Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ

04/09/2013 11:15 GMT+7

Để phục vụ cho sứ mệnh tình báo lâu dài, Phạm Xuân Ẩn đã được cử tới Mỹ học báo chí trong 2 năm, nhằm giúp ông hiểu văn hóa và con người Mỹ, cũng như sống và suy nghĩ như một người Mỹ thực thụ.

>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu

Tìm đường đến Mỹ
Phạm Xuân Ẩn trong thời gian học báo chí tại Mỹ - Ảnh: Từ sách Điệp viên hoàn hảo

Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng tập trung sự chú ý vào các nỗ lực ngầm được tiến hành để xây dựng một bộ máy mới và huấn luyện lực lượng cho quân đội Nam VN. Phái bộ Cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) tại Sài Gòn đã được thành lập vào năm 1950 để “giám sát việc triển khai chương trình hỗ trợ thiết bị quân sự cho lính lê dương Pháp chống lại Việt Minh trị giá 10 triệu đô la”. Trong một giai đoạn ngắn, MAAG còn được giao nhiệm vụ giúp nâng cao năng lực của các đơn vị quân đội Nam VN càng nhanh càng tốt. Một nhóm cán bộ khung đã được thành lập với văn phòng trực thuộc MAAG để điều hành một tổ chức huấn luyện song phương với tên gọi là Chương trình Tư vấn và huấn luyện quân sự (TRIM). Một trong những nhiệm vụ của TRIM là hỗ trợ và tư vấn cho các cơ quan quân sự của VN về xây dựng lực lượng vũ trang. TRIM bao gồm 209 sĩ quan Pháp và 68 sĩ quan Mỹ (khi người Pháp ra đi thì có thêm 121 sĩ quan Mỹ nữa), không có ai trong số sĩ quan Mỹ nói được tiếng Việt và chỉ có chưa đầy 10 người biết tiếng Pháp.

Ẩn học tiếng Anh từ những nhà truyền giáo ở Cần Thơ trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Sau đó, ông làm bạn với ngài Webster ở Đại sứ quán Anh tại Sài Gòn, người mỗi lúc rảnh rỗi lại dành hàng giờ luyện tiếng Anh với ông. Rồi sau đó thì Ẩn làm việc chung với ông Newell nên đến thời điểm muốn đầu quân cho TRIM, ông đã là một trong những người Việt giỏi tiếng Anh nhất, khiến ông trở thành một tài sản quý giá đối với người Mỹ và VN, giúp ông thiết lập quan hệ với hàng chục người sau này sẽ trở thành tư lệnh quân đội VN Cộng hòa và những người Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Ẩn trở thành thành viên của Sư đoàn 25 Quân lực VN Cộng hòa vào tháng 2.1956, hoạt động ở vùng đồng bằng sông Mê Kông với nhiệm vụ chính là triệt phá cơ sở hạ tầng của Việt Minh. “Trên thực tế, tôi phục vụ cho ba quân đội”, ông Ẩn nói. “Quân Pháp trong quá trình chuyển giao; là một hạ sĩ quan của VN Cộng hòa, nơi tôi giúp thiết lập sư đoàn bộ binh hạng nhẹ đầu tiên; và lực lượng vũ trang của Mặt trận Giải phóng”...

Phái bộ Huấn luyện quân sự hỗn hợp (CATO) thay thế TRIM vào tháng 4.1956, và hoạt động như là ban phụ trách chiến dịch cho chỉ huy trưởng của MAAG, cơ quan kiểm soát tất cả các đơn vị chiến trường trực thuộc các trường và bộ chỉ huy của VN. Ẩn chuyển từ TRIM sang CATO để phụ trách công tác xử lý tài liệu và thực hiện các cuộc phỏng vấn đối với sĩ quan VN Cộng hòa sắp đi Mỹ tham dự các khóa huấn luyện chỉ huy. Trong số những người được Ẩn phỏng vấn có tổng thống tương lai của VN Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (lúc bấy giờ là trung tá), Tổng tham mưu trưởng tương lai Cao Văn Viên (thiếu tá), tướng và Tư lệnh Quân đoàn 1 tương lai Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh tương lai của thủy quân lục chiến Lê Nguyên Khang (đại úy)... Những mối quan hệ sơ khởi này về sau đã trở nên cực kỳ giá trị. Một trong những chiến thuật được xây dựng rất thận trọng của Ẩn đó là không bao giờ chơi thân với những người mà ông biết hoặc cho là cảm tình viên của Cộng sản; thay vào đó, ông tìm kiếm và kết bạn với những nhân vật được coi là chống Cộng hăng hái và nổi tiếng nhất nhằm bảo vệ vỏ bọc của ông cũng như hiểu sâu hơn về tư duy của người Mỹ. Ông bắt đầu với đại tá Edward Lansdale, người đến Sài Gòn vào năm 1954, trong khoảng thời gian giữa trận chiến Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneva, chia đôi Bắc và Nam VN theo đường giới tuyến tạm thời tại vĩ tuyến 17...

