Ủy ban chứng khoán sẽ được quyền khởi tố ?

25/09/2013 02:54 GMT+7

Bộ Tài chính vừa kiến nghị trao quyền khởi tố, điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán nhưng việc này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Bộ Tài chính vừa kiến nghị trao quyền khởi tố, điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán nhưng việc này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Ủy ban chứng khoán sẽ được quyền khởi tố ?
Cần tăng quyền quyết định nhiều hơn cho UBCKNN để thúc đẩy TTCK phát triển - Ảnh: D.Đ.M

Tăng quyền...

 

Thậm chí Chính phủ nên hướng đến mô hình kiến trúc thượng tầng chuẩn, cho phép UBCKNN có những quyền hạn và nhiệm vụ rộng hơn. Ở các nước như Thái Lan, Mỹ, UBCKNN đều là cơ quan độc lập có vai trò ngang bộ, trực thuộc Chính phủ và ngang với Ngân hàng Nhà nước

TS Lê Đạt Chí

Kiến nghị của Bộ Tài chính nhằm bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với 3 tội danh gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán. Trong các quy định hiện hành, UBCKNN chỉ có chức năng xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với tổ chức và cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK). Riêng đối với 3 tội danh trên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì UBCKNN sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự để điều tra truy tố dựa vào quy định của bộ luật Hình sự.

Theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), tăng thêm quyền khởi tố và điều tra cho UBCKNN là một thông tin tốt cho thị trường. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là Bộ Tài chính cần xem xét, ủy quyền cao hơn cho UBCKNN như quyền ban hành các văn bản hướng dẫn và chế tài hoạt động của các thành viên trên TTCK. Từ đó UBCKNN sẽ phân quyền về cho các Sở giao dịch chứng khoán. Ví dụ để cho các Sở giao dịch chứng khoán chủ động ban hành quyết định xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong công bố thông tin (hiện các Sở giao dịch chứng khoán chỉ đưa ra nhắc nhở và cảnh báo) để tăng tính chủ động và kịp thời theo diễn biến của TTCK. “Thậm chí Chính phủ nên hướng đến mô hình kiến trúc thượng tầng chuẩn, cho phép UBCKNN có những quyền hạn và nhiệm vụ rộng hơn. Ở các nước như Thái Lan, Mỹ, UBCKNN đều là cơ quan độc lập có vai trò ngang Bộ, trực thuộc Chính phủ và ngang với Ngân hàng Nhà nước”, TS Lê Đạt Chí nói.

Cùng quan điểm trên, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) nhấn mạnh UBCKNN muốn thực hiện tốt vai trò quản lý TTCK thì phải có chức năng độc lập. Đó phải là đơn vị có quyền ban hành các quy định điều phối những hoạt động của TTCK cũng như có quyền độc lập để thực hiện hoạt động chế tài các vi phạm. Hiện Chính phủ đang tái cấu trúc ngành tài chính, trong đó có cả TTCK, vì thế cần tổ chức và sắp xếp lại cả hệ thống tuân thủ quốc gia đối với ngành này. Chính phủ phải dần dần nới chức năng quyền hạn cho UBCKNN để thích nghi và đồng bộ với nền kinh tế. Tăng quyền có nghĩa là trang bị thêm súng để cơ quan này có đủ thẩm quyền thực thi trách nghiệm và nghĩa vụ điều hành, giám sát nhằm thúc đẩy TTCK phát triển.

 

Điều quan trọng là tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát của UBCKNN nhiều hơn và phát triển ở mọi tầng lớp trong xã hội

Ông Nguyễn Hoàng Hải
Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính

... hay tăng kiểm tra giám sát ?

Ngược lại, một số chuyên gia vẫn e ngại với kiến nghị này. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - nhận xét, tăng quyền cho UBCKNN cũng không phải là giải pháp cơ bản để thúc đẩy phát triển TTCK như mong muốn mà điều quan trọngnhất là đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho nhà đầu tư. Để thực hiện được việc này, nên chăng phải có chính sách xã hội hóa hoạt động giám sát thanh tra. Ví dụ có chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi gian lận trên TTCK và số tiền đó được lấy từ khoản phạt các đơn vị vi phạm. Ở một số nước như Hàn Quốc, có các tổ chức độc lập bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và kinh phí hoạt động cũng được trích ra từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trên thị trường. “Bản thân các doanh nghiệp hiện nay đã có nhiều cơ quan giám sát như thanh tra của các bộ ngành, công an, kiểm toán, thuế... nhưng gian lận vẫn tồn tại. Vì vậy theo tôi điều quan trọng là tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát của UBCKNN nhiều hơn và phát triển ở mọi tầng lớp trong xã hội”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Còn ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty luật Basico - nhận định chức năng điều tra là thuộc về ngành tư pháp, là quyền lực của nhà nước, trong khi đó UBCKNN là đơn vị hành pháp, quản lý các hoạt động trên TTCK mà chủ yếu là hướng dẫn và phát triển thị trường. Do đó cần xem xét kỹ trước khi trao quyền này cho UBCKNN vì vô hình trung có thể sẽ làm mờ nhạt đi vai trò quản lý chính của UBCKNN. Điều quan trọng là nên đẩy mạnh năng lực thanh tra của cả UBCKNN lẫn các cơ quan có liên quan để theo kịp các hoạt động phát sinh trong lĩnh vực tài chính nói chung và TTCK nói riêng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.