900.000 đồng/tháng. Hân tâm sự: “Nhiều khi mệt mỏi  muốn gọi điện về nói với mẹ rằng: Con khổ lắm và tủi thân... muốn nghỉ làm, nhưng vì thương mẹ nên tôi vẫn cố gắng. Kể từ ngày ba bị bệnh ung thư mất đi, một mình mẹ gánh vác trên vai cả gia đình với 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Nhớ đến mẹ, tôi không quên khuôn mặt chai sạm vì nắng gió, nhớ đến những viên thuốc ngày nào mẹ cũng phải uống để sống và tiếng thở dài mệt nhoài mỗi tối đi làm về…”. Cầm số tiền học bổng vừa được trao, Hân rất vui vì sẽ có điều kiện chuyên tâm học hành và bờ vai của mẹ cũng đỡ nhọc nhằn hơn.

SV Trần Thị Hường (Trường ĐH Kinh tế - Luật) quê ở H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) có mẹ bị bệnh cột sống, không lao động được. Hoàn cảnh quá khó khăn, Hường đi phục vụ nhà hàng kiếm tiền. Vậy mà “vừa làm vừa học”, Hường đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Đoàn viên tiêu biểu”, giải khuyến khích “Theo dòng lịch sử”, giải thưởng “Hoa trạng nguyên”, bằng tin học loại giỏi... Nhưng thành tích đáng nể nhất có lẽ là Nguyễn Trường Thi (quê Bình Định), SV Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH-NV, với số điểm bình quân 9,6. Là anh cả trong một gia đình có 3 anh em đang học đại học tại TP.HCM, Thi luôn đảm đương tròn vai tất cả mọi việc cho các em. Thuê nhà trọ ở Bình Thạnh, ngoài giờ lên lớp, Thi còn tham gia CLB Truyền thông Rec Miền Nam, chuyên làm các thể loại phim tài liệu và đã 2 lần ẵm giải nhất Liên hoan phim tài liệu do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Ước mơ của Nguyễn Trường Thi trong tương lai sẽ là một biên tập viên truyền hình giỏi và năng động.

Sự tiếp sức kịp thời

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Quang Thông chia sẻ: “Tính từ năm 1991 đến nay, chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình đã đi qua một chặng đường khá dài. 22 năm là thời gian tính bằng tuổi của một cô bé, cậu bé từ khi chào đời cho đến khi tốt nghiệp ĐH. Trong chặng đường gian nan của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em đã vượt qua muôn vàn trắc trở để đến trường tiếp cận tri thức. Và trên con đường chông gai ấy, đã có sự ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều nhà tài trợ, mạnh thường quân, nhà hảo tâm của chương trình. Mà hôm nay đây, nghĩa cử của Eximbank là một minh chứng cụ thể nhất cho sự ủng hộ đó”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG, cho biết: “Tôi rất cảm động trước tấm lòng của Báo Thanh Niên, Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và nhà tài trợ Eximbank đã ưu ái dành cho sinh viên ĐHQG TP.HCM món quà rất giá trị. Số tiền 5 triệu đồng/suất học bổng có thể giúp các em trang trải đủ phần học phí trong một năm. Điều đáng mừng là tỷ lệ sinh viên đạt học bổng năm nay cao, giá trị học bổng lớn thể hiện sự nỗ lực vượt khó để học tập của các em. Chính tên của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình cũng gợi cho tôi nhiều cảm xúc, vì tôi đã cùng từng học dưới mái trường Petrus Ký với anh Nguyễn Thái Bình. Tôi mong rằng, từ điểm tựa của học bổng này, các sinh viên sẽ noi gương anh phải cố gắng học giỏi hơn nữa”.

Đáp lại tấm lòng của Báo Thanh Niên và các nhà tài trợ, SV Đinh Thị Bình (Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật) đại diện 200 SV nhận học bổng đợt này xúc động nói: “Em biết đến học bổng Nguyễn Thái Bình từ lâu nhưng không dám đăng ký và giờ đây em không phải hối tiếc vì đã không bỏ lỡ sự hỗ trợ này để có điều kiện thực hiện ước mơ của bản thân. Đây là động lực quý giá cho em trang trải các chi phí chuẩn bị ra trường trên bước đường tìm việc. Cảm ơn một chương trình học bổng rất bổ ích và thiết thực đã giúp đỡ được nhiều bạn sinh viên nghèo biết nỗ lực trong cuộc sống”.

Trong tháng 6 và 7.2013, Báo Thanh Niên đã triển khai chuỗi sự kiện trao học bổng Nguyễn Thái Bình năm học 2012-2013 cho 400 sinh viên nghèo vượt khó học giỏi trên cả nước, trị giá 5 triệu đồng/suất, tổng giá trị 2 tỉ đồng do Eximbank tài trợ. Cụ thể, tại ĐH Đà Nẵng ngày 17.6 trao 100 suất học bổng; ngày 24.6 tại ĐH Quốc gia Hà Nội trao 100 suất học bổng và ngày 2.7 tại ĐHQG TP.HCM trao 200 suất học bổng. Tính đến nay, sau 22 năm triển khai, chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên đã trao 12.187 suất học bổng với tổng trị giá 23,198 tỉ đồng.

Lý Tấn Nhiệm
Ảnh: Lê Công Sơn 

 “Nhận được học bổng em rất vui vì như vậy ba mẹ ở quê năm nay khỏi gửi tiền học phí vào cho em nữa. Em sẽ dành dụm một ít mua sách vở để học thêm Anh văn buổi tối. Cả nhà ai cũng mừng và tự hào vì em vinh dự nhận được học bổng Nguyễn Thái Bình - một chương trình nhân văn quá nổi tiếng của Báo Thanh Niên...”.

Lý Tấn Nhiệm
(SV Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

“Từ trước đến nay ở quê em chưa có bạn nào được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình nên em cứ ao ước và phấn đấu mãi. Hôm nay điều đó đã trở thành hiện thực, em hạnh phúc lắm. Tối qua má em gọi vào dặn dò đủ thứ. Em thấy mình phải cố gắng học hơn nữa để không phụ lòng Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ”.

Nguyễn Trần Thảo Lan
(SV Khoa Cơ khí năm 4, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

 Nguyễn Trần Thảo Lan
Ảnh: Lê Công Sơn

Công Sơn
(ghi)

T.T.Bình - Lê Công Sơn

>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình tại Hà Nội
>> Học bổng Nguyễn Thái Bình: Chắp cánh những ước mơ
>> Trao 500 triệu đồng học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên miền Trung
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên Hà Nội
>> Trao 88 suất học Nguyễn Thái Bình cho sinh viên
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con ngư dân
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên vượt khó
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình
>> Tặng 50 triệu đồng cho học bổng Nguyễn Thái Bình
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho các thủ khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.