Trùng tu ẩu đe dọa chùa hơn 400 tuổi

17/07/2014 09:00 GMT+7

Việc hạ giải chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội), công đoạn đầu của trùng tu đã diễn ra như phá.

Việc hạ giải chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội), công đoạn đầu của trùng tu đã diễn ra như phá.

Tượng quý để trong gian nhà không khóa



Ngang nhiên xây trái phép một công trình mới trong di tích


Gạch bó nền quý bị vỡ do hạ giải không đúng cách - Ảnh: Trinh Nguyễn

Nguy cơ mất trộm tượng quý

Sáng 16.7, khi nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế có mặt tại chùa Sổ - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở H.Thanh Oai thì rất nhiều tượng quý đang được tập kết ở đó, lúc gian chính của chùa được hạ giải để trùng tu. “Đây là rồng thời Mạc”, ông Thế cho biết khi chỉ vào hoa văn trên áo của một pho tượng cổ. Như vậy, bức tượng đã hơn 4 thế kỷ. Tượng quý xếp ken sát nhau trong gian nhà hơn chục mét vuông, cửa gỗ yếu ớt, hoàn toàn không khóa.

“Miếng mồi ngon cho trộm đồ thờ mà nhiều người vẫn gọi là dân “nhảy tượng”, một nhà nghiên cứu mỹ thuật cho biết. Cũng theo ông, cách đây vài hôm, ông đã xuống tận nơi, cũng vào xem tận mặt tượng mà không có một cản trở nào. Một sự bảo quản dễ dãi đến đáng lo ngại. Cũng phải nói thêm, các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao giá trị mỹ thuật của hệ thống tượng cổ ở đây.

Nhưng ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước, H.Thanh Oai thì không nghĩ như vậy. Ông rất yên tâm rằng tượng quý đã được cất kỹ lưỡng, an toàn. “Pho tượng nguyên bản của di tích đã được bảo quản ở một nơi an toàn”, ông nói. Dường như, ông Toàn không ý thức rõ ràng về việc các pho tượng trong chùa Sổ vô cùng quý hiếm, cũng như khả năng mất cắp tượng rất cao.

Cũng như thế, phía ngoài sân chùa, một hương án từ thế kỷ 17 đã vỡ thành nhiều mảnh, mảnh nhỏ nhất chừng bằng bàn tay. “Một hương án rất đẹp. Số hương án của thời kỳ đó còn lại hiện không nhiều”, ông Nguyễn Đức Bình - một nhà nghiên cứu mỹ thuật khác nhận xét.

Gạch ngói sau hạ giải cũng ngổn ngang. Những viên gạch bó nền của hậu cung đã sứt ngang mẻ dọc vì không được che chắn. “Đây là những viên gạch thời Mạc, đã hơn 400 tuổi rồi”, ông Nguyễn Hoài Nam, một người say mê mỹ thuật cổ cho biết. Tất cả những đổ vỡ đó càng rõ hơn dưới ánh sáng ban ngày. Cho tới sáng 16.7 vẫn chưa có mái che tại khu vực đã hạ giải, chỉ có mái ở khu vực để các cấu kiện đã dỡ.

Thi công sai, đầu tư bớt, giám sát lơ là

Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Minh Khang, chuyên viên Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL đánh giá cả việc hạ giải lẫn tổ chức công trường như thế này trái với nguyên tắc về trùng tu di tích. “Thứ nhất, bằng văn bản, chúng tôi yêu cầu có tất cả các phương án về bao che,  bảo quản. Ở đây không có phương án bao che. Thứ hai, phải có biện pháp bảo vệ móng gạch, bó nền của hậu cung. Không thể để gạch ngói rơi vỡ xuống sứt mẻ các cấu kiện gỗ, trong khi chúng tôi đã yêu cầu phải thận trọng để bảo vệ. Thứ ba, phải bảo quản hiện vật nội thất như tượng, hương án, hoành phi câu đối. Hiện vật đã hạ giải cũng phải khoa học chứ không thể để vô tội vạ thế này”, ông Khang phân tích.

Về việc không có nhà bao che di tích, ông Dương Văn Hoàng, đơn vị thi công thuộc Công ty cổ phần xây dựng số 10 cho biết phía ông cũng đề nghị song trong gói thầu phê duyệt không có nhà bao che. “Trong gói thầu không có. Sau đó Sở VH-TT-DL về kiểm tra, yêu cầu huyện phải lập ngay nhà bao che. Chiều nay (16.7), huyện có văn bản đề nghị dựng nhà bao che”, ông Hoàng xác nhận. Khi thi công không có nhà bao che, bản thân đơn vị của ông đã vi phạm luật Di sản. Trong khi đó, để có được quyền trùng tu di tích, các đơn vị trùng tu phải bảo đảm hiểu biết quy định của luật này.

Ông Nguyễn Văn Hùy (Ban Quản lý dự án trùng tu) cho biết cơ quan giám sát thi công là Công ty phát triển đô thị của Trường ĐH Kiến trúc. Những gì tại hiện trường cho thấy công ty này đã không hoàn thành nhiệm vụ giám sát của mình.

Trước vi phạm chồng vi phạm tại chùa Sổ, đại diện Cục Di sản yêu cầu phải đình chỉ việc xây kiến trúc mới cũng như đình chỉ thi công trùng tu. “Tuy nhiên, phải bổ sung tất cả phương án bao che, bảo quản cấu kiện. Tất cả những gì đã rơi vỡ kia phải được dọn dẹp sạch sẽ, phải đảm bảo hết sức cẩn thận để không ảnh hưởng đến cấu kiện gốc của di tích”, ông Khang nói.

Đại diện Thanh tra Bộ VH-TT-DL là ông Vũ Quốc Hiệp cũng yêu cầu đình chỉ thi công. Sau đó đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, chủ tịch xã mang hồ sơ liên quan lên làm việc với Thanh tra bộ. Thanh tra sẽ trực tiếp kiểm tra toàn bộ hồ sơ để đưa ra kết luận.

Bị đình chỉ vẫn cố ý xây thêm Lầu bát giác

Ngoài việc trùng tu sai pháp luật, tại chùa Sổ còn có một công trình kiến trúc đang được xây mới với độ cao khoảng 3,5 m. Theo ông Nguyễn Minh Khang, công trình này nằm ngay trong khu vực bảo vệ 1 của di tích. Việc xây dựng phát sinh này hoàn toàn không có ý kiến đồng ý của Bộ VH-TT-DL. Trước đó, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã xuống kiểm tra và yêu cầu đình chỉ thi công với tòa lầu bát giác này. Tuy nhiên, sáng 16.7, công nhân vẫn trèo lên mái lầu và tiếp tục công việc của mình.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết đây là hạng mục mới do nhân dân địa phương tự làm, không theo chỉ đạo của ai. Đó là do cá nhân tự nguyện công đức, không liên quan đến gói thầu trùng tu chùa Sổ. Việc này do thôn và nhà chùa tiếp nhận nhưng không báo cáo lên xã.

Trinh Nguyễn

>> Trùng tu… phá đình Quang Húc
>> Lấy ý kiến trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần? - Kỳ 2: Làm rõ thái độ 'bình chân như vại
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần ?
>> Nhà cổ Hội An bị mối tấn công sau trùng tu
>> “Trùng tu văng mạng, tôn tạo quá tay”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.