Kỷ niệm của GS Ngô Bảo Châu về Trường Normale

08/07/2013 14:10 GMT+7

(TNO) Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gửi riêng cho Thanh Niên Online bài viết về những kỷ niệm của mình thời còn đi học ở Trường Normale (Pháp). Bài viết này cũng đồng thời được đăng trên website Học thế nào do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng.

(TNO) Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gửi riêng cho Thanh Niên Online bài viết về những kỷ niệm của mình thời còn đi học ở Trường Normale (Pháp). Bài viết này cũng đồng thời được đăng trên website Học thế nào do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng.

Khi mới tới Pháp vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có rất nhiều điều làm tôi thắc mắc. Có thắc mắc lớn, có thắc mắc nhỏ. Một trong những thắc mắc nhỏ là tại sao trên trang đầu của sách giáo khoa, của sách giáo trình đại học, ngay dưới tên tác giả thường có dòng chữ in nghiêng có nội dung khá giống nhau. Ví dụ như:  “Agrégé d’histoires, ancien élève de l’Ecole Normale Supérieure” (thầy giáo sử, cựu học sinh trường sư phạm cao cấp).

Tôi đem cái thắc mắc của mình đến chỗ ông Jacques Vauthier, giáo sư đại học Paris 6, người đỡ đầu tôi vào thời gian đó. Ông Vauthier cười và nói rằng, đấy là cái cách người Pháp làm duyên. Đúng là làm duyên kiểu tây rồi, nhưng như ai đó đã nói, mình phải có thế nào thì mới có thể duyên được đến thế.

Tôi trả lời ông Vauthier là ở nước tôi, không thấy ai xưng là học sinh cũ của trường hay của học viện nào, thay vào đó họ hay xưng bằng bốn năm chữ viết tắt in hoa, dễ gây hiểu lầm và đoán mãi mới ra.
 
Sau khi học một năm ở Trường Paris 6, ông Vauthier gửi tôi qua Trường Normale với tư cách “dự thính viên tự do”. “Tự do” ở đây hóa ra lại không bằng “không tự do”.

Học sinh “không tự do” của Trường Normale trước đó phải "cày bừa" hai năm ở “lớp chuẩn bị”, chuẩn bị cho cuộc thi tuyển gắt gao vào các “trường lớn” của Pháp mà trong đó hai nơi danh giá nhất là Trường Normale và Trường Polytechnique. Đậu vào hai trường này, học sinh nghiễm nhiên có biên chế công chức tập sự, được hưởng một mức lương tập sự, không hẳn là cao, những cũng vời vợi so với mức học bổng của sinh viên bình thường.

“Dự thính viên tự do” như tôi không phải học lớp chuẩn bị, không thi tuyển, nhưng cũng không có biên chế và tất nhiên là không có lương. Sau đó, có lẽ do được chiếu cố đến “ý chí phấn đấu”, tôi được chuyển sang ngạch “học sinh chính thức không lương”, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy mình vẫn mãi là một “dự thính viên tự do”.

Tâm lý “dự thính viên tự do” một phần xuất phát từ rào cản văn hóa và ngôn ngữ, nhưng lý do chính là tôi không tham gia vào hai cuộc “thử lửa” căn bản của học sinh Trường Normale.

Thử lửa thứ nhất là cuộc thi tuyển vào trường đã nêu ở trên, thử lửa thứ hai là cuộc thi agrégation, mà theo một nghĩa nào đó là kỳ thi tốt nghiệp ra trường.

Mục đích của cuộc thi agrégation là xây dựng đội ngũ tinh nhuệ cho ngành giáo dục phổ thông của Pháp (trang Học thế nào - http://hocthenao.vn - đã đăng bài của tác giả Nguyễn Lan Hương giới thiệu những nét chung nhất về cuộc thi này). Ở đây, tôi chỉ bổ sung những chi tiết về cuộc thi mà tôi biết qua những người bạn đồng môn, những người dành một hoặc nhiều năm để dùi mài kiến thức, chuẩn bị cho nó.

Thi có hai vòng, vòng một thi viết, những thí sinh vượt qua vòng thi viết mới được tham gia vòng hai là vòng thi nói. Ở vòng thi nói, thí sinh được bắt thăm để có hai đề bài trong bộ đề mà mỗi năm ban giám khảo phải xây dựng lại. Thí sinh được quyền chọn một trong hai đề mà mình bắt thăm. Đề không phải là bài tập để giải, mà là một chuyên đề để “đứng lớp”.

Các anh chị thí sinh có ba tiếng để chuẩn bị cho bài giảng của mình. Họ cũng được sử dụng sách trong thư viện và sách của mình mang theo. Đến giờ thi, thí sinh có 50 phút để trình bày đề cương bài giảng, sau đó phát triển đề cương đó. Bài giảng chuẩn bị trước thì đặt ngay trên bàn, nhưng không được xem, trừ khi bí quá! Không chỉ có ban giám khảo, mà ai muốn vào nghe bài giảng cũng được, nhưng phần lớn người ta không muốn người thân của mình vào nghe, vì nhiều khi những ánh mắt chan chứa thân thương làm thí sinh quên hết công thức.

