Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

23/12/2013 03:00 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914 - 1.1.2014), Thanh Niên xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về một góc đời bình dị sáng trong của vị Đại tướng cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ  - Ảnh: Tư liệu gia đình
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ  - Ảnh: Tư liệu gia đình

Tại ngôi nhà số 47 Phan Đình Phùng (Hà Nội) lưu giữ gần 50 bức thư mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết cho người vợ thương yêu của mình trong những năm tháng hoạt động xa nhà.

Những bức thư đến nay đã ố vàng, được những người con bọc trong album cẩn thận, trưng bày như một kỷ vật tại không gian lưu niệm.

Những lá thư của Đại tướng viết cho vợ và các con có thể được chia làm các thời kỳ: khi ông làm Bí thư Liên khu ủy Khu 4 (năm 1948 - đầu năm 1950), giai đoạn này có lẽ để giữ bí mật nên đôi khi trong thư, tên của vợ mình (bà Nguyễn Thị Cúc) được ông gọi là “Em Tâm” và ký dưới thư là Chính, Thao; giai đoạn khi ông ra Việt Bắc công tác ở Ban Tuyên huấn T.Ư, rồi chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (từ năm 1950). Sau đó, năm 1953, ông bị bệnh, được T.Ư và Bác Hồ cử sang Trung Quốc chữa bệnh. Đến năm 1962, do bị bệnh bà Nguyễn Thị Cúc cũng phải sang Trung Quốc chữa, vừa làm việc nước vừa chăm con. Thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi công tác Liên Xô (năm 1958 và 1960). Đặc biệt, thời gian ông được T.Ư và Bác Hồ cử vào lãnh đạo T.Ư Cục miền Nam từ năm 1964 -1967. Giai đoạn này những lá thư ông ký bí danh là Nam, còn vợ lại được đặt cho cái tên mới là Lý.

Lãng mạn và chung thủy

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ - bà Nguyễn Thị Cúc quen biết, yêu thương nhau trong thời gian họ hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Gia đình bà Cúc là một trong những gia đình trí thức Nho học tiến bộ có liên hệ với cụ Phan Bội Châu, thời gian quản thúc tại Huế. Bố bà Cúc là ông Nguyễn Hữu Hoàng (ở làng Nam Dương, nay là xã Quảng Vinh, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) mà người địa phương vẫn quen gọi là “Ông Ấm Hoàng”. Trong những năm 1937 - 1940, qua lời giới thiệu của nhà yêu nước Phan Bội Châu, gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng đã đón ông anh cả của Bác Hồ là Nguyễn Sinh Khiêm và chị của Bác là bà Nguyễn Thị Thanh về sống trong nhà cưu mang, giúp đỡ.

Từ tình cảm cùng chung chí hướng yêu nước và hoạt động cách mạng, đến năm 1946, hai người tổ chức lễ cưới ở làng Nam Dương. Con trai đầu lòng của Đại tướng là Trường Sơn sinh năm 1946 ở chiến khu Hòa Mỹ. Thời gian này do phải hoạt động gian khổ, nguy hiểm, con trai lại thường ốm đau nên hai vợ chồng đã gửi con về cho ông bà ngoại trông nom. Tuy nhiên, do bệnh tật và điều kiện quá khó khăn nên người con đầu đã mất khi ở với ông bà ngoại. Đến năm 1948, khi là Ủy viên T.Ư Đảng, được cử làm Bí thư Liên khu ủy Khu 4, vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra ở Nghệ An.

Trên đường đi công tác, Đại tướng dành cho người vợ yêu thương tình cảm lãng mạn khi mua tặng vợ một cây đàn mandoline. Bức thư được viết trên sổ công tác có in Tổng bộ Việt Minh, Liên khu 4, ngày…tháng… năm 1949.

Em Cúc

Anh đi lần này không phải mệt lắm, vẫn khỏe. Mình về đường cũng dễ đi không có gì vất vả và nguy hiểm. Mua cho Cúc cây đàn Mandoline kẻo Banjo đàn dở, nhất là phụ nữ. Nghe Chương nói Mandoline cách đánh cũng như Banjo thôi. Ngày về mong Cúc đánh được đàn cho anh nghe. Kính gởi lời thăm bà, má và hai em…

Ngày 3.9.1949, sau khi ra Việt Bắc được 5 hôm, ông đã viết thư về cho vợ, tâm sự về những người đồng hương đang công tác:

Việt Bắc ngày 3.9.1949

Em Tâm

Ra đến đây hôm nay là được 5 hôm có người tự vệ về Khu, Chính gởi thơ cho Tâm. Vẫn khỏe, Chương vì đi đường mang nặng nên bị mệt còn Chắt cũng thường. Hiện nay anh còn ở chỗ anh Tr. Ch. (Trường Chinh - NV) để nói chuyện. Đã đến thăm anh chị Kiệt và hai cháu, anh và chị Kiệt gầy hơn lúc trước, chị ấy vì có sốt nên xanh hơn.

Trong thời gian này đợi B.H. (Bác Hồ - NV) nên anh sẽ nhận công tác trong Tr.ư (Trung ương - NV), hiện nay đang còn bàn chuyện và đi thăm các anh em. Đã gặp Tố Hữu, rủi ro cho nó cũng như mình, vợ Tố Hữu có thai 3 tháng bị té lúc đi đường nên bị sẩy thai. Anh kiếm sách học gởi về cho Tâm, lần này chắc Tâm tha hồ học. Chính dặn Tâm nên giữ gìn sức khỏe nhé, đã đàn khá chưa… Anh hằng lo cho sức khỏe của Tâm lắm, bữa ra đi có dặn dò và có nói anh Hạnh đưa thuốc cho Tâm. Không biết đã đưa chưa và Tâm đã chích thuốc ấy chưa. Thỉnh thoảng ăn uống cho kha khá một chút, và nhất là đừng quá gắng sức mà kiệt đi sau không gượng và theo đời nổi. Thấy Tâm siêng học anh rất mừng song chỉ ngại là sợ ốm thôi.

Việt Bắc đang tích cực chuẩn bị thu đông, nhiều chuyện cũng oanh liệt lắm. Ở đây sẽ học hỏi được thêm nhiều.

Gởi Tâm con dao nhỏ làm quà nhé.

Chúc Tâm khỏe

Thân mến

(P/S:) Tâm nhớ gởi thơ cho anh cho dài nhé và thường gởi nhé.

Chính

Tình yêu dành cho người vợ nhiều đến mức, trong một bức thư khác ghi ngày 23.7.1950, ông đã viết: “Cúc này, anh mong thơ Cúc cứ hỏi Chắt, sao Cúc không gửi thơ? Chúng nó bảo có lẽ bị thất lạc. Anh không tin thế. Anh đã gửi ít nhất là 8 lá thơ rồi. Lần này nhận được chỉ mấy hàng chữ của Cúc, đang đau mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được… Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh, cứ ngủ là mơ thấy Cúc và con... Cúc luôn gửi thơ cho anh là anh vui đấy nhé. Anh không giận Cúc đâu. Hôn Cúc và con”.

Bùi Ngọc Long
(Còn tiếp)

>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội LHTN VN đón nhận tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Thăm nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Dâng hoa tại tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.