Lansdale là giám đốc của Phái bộ quân sự ở Sài Gòn (SMM), một đơn vị của CIA nhưng gần như tách hẳn khỏi cơ quan thường trực. VN lúc bấy giờ có hai nhóm CIA hoạt động, một trực thuộc trưởng chi nhánh Sài Gòn, phụ trách các hoạt động tình báo thông thường và hoạt động dưới vỏ bọc là các nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Mỹ; nhóm kia là Phái bộ quân sự của Lansdale, chuyên trách các hoạt động bán vũ trang và làm việc dưới vỏ bọc là các nhiệm vụ của MAAG tại Đông Dương…

Lansdale được Ngoại trưởng John Foster Dulles chỉ thị “cứ làm như anh đã từng làm ở Philippines”. “Chúa phù hộ anh”, Giám đốc CIA Allen Dulles, và là em trai của ngài ngoại trưởng, nói thêm. Hoạt động dưới vỏ bọc là trợ lý tùy viên không quân, Lansdale tìm cách thiết lập một chính quyền không Cộng sản ở miền Nam.

Lansdale muốn chiêu mộ Ẩn để phục vụ cho cuộc chiến chống Cộng của mình, nên đưa ra đề nghị tài trợ cho ông đi học tại Trường Hạ sĩ quan tình báo và tâm lý chiến. Điều này có thể giúp Ẩn thăng tiến nhanh sau khi trở lại VN. Ẩn đem lời đề nghị của Lansdale đến xin ý kiến những thượng cấp thực sự tại Củ Chi, và người chỉ huy trực tiếp, ông Mười Hương, nói rằng ông nên tránh vụ này vì quá rủi ro. Lúc bấy giờ Cộng sản đã cài được người vào hàng ngũ lãnh đạo Quân lực VN Cộng hòa và có người về sau được phong hàm đại tá, nhưng không ai được chuẩn bị để thực hiện một sứ mệnh kiểu như của Ẩn. Bằng việc học nghề báo, Ẩn có thể vào đại học ở Mỹ. Nếu ông nhập ngũ thì cơ hội nói trên sẽ không còn. “Phạm Xuân Ẩn là điệp viên duy nhất được chúng tôi đưa tới Mỹ,” ông Mai Chí Thọ, khi đó là Trưởng ban Địch tình Xứ ủy Nam bộ, nói. Ông Thọ và những người khác đã làm mọi cách để đảm bảo rằng Ẩn được huấn luyện đúng cách và được bảo vệ an toàn cho sứ mệnh của ông. Khi Ẩn thổ lộ với Lansdale rằng mình muốn đi học báo chí, Lansdale lập tức đề nghị tài trợ cho ông và liên hệ với Quỹ Á Châu...

Cuối năm 1955, điều không tưởng đã thành hiện thực: vị thế của Ngô Đình Diệm được củng cố vững chắc, nhờ vào sự giúp đỡ bí mật quan trọng của Lansdale và đồng sự, những người đã thành công trong việc vô hiệu hóa âm mưu từ các đối thủ của ông Diệm.

Tháng 5.1957, tạp chí Life bình chọn Ngô Đình Diệm là “Người đàn ông mạnh mẽ kỳ diệu của châu Á”. Ông Diệm bay tới Mỹ và phát biểu trước lưỡng viện quốc hội. Tại New York, Thị trưởng Robert F.Wagner gọi ông là “người mà rồi đây lịch sử sẽ công nhận là một trong những nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Tờ Saturday Evening Post gọi ông là “viên quan mặc áo vét vải láng đã làm rối tung thời gian biểu Đỏ”.

Năm tháng sau chuyến thăm Mỹ thắng lợi của ông Diệm, Phạm Xuân Ẩn tới California theo một “thời gian biểu Đỏ” khác.

Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt

LOẠT KÝ SỰ NHIỀU KỲ "GIẢI MÃ" PHẠM XUÂN ẨN
CỦA NHÀ BÁO HOÀNG HẢI VÂN

>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 16
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 14
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 13
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 12
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 9
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 8
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 7
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 6
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 5
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 4
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 3
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 1
>> Khởi đăng ký sự nhiều kỳ: "Giải mã" Phạm Xuân Ẩn

>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.