Cả bài thi viết lẫn bài thi nói đều bám sát chương trình dạy học phổ thông hoặc các lớp chuẩn bị, chứ không nhất thiết chạy theo những tiến bộ khoa học tiên tiến nhất. Nhưng cuộc thi agrégation được coi là một trong những cuộc sát hạch khó nhất, đặc biệt là ở các môn xã hội, vì mỗi năm chỉ có một số biên chế hạn chế. Một người bạn của tôi, bây giờ là giảng viên đại học và là một chuyên gia rất có uy tín trong lĩnh vực của mình, đã từng bỏ ra nhiều năm để thi agrégation lịch sử mà không đậu. Thế mới thấy, có những người có thể nghiên cứu khoa học tốt, một giảng viên đại học khá, nhưng không thể được xếp vào đội ngũ tinh nhuệ của giáo viên phổ thông.

Theo truyền thống, kỳ thi agrégation được coi như một dạng tốt nghiệp không chính thức của Trường Normale.

Gần đây, xu hướng đã khác đi nhiều. Nhiều học sinh phân ban toán và tự nhiên bỏ thi agrégation để làm thẳng luận văn tiến sĩ. Nhiều học sinh phân ban xã hội cũng bỏ agrégation để chọn con đường liên thông sang trường hành chính quốc gia, trường khoa học chính trị... xu hướng này có từ thời tôi còn học ở đó. Một người bạn khá thân của tôi dạo ấy, khi thi vào trường thì đỗ thủ khoa về văn chương cổ điển, vậy mà cương quyết từ chối theo đuổi nghiệp giáo dục để chuyển sang ngạch pháp lý.

Jean-Baptiste La Salle, người được nhà thờ thiên chúa giáo phong Thánh và là Thánh bảo trợ cho các thầy cô giáo chính là người sáng lập ra Trường Normale đầu tiên (ông đi ngược lại “chỉ đạo” của chính Giáo hội thiên chúa giáo). Chữ Normale ở đây mang nghĩa “chuẩn mực”. Cái quan trọng nhất trong việc đào tạo và tuyển chọn thầy cô giáo chính là tính chuẩn mực. Cuộc sống hiện đại đầy biến động đã làm mai một đi mô hình truyền thống đào tạo và tuyển chọn giáo viên ở Pháp, nhưng tôi tin rằng cái tính chuẩn mực truyền thống thì vẫn còn đó.

Những kỷ niệm lan man về Trường Normale mà tôi vừa thuật lại, hy vọng sẽ gợi ra những gì cần làm cho giáo dục Việt Nam. Bên cạnh những việc quan trọng khác, như đẩy lùi tham nhũng trong giáo dục, dò xét, tu chỉnh chương trình học và sách giáo khoa, việc không thể quên là nâng cao chất lượng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

Tôi tin rằng để làm được những việc này, cần xây dựng một đội ngũ tinh nhuệ để làm nòng cốt, và để các giáo viên trẻ có hướng phấn đấu. Những con người ưu tú này cần được phát hiện, bồi đắp, trao trách nhiệm… ngay từ khi họ còn trẻ. Tuyệt đối không đợi đến lúc họ gần về hưu rồi mới được phong cho họ danh hiệu nhà giáo ưu tú, cách mà chúng ta làm như hiện nay.

Việc tuyển chọn phải dựa trên một cuộc thi, trong đó thi vấn đáp trên mô hình là một giờ “đứng lớp”, phải là then chốt. Và đó phải là một cuộc thi với số lượng hạn chế chỉ tiêu đỗ. Nó rất khác với cách chúng ta đang làm hiện nay là "phổ cập" bằng thạc sĩ trong toàn ngành giáo dục, để đẻ ra những đề tài tốt nghiệp thạc sĩ với chất lượng thấp, đôi khi thấp đến mức khôi hài. Đó là cách làm phi chuẩn mực và chỉ có hại.

Ngô Bảo Châu
Cựu học sinh Trường Sư phạm cao cấp (Ecole Normale Supérieure)

>> GS Ngô Bảo Châu mở trang mạng về giáo dục
>> GS Ngô Bảo Châu: Hạnh phúc là lúc làm một điều gì đó ý nghĩa
>> GS Ngô Bảo Châu xúc động khi giao lưu với người khiếm thị
>> GS Ngô Bảo Châu giảng bài tại Hà Nội và TP.HCM
>> Mẹ GS Ngô Bảo Châu nói về người thầy
>> Về nước học toán với GS Ngô Bảo Châu
>> GS. Ngô Bảo Châu kể về thế giới kỳ ảo của những con số

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.