Gỡ 'vướng' gói 30.000 tỉ đồng

10/08/2013 11:00 GMT+7

Hôm qua 9.8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã chủ trì cuộc họp với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, nhiều địa phương, ban ngành bàn cách đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng đến hết tháng 7 vừa qua cả nước mới có 139 khách hàng vay được từ gói hỗ trợ này với số tiền là 33,46 tỉ đồng. Có 2 doanh nghiệp được vay tổng cộng hơn 650 tỉ đồng, nhưng cũng chỉ mới giải ngân 34 tỉ đồng. Đầu tháng 8, Bộ Xây dựng đã chuyển thêm hồ sơ 59 dự án sang ngân hàng (NH) chờ thẩm định, phê duyệt chờ cho vay.

 

Không thể cứ thoải mái cho tăng số căn hộ, vì điều chỉnh quy hoạch tăng dân sẽ tăng áp lực về hạ tầng xã hội. Chưa kể, yếu tố quy chuẩn của tòa nhà cũng không được đảm bảo

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Bộ Xây dựng nhìn nhận, sau 2 tháng thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc từ phía NH và các địa phương, làm chậm tốc độ giải ngân gói hỗ trợ vay mua nhà. 

Ngân hàng vấp váp

Đại diện các NH được giao nhiệm vụ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng đều nói họ rất tích cực triển khai công tác này. Cụ thể là tại hội sở chính và các chi nhánh đều thành lập các bộ phận chuyên trách thực hiện giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tổ chức các lớp đào tạo nội bộ, liên tục cập nhật vướng mắc từ khắp hệ thống khi thực hiện lên cấp trên để tháo gỡ, đẩy nhanh triển khai...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng không đồng tình như vậy. “Các NH đang báo cáo vênh với thực tế. Nhiều khách hàng và chính bản thân chúng tôi khi đi hỏi vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng tại nhiều chi nhánh các NH ở địa phương đều nhận được câu trả lời là chưa có hướng dẫn của hội sở nên chưa biết triển khai thế nào”, ông Thành phản ánh. Ông Thành còn cho biết, nhiều NH đòi chủ đầu tư trình “sổ đỏ” thì mới cho người dân vay. “Trong khi, đến nay các dự án mới chỉ đang triển khai hoặc chưa xây xong thì lấy đâu ra “đồ quý” này, như vậy khác gì bảo không cho vay”, ông Thành bức xúc. Chưa kể, khi cho vay, các NH còn yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải chứng minh thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi phần lớn các khách hàng này đều là người có thu nhập thấp.

Cũng theo ông Thành, một số NH quy định khi khách hàng mua căn hộ nhưng không đủ tiền trả thì chủ đầu tư phải cam kết mua lại căn hộ đó, thay khách hàng trả tiền cho NH. Điều này cũng là cản ngại đối với người dân. Do đó cần bỏ quy định này, thay vào đó là hoàn trả lại căn hộ và chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại tiền khách hàng đã vay trước đó cho NH.

Đáng nói hơn, trong Thông tư  07 của Bộ Xây dựng không yêu cầu hộ gia đình, cá nhân vay vốn (để thuê, mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) phải có xác nhận là đối tượng thu nhập thấp nhưng một số NH vẫn yêu cầu phải nộp xác nhận này, gây khó cho người đi vay.

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NH Nhà nước thừa nhận, 5 NH được giao nhiệm vụ giải ngân đã chưa nhận thức hết được vấn đề nên còn vấp váp. “NH Nhà nước sẽ sát sao chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm”, ông Tiến nói.

Gỡ
Người dân có thu nhập thấp đang nóng lòng chờ vay vốn mua căn hộ - Ảnh: Đình Sơn

Tập trung tạo ra sản phẩm

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm là chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay. Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay lại đang rất chậm, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, TP.Hà Nội đã thẩm định 26 dự án. Trong đó, 12 dự án xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, dự kiến là 5.051 căn hộ; 14 dự án xin điều chỉnh 4.051 căn hộ thương mại thành 5.967 nhà ở xã hội. Tuy nhiên,  đến nay mới 5 dự án được chấp thuận cho chuyển đổi thành nhà ở xã hội; 2 dự án có quyết định cho chuyển đổi quy mô.

