Từ Đài Loan, trà sữa chinh phục người trẻ Sài Gòn thật ngoạn mục

09/12/2016 08:00 GMT+7

Có nguồn gốc từ Đài Loan, trà sữa vượt biên giới để trở thành một trong những thức uống phổ biến trên toàn thế giới.

 
Xiêu lòng vì… trà sữaẢnh: Shutterstock 
Nổi tiếng như trà Đài Loan
Cách đây khoảng chục năm, trà sữa bắt đầu thịnh hành ở Sài Gòn. Các quán trà như Feeling Tea, Hoa Hướng Dương... đều nhỏ nhỏ xinh xinh, trang trí bắt mắt theo kiểu dành cho sinh viên - học sinh, dăm ba cái bàn gỗ nhỏ trong một không gian nhỏ nhắn vì phần lớn là bán mang đi. Trà sữa Đài Loan có hương vị rất đậm đà, thơm ngát hương trà quyện với vị béo ngậy của sữa.
Vài năm gần đây, khi thị trường trà sữa trân châu gần như bão hòa thì xuất hiện vài tên tuổi mới như trà Ding Tea, Tiên Hưởng, Gong Cha... với cách thưởng thức ly trà có nhiều thay đổi. Ding Tea có mặt ở Việt Nam từ năm 2013 và là một trong những nhãn trà sữa được giới trẻ yêu thích vì hãng cam kết chỉ dùng nguyên liệu cao cấp, được đặt sản xuất riêng và không bán ra thị trường bên ngoài.
Trà sữa Tiên Hưởng đã trở nên quá quen thuộc với những người yêu thích món này tại Sài Gòn. Nằm ngay trên những con đường tấp nập và đông đúc, trà sữa Tiên Hưởng phục vụ với menu khoảng 200 món bao gồm các loại trà, nước trái cây và các món kem tuyết thanh mát. Nét đặc trưng của thương hiệu này là chỉ khi nào khách gọi món thì trà mới được pha, ngoài ra khách hàng còn có thể yêu cầu nhân viên tùy chỉnh lượng đường, đá phù hợp với sở thích để mọi tinh chất tươi ngon của trà được giữ nguyên vẹn.
Món nước uống được yêu thích nhất của quán là trà xanh đậu đỏ Nhật Bản, trà sữa Tiên Hưởng, trà ô long, trà A Li Shan... Nếu thích sự mới lạ, khách hàng có thể thử những ly trà sữa trái cây với nhiều màu sắc lẫn mùi vị khác nhau.
Xiêu lòng vì… trà sữa 1
Minh Khang (học sinh lớp 8 Trường Trần Đại Nghĩa) là một trong những tín đồ của trà sữa. Với cậu, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi được mẹ tấp vào quán trà sữa, gọi một ly mang đi. Cậu thích trà sữa pudding vì ngoài được thưởng thức ly trà thơm béo ngậy, cảm giác miếng pudding tan lẫn trong miệng thật khoan khoái. Với cậu, chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng là cách để “nạp năng lượng” sau một ngày dài mệt nhoài với bài vở ở trường.
Một cái tên khác phải kể đến chính là Gong Cha. Gong Cha theo nghĩa tiếng Hoa là Trà cung đình. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006, số lượng chuỗi cửa hàng Gong Cha ở hơn 10 quốc gia, đã tăng lên đến 1.000 cửa hàng và vẫn tiếp tục mở rộng không ngừng.
Điểm khác biệt lớn nhất của trà sữa Gong Cha là ngay khi hớp một ngụm nhỏ, sẽ cảm nhận ngay hương trà Olong, trà Alisan hay trà đen, trà xanh nguyên chất cùng lớp kem sữa mềm mịn tan dần trong miệng. Món trà ngay lập tức có chỗ đứng trong giới văn phòng vì chất lượng, cung cách phục vụ hợp lý.
Mai Anh (nhân viên văn phòng tại Q.1, TP.HCM) cho biết: “Gong Cha là một trong những quán trà sữa ngon nhất mình từng uống. Giá hơi cao tí. Mình hay đặt qua Delivery Now. Dịch vụ này rất tốt. Quán có nhiều chi nhánh và menu cũng phong phú. Hãy thử qua món Alisan milkfoam trân châu trắng. Trà thơm, vị ngọt với lớp kem béo ngậy và hạt trân châu giòn sần sật thì dù có buồn tới đâu mà uống vào là cũng tiêu tan. Lớp milkfoam của Gong Cha thì có vị mằn mặn rất lạ”.
Xiêu lòng vì… trà sữa 2
Trổ tài trà sữa homemade
Chị Phương Nga, chủ cửa hàng Bé Sữa ở TP.HCM chia sẻ công thức pha một ly trà sữa đậm vị, thơm ngon. Trà trân châu là trà pha đường, sữa và có sử dụng hương liệu nếu thích. Trà uống nóng hoặc lạnh. Trà được lắc kỹ, tạo ra các bong bóng nhỏ, đó là điểm đặc trưng của thức uống này. Cách pha trà trân châu mỗi nơi mỗi khác.
Trà thường được pha bằng trà đen hoặc trà xanh nóng, rồi đem lắc trong hộp lắc cocktail hoặc được trộn trong dụng cụ trộn với đá cho tới khi trà lạnh. Ngoài ra, có thể thêm hương liệu vào trà trân châu bằng dạng bột, nước trái cây, dạng bột nhão hoặc si rô với nhiều mùi hương trái cây hay sô cô la…
Cách pha chế: dùng 30 - 50 gr trà đen, pha với 1 lít nước sôi, để 15 phút cho trà tan, lọc bỏ xác. Cho nước trà vô nồi, cho vào 1 lít sữa tươi không đường, 300 gr sữa đặc bắc lên bếp khuấy lửa nhỏ cho sữa đặc tan hết. Nếu có nhiệt kế thì khi nào đến mức 85oC thì tắt lửa. Thêm đường nếu uống ngọt.
Tiếp đó là làm hạt trân châu. Hạt trân châu được làm từ củ sắn, đun sôi khoảng 30 phút cho tới khi chín hoàn toàn, nhưng vẫn còn độ dẻo, khi đó hạt nở ra, rồi làm lạnh trong khoảng 30 phút. Sau khi để ráo nước, hạt trân châu được cho vào nước đường hay mật ong để sẵn. Sau khi nấu có thể để được 7 giờ ở nhiệt độ phòng.
Các loại nguyên liệu đều có thể mua tại cửa hàng Phương Hà, Cường Dung hoặc Ân Nam (Q.1, TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.