Cách nhận biết thai ngoài tử cung

20/02/2017 10:22 GMT+7

Theo thống kê của Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2016, mỗi tháng trung bình có từ 8 - 10 trường hợp nhập viện do thai ngoài tử cung.

Điều đáng lưu ý, người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng điển hình của thai ngoài tử cung nên dễ bị nhầm lẫn với các điều kiện sinh lý bình thường. Do đó, nếu chủ quan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Coi chừng khi mắc tiểu liên tục
Một buổi sáng tháng 10, trên đường đến công ty làm việc, thấy vùng bụng dưới nặng tức một cách khó chịu kèm theo cảm giác hoa mắt, chóng mặt, chị L.C (32 tuổi, ngụ TP.HCM) bèn chạy thẳng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Nói với bác sĩ, chị C. cho biết mình tiểu gắt và nặng tức vùng bụng dưới từ ngày hôm trước. Sáng hôm sau, triệu chứng không thuyên giảm mà còn xuất hiện choáng váng, muốn xỉu. Chị C. kể: “Tôi đang trong chu kỳ kinh nhưng lần này sao thấy tiểu khó quá, cứ mắc tiểu phải đi liên tục làm gián đoạn cả buổi họp chiều qua”. Theo lời người bạn, buổi chiều khi đi làm về, chị ghé nhà thuốc tây mua thuốc trị nhiễm trùng tiểu nhưng thấy bệnh tình có vẻ trầm trọng hơn. Qua thăm khám nhanh tại khoa cấp cứu, các bác sĩ nghi ngờ chị C. bị thai ngoài tử cung, có khả năng khối thai đã vỡ trong ổ bụng làm máu ứ đọng, kích thích đường tiểu, gây các triệu chứng giống nhiễm trùng đường tiểu. Đồng thời, máu chảy vào ổ bụng nhiều gây tụt huyết áp, thiếu máu lên não làm chị choáng váng và muốn xỉu. Ê kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành truyền dịch, thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm chẩn đoán. Chưa đầy 20 phút sau, khi người nhà còn chưa kịp đến, chị đã được chuyển khẩn cấp lên phòng mổ. Chẩn đoán của phẫu thuật cấp cứu là thai ngoài tử cung vỡ. Người bệnh được các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản của Bệnh viện Đại học Y Dược phẫu thuật nội soi cầm máu.

tin liên quan

Thai phụ nên cẩn trọng với cam thảo
Nghiên cứu mới của Đại học Helsinki (Phần Lan) cảnh báo thai phụ nên tránh dùng cam thảo (ảnh) nếu không muốn sức khỏe thai nhi gặp vấn đề trong dài hạn sau khi chào đời. 

Trường hợp chị C. là một trong nhiều tình huống thường gặp mà khoa cấp cứu tiếp nhận và xử trí hằng ngày. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận chẩn đoán và phẫu thuật khoảng 8 - 10 trường hợp tương tự.
Trở lại trường hợp chị C., bác sĩ Hậu cho biết việc ra huyết như hành kinh là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn nhất, khiến người bệnh mất cảnh giác, nên chậm trễ đến khám và nhập viện. Ba triệu chứng đồng thời là trễ kinh, đau bụng và ra huyết do thai ngoài tử cung không phải lúc nào cũng biểu hiện đầy đủ và rõ ràng ở người bệnh. Thông thường, chị em cũng khó nhớ rõ nếu chỉ trễ kinh vài ngày. Đặc biệt sau đó xuất hiện xuất huyết rỉ rả, điều này càng làm cho chị em chủ quan hơn vì cứ nghĩ đang trong chu kỳ của mình.

Tác hại của nạo phá thai và viên uống khẩn cấp
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài buồng tử cung, thường gặp ở vị trí vòi trứng và có khi ngay cả trong ổ bụng. Thông thường thai ngoài tử cung xảy ra khi có sự cản trở trứng thụ tinh từ vòi trứng vào buồng tử cung làm tổ. Tình trạng này thường do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, khối u chèn ép vòi trứng hoặc nạo phá thai nhiều lần hay thường xuyên dùng các loại viên tránh thai khẩn cấp.
Theo sự diễn biến sinh lý tự nhiên, việc phát triển của khối thai làm tăng lượng máu nuôi đến vùng chậu giúp khối thai phát triển tốt. Nhưng nếu thai nằm ngoài buồng tử cung, sự phát triển mạch máu này trở nên bất lợi khi khối thai vỡ ra gây mất máu nhanh chóng, làm tụt huyết áp trầm trọng, choáng váng, ngất xỉu. Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu, người bệnh có thể rơi vào hôn mê, suy chức năng tất cả các cơ quan trong cơ thể và tử vong.

Dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa
Việc xuất hiện các triệu chứng mót tiểu, tiểu gắt, rối loạn tiêu hóa do triệu chứng của thai hành, kích thước khối thai cũng như máu trong ổ bụng khi khối thai vỡ làm kích thích bàng quang, kích thích đường ruột nên dễ gây nhằm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, đường tiết niệu, thậm chí cũng dễ nhằm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm vùng chậu…Việc chủ quan của người bệnh và sự sơ sài trong quá trình thăm khám sẽ dễ bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.
Theo PGS-TS-BS Ngô Thị Kim Phụng - Phụ trách phòng khám khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thai ngoài tử cung là một cấp cứu sản phụ khoa khẩn cấp, thời gian tính bằng phút, bằng giờ. Chính vì vậy, người bệnh cần để ý các triệu chứng sớm và đến các cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán và phẫu thuật để giúp cho việc tiên lượng tốt hơn, thậm chí có thể được điều trị nội khoa mà không cần phẫu thuật giúp bảo tồn khả năng sinh sản về sau.
Đây là một bệnh lý không tránh được nhưng không phải không có cách phòng ngừa. Việc tuân thủ tốt những lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp chị em hạn chế đáng kể sự xuất hiện của bệnh lý này như khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm không gây triệu chứng; phụ nữ tuổi sinh đẻ cần tư vấn các biện pháp ngừa thai hợp lý như: thuốc ngừa thai uống hằng ngày, bao cao su, dụng cụ tránh thai…tránh để mang thai ngoài ý muốn, sau đó phải nạo phá thai nhiều lần; đồng thời cũng cần tư vấn sử dụng các viên tránh thai khẩn cấp một cách hợp lý, tránh tự ý dùng nhiều lần. Khi thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn triệu chứng đường tiết niệu trong lúc ra huyết, hành kinh, hay trễ kinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, bác sĩ Kim Phụng khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.