Bài dự thi cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y”: Chiếc 'đèn Blouse' đêm biển động

22/07/2016 13:00 GMT+7

Với tâm nguyện ngày Mẹ ANH bước vào cõi vô định: “Có làm gì đi nữa cũng ráng cứu người cho đến giây cuối nghe con.

Cứu một người phúc đẳng hà sa đó con !”, ANH đã đi một chặng đường năm năm bốn tháng hai mươi ngày sáu giờ trên một làng biển xa của tỉnh Khánh Hòa: Bãi Giếng.
Làng chài Bãi Giếng nằm trên Vịnh Vân Phong thuộc thôn đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách xa đất liền khoảng 3 giờ đi bằng thuyền máy. Và ANH đã đăng ký xa gia đình, xa hai đứa con nhỏ để thể hiện ước nguyện của đấng sinh thành trên mảnh đất chỉ cách Mũi Đôi - Hòn Đầu, nơi đón ánh mặt trời sớm nhất Việt Nam một giờ đường biển.
Năm năm bốn tháng hai mươi ngày sáu giờ không thật là dài đối với một đời người nhưng cũng không phải là ngắn đối với tuổi nghề của một Y sĩ như ANH. Đây là quãng thời gian đáng nhớ nhất của ANH. Làm sao ANH có thể quên được những bàn tay chai sần vì kéo lưới ra khơi ra lộng đã đến để gọi ANH chia sẻ những lo lắng của họ bằng những ngôn từ đời thường mộc mạc.
Và đó cũng chính là nguyên do để ANH không bao giờ quên cái khoảnh khắc đầy kịch tính của nghề y. Ca bệnh của chú Sáu đã được ANH điều trị hai ngày, nhưng chưa có dấu hiệu giảm. Trời mùa đông buông nhanh bằng hàng ngàn cột mây vần vũ trên biển. Đang nấu chút cơm vừa sôi, bỗng ANH nghe ngoài rào:
- Bác sĩ quơi (ơi!) ba con làm sao á. Ổng mệt lắm Bác sĩ quơi!
Chân thấp chân cao, ANH và cô gái băng nhanh qua mấy con ngõ đầy cát để đến nhà bệnh nhân. Thấy tình hình không ổn, ANH nói với gia đình: “Đưa vào bệnh viện gấp! Còn ghe nào ở làng chưa đi khơi không?” ANH nhìn đồng hồ và giật mình bởi đã hơn 20 giờ, biển ngoài kia thì gào thét ầm ào. Bà con làng biển thương nhau hết mình nhưng cũng lắc đầu chịu vì cả làng chỉ còn mỗi con thuyền của nhà bà Bảy Cảnh là ở nhà, nhưng ngặt nỗi là nó đang ở tình trạng rệu rã. ANH quyết định: “Cứ lên ghe! Còn nước còn tát!” Con thuyền rùng mình run rẩy nhả khói trong ánh đèn pin của bà con khiêng cái võng đưa bệnh nhân xuống bến. ANH cảm thấy lạnh toát vì chưa bao giờ ANH đưa bệnh nhân đi trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy. Hai bác tài công già oằn mình nắm lái vì sóng chồm lên thụt xuống như muốn quăng cả con thuyền vào màn đêm bí ẩn. Vì đang ở trong tình trạng chờ sửa chữa nên con thuyền không có đèn. Chiếc đèn bão treo ở đầu mũi không đủ sức chịu đựng lắc như chong chóng. ANH bắt mạch liên tục cho bệnh nhân rồi gồng mình nắm chặt cây đèn pin như bấu vào một chiếc phao cứu sinh. Sóng đánh mạnh làm văng từng cột nước vào khoang thuyền. ANH chồm người qua che bớt từng vạt nước mặn chát, không để bệnh nhân ướt lạnh. Chiếc áo Blouse của ANH sũng nước. Mặc! ANH gào ra sau phía lái “Bác Chín! Cố hết ga lên!”. Ở phía đất liền, lờ mờ hiện ra quầng sáng. Chưa kịp mừng thì chiếc đèn bão đánh bật rơi tòm xuống biển. Con thuyền và biển đêm hòa quyện làm một. ANH hét lớn: “Bác Chín giữ lái. Bác Bảy che chắn cho chú Sáu khỏi ướt. Con ra trước rọi đèn”.
Tôi không có mặt trong khoảnh khắc vô cùng kịch tính đó. Sau này khi ra thăm ANH, tôi nghe hai bác tài công bất đắc dĩ kể lại. Nhưng hình ảnh ANH gồng chân đứng trước mũi thuyền, rọi ngược vệt đèn pin vào chiếc áo Blouse để con thuyền rõ đường oằn mình trườn trên sóng đã vẽ nên một hình ảnh lay động tình người!
Con thuyền cập đất liền khi đồng hồ chỉ gần 23 giờ. Quãng đường từ bến lên đến trung tâm y tế huyện khoảng chừng hơn 300 mét, đêm ấy đã chứng kiến hai bác tài công già lúp xúp khiêng võng và ANH vừa chạy theo vừa ghé tay thăm mạch cho bệnh nhân.
Cho đến bây giờ, ANH vẫn tâm sự: “đó là cái đêm dài nhất trong cuộc đời của mình, may mà cứu được!”
Cả nhà ANH hiện nay cùng làm nghề y. Cả cô con dâu cũng nghe không biết bao nhiêu lần lời căn dặn của ANH trong từng bữa cơm: “Làm nghề này thì đừng nghĩ đến tiền. Phải nghĩ đến mạng sống của con người trước nghen con!”.
Bạn đọc muốn về Vạn Giã để đi Điệp Sơn - con đường thủy đạo đẹp như tranh vẽ trên biển - hoặc làm một chuyến phượt ra Mũi Đôi - Hòn Đầu để đón ánh bình minh sớm nhất nước trên vùng biển của Tổ quốc, hãy ghé đến trạm xá thị trấn Vạn Giã để trò chuyện cùng ANH - Y SĨ ĐỖ LÊ BÁU - Nghe ANH kể quãng thời gian năm năm bốn tháng hai mươi ngày làm việc và sáu giờ tính bằng hai vòng từ đất liền ra làng đảo!
Mời bạn đọc viết bài tham dự cuộc thi “Khoảnh khắc nghề y” do Báo Thanh Niên phối hợp với công ty Media One Sài Gòn tổ chức với tổng giải thưởng lên tới 28 triệu đồng, cuộc thi do DHG Pharma tài trợ. Bài dự thi xin gửi về Báo Thanh Niên, số 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM hoặc qua email: khoanhkhacnghey@thanhnien.vn. Cuộc thi là nơi để bạn đọc bày tỏ tình cảm, kỉ niệm tốt đẹp với đội ngũ y bác sĩ, những người tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. Đây cũng là dịp để cán bộ trong ngành bày tỏ tâm tư, tình cảm, những khoảnh khắc không thể nào quên trong nghề. Tương tác nhanh hơn với chương trình qua fanpage https://www.facebook.com/DacNhiemBlouseTrang/

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.