Mối nguy của kinh tế lệ thuộc

02/12/2013 09:00 GMT+7

Xuất khẩu Việt Nam đang lệ thuộc vào tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn các doanh nghiệp VN ngày càng suy kiệt.

Mối nguy của kinh tế lệ thuộc
Xuất khẩu cả ngành nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng xuất khẩu của các nhà máy Samsung tại Việt Nam - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tăng trưởng nhờ nước ngoài

Dẫn ví dụ về sự phụ thuộc, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN kể câu chuyện nghe thật khó tin: Chỉ riêng xuất khẩu của các nhà máy Samsung ở VN đã chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, bằng với xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông nghiệp cộng lại. Còn tính trên tổng kim ngạch, xuất khẩu lệ thuộc cực lớn vào khối doanh nghiệp (DN) ngoại. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm 2013 đạt 108 tỉ USD thì khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 72,1 tỉ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 35,9 tỉ USD.

Xuất khẩu VN vẫn tăng trưởng đều đặn mỗi năm, nhưng khoảng cách giữa xuất khẩu khu vực trong nước và nước ngoài không ngừng nới rộng.

Cụ thể, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỉ USD nhưng đóng góp của khu vực kinh tế trong nước chỉ là 42,3 tỉ USD, phần lớn còn lại là của các DN FDI với 72,3 tỉ USD. Sự chênh lệch lớn này được nới rộng khi kinh tế trong nước "ngấm đòn" khủng hoảng bởi trước đó, năm 2010 và 2009, tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước và DN FDI khá cân bằng. Nhưng đến năm 2012 thì các DN trong nước đã thực sự teo tóp. Từ chỗ tăng trưởng xuất khẩu 22,7% vào năm 2011 đã xuống chỉ còn 1,3% năm 2012 và 3% trong 10 tháng đầu năm nay. Xu hướng xuất khẩu của DN trong nước suy giảm xuống dưới 1 con số được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.

 

Chỉ riêng xuất khẩu của các nhà máy Samsung ở VN đã chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, bằng với xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông nghiệp cộng lại

TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Phần mềm chỉ hưởng... xương

Cách đây 15 năm, với lợi thế nhân công trẻ, rẻ và đông, VN đã từng đưa ra tham vọng sớm trở thành quốc gia có tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phần mềm của thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, chưa DN nào thoát khỏi chiếc áo gia công. Năm 2012, xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) của VN đạt 22,92 tỉ USD, cao hơn nhập khẩu đến 3,5 triệu USD nhưng ngay cả những người trong cuộc cũng thừa nhận, với công nghệ phần mềm, chúng ta mới chỉ hưởng phần xương khó nhai.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT, tập đoàn sản xuất phần mềm lớn nhất nước cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện số tiền FPT mang về thì IBM, Oracle đã thu lại 60% và tập đoàn này chỉ được hưởng “phần xương”. FPT hiện cũng mới chỉ mấp mé bước ra khỏi ngưỡng gia công và chập chững bước vào làm dịch vụ.

TMA, một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong lĩnh vực phần mềm, được thành lập từ năm 2001 thì đến nay, gia công vẫn là chiến lược chính của công ty. Ông Nguyễn Hữu Lệ, Tổng giám đốc TMA lý giải, thị trường nội địa còn quá nhỏ và luật bản quyền chưa được thực thi tốt thì rất khó để đầu tư làm sản phẩm riêng. Thứ nữa, nếu có sản phẩm rồi, chi phí để đi tìm khách hàng, tiếp thị có thể tốn gấp 3 lần chi phí làm ra sản phẩm, nếu thất bại coi như mất trắng. Trong tình hình như vậy, chọn gia công được coi là giải pháp an toàn cho DN.

TS Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phần mềm VietSoftware cho rằng, vai trò dẫn dắt của các công ty công nghệ phần mềm lớn là rất mờ nhạt do bế tắc chiến lược của ngành. Tại một diễn đàn cấp cao về CNTT diễn ra vào năm 2012, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn thừa nhận, VN thiếu tổng công trình sư cho các đại dự án CNTT.

Hầu hết các DN nuôi tham vọng phát triển phần mềm một cách độc lập đều cho rằng, họ đang thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước như DN các nước khác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, sự hỗ trợ của nhà nước ở VN đối với công nghiệp phần mềm đã đi chệch hướng. Chẳng hạn, giai đoạn từ năm 2000, chúng ta đã dành phần lớn tiền đầu tư cho việc xây dựng các khu công nghiệp phần mềm tập trung tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, ngoài Công viên phần mềm Quang Trung đã và đang hoạt động khá tốt, còn lại hầu hết đều được sử dụng không đúng công năng.

Giá gia công ngày càng rẻ mạt

Phụ thuộc lớn vào các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày và điều chúng ta nhận được là giá gia công ngày càng rẻ mạt. Phần "ngon" hơn, thuộc về khối DN ngoại.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Công ty may Sài Gòn (Garmex) phân tích, giá gia công hàng may mặc từ 10 năm nay tăng khoảng 20 - 30%, trong khi lương công nhân, các chi phí điện nước, xăng dầu đều tăng hơn 100%, nên coi như giá gia công đang giảm chứ không phải tăng. “Bỏ công nhiều, may số lượng nhiều nhưng để có lãi cũng rất hiếm hoi” - ông Hùng thừa nhận.

Sau nhiều năm gia công, cơ cấu ngành may gần như không thay đổi. Vẫn 70% là gia công cắt ráp thuần túy (CMT), 25% là FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công), 70% nguyên phụ liệu ngành may phải nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phải chi tiền mua nguyên phụ liệu trước, nếu có bất kỳ trục trặc nào trong quá trình làm và giao hàng, đối tác không chịu nhận vì giao trễ chẳng hạn, coi như DN tự lo đầu ra cho sản phẩm, hoặc chấp nhận hủy hợp đồng đưa hàng vào kho. Thế nên, làm hàng FOB dù lãi hơn nhưng không ít DN vẫn không mặn và lại quay về với gia công cho an toàn.

Ngành da giày cũng chịu cảnh gia công không khác gì dệt may. Ngay cả các DN FDI cũng gia công cho các hãng giày lớn thế giới như Adidas, Puma, Nike... 

Vinamit từng tự hào xuất khẩu bằng thương hiệu của mình và đã nhiều lần chiến thắng đối thủ làm giả tại Trung Quốc. Thế nhưng, DN này hiện đang làm gia công cho hai hệ thống siêu thị lớn là Big C và Co.opMart. Năm 2014, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, công ty sẽ gia công cho một DN đến từ Trung Quốc và hệ thống siêu thị Walmart của Mỹ.

Nguyên Nga - Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.