Còn ở TP.HCM thì có 26 dự án đăng ký điều chỉnh. Trong đó, 11 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, số lượng căn hộ là 9.756 căn hộ; 14 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại diện tích lớn sang căn hộ thương mại diện tích nhỏ, số lượng điều chỉnh là 8.149 căn... Nhưng đến đầu tháng 8.2013 cấp có thẩm quyền chưa cho phép chuyển đổi cơ cấu dự án căn hộ nào. Giải thích điều này, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói TP đang cân nhắc do liên quan đến vấn đề quy hoạch và quy chuẩn. “Không thể cứ thoải mái cho tăng số căn hộ, vì điều chỉnh quy hoạch tăng dân sẽ tăng áp lực về hạ tầng xã hội. Chưa kể, yếu tố quy chuẩn của tòa nhà cũng không được đảm bảo”, ông Tín nói. Cũng theo ông Tín, nếu đồng ý cho chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì “ngân sách lấy đâu ra tiền trả lại chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, trong khi TP.HCM đang có rất nhiều dự án”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, điều chỉnh cơ cấu căn hộ để phù hợp hơn với thị trường tất nhiên phải chấp nhận trả giá, nhưng nếu điều chỉnh thì giá không phải quá đắt. Vấn đề tăng dân số, áp lực hạ tầng ở những dự án mà TP.HCM và Hà Nội đang xem xét không phải quá lớn. Về tiền sử dụng đất, nếu ngân sách không có thì khấu trừ vào các khoản tiền thu từ chủ đầu tư hoặc vận động họ trừ vào tiền sử dụng đất ở những dự án sau.

Bộ Xây dựng kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, giảm cung nhà ở thương mại; đốc thúc các địa phương quyết liệt rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để các chủ đầu tư xây dựng, đưa sản phẩm ra thị trường bán cho người dân. Trước mắt, cần tập trung vốn của gói 30.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án, tạo ra sản phẩm. Đồng thời, thành lập tổ công tác giữa Bộ Xây dựng và NH Nhà nước đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giải ngân để kịp thời giải quyết vướng mắc.

Hồ sơ nằm chờ xét duyệt

Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn có gần 100 người mua căn hộ tại dự án Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) có nhu cầu vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay số lượng vay được chỉ đếm chưa hết 1 bàn tay. Công ty địa ốc D (lãnh đạo công ty xin không nêu tên) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi có đến hơn 100 hồ sơ vay tiền mua căn hộ tại dự án của công ty ở Q.Gò Vấp vẫn phải đang nằm chờ NH trả lời từ hơn 2 tháng nay. “Khó khăn quá nên nhiều người đã phải chọn vay vốn từ các NH thương mại với lãi suất khoảng 10 - 12%/năm, bù lại thủ tục và thời gian giải ngân nhanh hơn rất nhiều”, lãnh đạo Công ty Hoàng Anh Sài Gòn cho biết.

Đình Sơn

Tồn kho 27.805 căn hộ

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, tính đến hết 6 tháng đầu năm, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 108.773 tỉ đồng, giảm 19.775 tỉ đồng (15,4%) so với 3 tháng đầu năm. Căn hộ chung cư có lượng tồn kho cao nhất với 27.805 căn, tương đương hơn 41.500 tỉ đồng. Tiếp đó là đất nền nhà ở (hơn 9,9 triệu m2, tương đương hơn 33.950 tỉ đồng), nhà thấp tầng (15.007 căn, tương đương hơn 27.440 tỉ đồng), đất nền thương mại (hơn 2 triệu m2, tương đương hơn 5.830 tỉ đồng).

Tại Hà Nội, tổng số tồn kho tính đến hết tháng 6 là 9.651 căn, tương đương hơn 17.000 tỉ đồng. Mức này không tăng so với quý 1/2013, nhưng nếu so với tháng 12.2012 lại tăng hơn 3.800 căn do mới có báo cáo bổ sung. Tồn kho ở Hà Nội chủ yếu là nhà thấp tầng (trị giá hơn 10.100 tỉ đồng), căn hộ chung cư (3.689 tỉ đồng), số còn lại là căn hộ chung cư thương mại do doanh nghiệp đầu tư để bán cho cán bộ, công nhân viên chức.

Giá trị tồn kho ở TP.HCM ước là 26.698 tỉ đồng. Trong đó căn hộ chung cư chiếm nhiều nhất, lên tới 84%, với hơn 12.600 căn, trị giá 22.414 tỉ đồng tương ứng. Tiếp theo là nhà thấp tầng (9,1%), đất nền nhà ở (5,3%) và đất nền thương mại (1,6%). Số căn hộ chung cư tồn kho đã giảm 1.887 căn so với cuối năm 2012.

Theo Bộ Xây dựng, số liệu nói trên mới được tổng hợp từ báo cáo của 56/63 tỉnh thành. Các tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Trà Vinh chưa báo cáo cập nhật tình hình thường xuyên, nên số lượng tồn kho cả nước vẫn còn thiếu.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.