Trùng tu như phá

19/07/2014 01:55 GMT+7

Nhìn những đống ngói vỡ ở chùa Sổ (H.Thanh Oai, Hà Nội), chuyên viên Bộ VH-TT-DL chỉ biết thở dài. Hiện trạng đống ngói giống hệt như ở đình Tiên Canh khi đơn vị trùng tu thản nhiên cho người dùng cào cào ngói xuống cho mau lẹ. Trong khi nguyên tắc trùng tu quy định phải dỡ ngói từng viên và chuyền tay nhau chuyển xuống, phân loại, trước khi quyết định có tái sử dụng hay không.

>> Trùng tu ẩu đe dọa chùa hơn 400 tuổi

Nguyên tắc này nằm trong chương trình đào tạo để cá nhân lấy chứng chỉ, đơn vị lấy giấy phép trùng tu di tích. Theo luật, mọi cá nhân, tổ chức trùng tu buộc phải biết điều đó.

Ngay từ năm ngoái, khi Cục Di sản buộc cá nhân, tổ chức phải có chứng chỉ mới được tham gia trùng tu đã có ý kiến lo ngại sự hình thức của công tác này. Việc trùng tu như phá của các đơn vị được cấp phép trùng tu ở nhiều nơi cho thấy nghi ngờ này đã thành sự thật.

Đáng ngại hơn, hiện các chế tài đang quá bất cập. Nghị định 158 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL chỉ cho phép mức phạt bằng tiền cao nhất với việc xâm hại di tích là 35 triệu đồng. Trong khi đó, theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính, đầu tư tối thiểu cho một dự án trùng tu đình, chùa thường cũng vào khoảng 10 - 20  tỉ đồng. Việc “tiết kiệm” công sức bằng cách thuê nhân công rẻ không chuyên môn, ăn bớt quy trình có thể giúp nhà thầu dôi ra bộn tiền.

Trong khi hình phạt chính bằng tiền chỉ như gãi ngứa, thì hình phạt bổ sung “trả lại nguyên trạng ban đầu” lại không phải lúc nào cũng làm được. Ai cứu được những mảng chạm đã tan nát, những cấu kiện gỗ bị chẻ làm củi, những đồ thờ biến dạng không thể phục hồi? Vì thế, khi xâm hại xảy ra, di tích như người đã chết không thể sống lại. Chính vì vậy, những hình phạt bổ sung đánh thẳng vào quyền được tiếp tục trùng tu mới là điều doanh nghiệp sợ. Nhưng điều này, theo luật hiện nay, không có. Người trùng tu sai rồi lại tiếp tục đi... trùng tu nguệch ngoạc ở nơi khác.

Một thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết vẫn còn giữ bản sao đóng góp Nghị định 158. Theo đó, ông đề nghị phải có hình phạt rút phép không cho tiếp tục trùng tu với các trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, điều này sau đó đã không được phê duyệt do đề nghị của một bộ khác. Hiện trạng luật hở toang hoác như vậy khiến các doanh nghiệp có thể tiếp tục làm ẩu mà không hề hấn gì. Và Cục Di sản lẫn thanh tra thường xuyên phải chạy theo đuôi các dự án trùng tu như phá. Tất nhiên, khi họ xuất hiện thì di tích hầu như đã thành phế tích.

Chính vì thế, ngay lập tức, ngành văn hóa nên phối hợp, đề nghị các chủ đầu tư phế bỏ đối tác không đủ chuyên môn, rồi chọn đối tác khác. Điều này - một hợp đồng kinh tế lại cho phép. Như thế mới tránh được tình trạng nhờn thanh tra, nhờn Bộ VH-TT-DL, nhờn luật trong công tác trùng tu. Thực tế là, đang rất cần “án điểm” làm gương cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân làm trùng tu biết, từ đó không dám tiếp tục làm ẩu. Mặt khác, cần xử lý kỷ luật cá nhân một số vị trí quản lý di tích khi để xảy ra tình trạng trùng tu như phá, xâm hại đến di tích như đã từng xảy ra nhiều trường hợp trong thời gian qua.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.