Đổ bệnh vì men tiêu hóa

03/03/2017 10:07 GMT+7

Trẻ biếng ăn là câu chuyện muôn thuở của các bà mẹ bỉm sữa. Để giúp con ăn nhiều, ăn ngon miệng, nhiều phụ huynh tự ý cho trẻ uống men tiêu hóa.

Uống lâu rồi ghiền, không có men tiêu hóa trẻ không chịu ăn cơm. Phụ huynh thấy vậy lại tiếp tục bổ sung men tiêu hóa và vô tình tạo thành một vòng luẩn quẩn mà người chịu tác hại chính là trẻ nhỏ.
Lạm dụng rồi lệ thuộc
Men tiêu hóa hiện nay được sử dụng dưới ba dạng: thuốc, thực phẩm chức năng và trong bánh kẹo. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viên Nhi đồng 2 lý giải, men tiêu hóa là các loại men (enzyme) có trong nước bọt, dịch vị của dạ dày, men của tụy, men ruột... do cơ thể tiết ra để tiêu hóa chất bột đường, đạm, béo có trong thức ăn thành glucose, a xít amin, a xít béo... để hấp thu vào cơ thể. Nếu các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc có tình trạng giảm bài tiết các men tiêu hóa do bệnh lý, xảy ra khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, mắc các bệnh bẩm sinh như u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật... thì cơ thể bị thiếu các men tiêu hóa. Lúc này men tiêu hóa sẽ được chỉ định sử dụng để bổ sung.

Tuy nhiên, thời gian sử dụng men tiêu hóa và liều lượng tùy thuộc vào bệnh lý và mức độ thiếu men. Thông thường, mỗi đợt không quá 10 - 15 ngày, trừ khi có chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng. Nếu sức khỏe bệnh nhân đã bình thường, khả năng làm việc của các tuyến tiêu hóa đã phục hồi mà cứ sử dụng lâu dài sẽ làm các tuyến tiêu hóa trong cơ thể bị ức chế, giảm bài tiết và làm trẻ bị phụ thuộc vào men tiêu hóa. Ngoài ra, nếu trẻ tăng tiết a xít dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm tụy... mà phụ huynh còn bổ sung men tiêu hóa sẽ khiến thành ống tiêu hóa của trẻ dễ bị phá hủy hơn.
Men tiêu hóa trong bánh kẹo, thực phẩm thường có hàm lượng ít, tuy tác dụng gây hại cho trẻ không như thuốc, nhưng nếu lạm dụng cũng không tốt. Nếu dùng bánh kẹo có men kèm với bữa ăn lúc đầu giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, nhưng dùng thường xuyên có thể làm bé ghiền ăn bánh kẹo mà lại chê thức ăn chính. Ăn bánh kẹo ngọt còn là nguyên nhân gây sâu răng, bị tiêu hao can xi và vitamin B1, làm giảm sút khả năng chống chọi với bệnh tật... từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ. Điều này lý giải tại sao có người cho con dùng men tiêu hóa cả tháng trời mà con ngày càng suy nhược cơ thể.

tin liên quan

TP.HCM có thêm bệnh viện mới
Bệnh viện mới 7 tầng, được xây dựng trên khu đất 13.340 m2 đã được khánh thành tại quận Gò Vấp (TP.HCM) sáng nay 26.2.

Hiểu rõ trước khi sử dụng
Cần phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh sống hay vi khuẩn có lợi sống, giúp cân bằng hệ khuẩn ruột, tăng miễn dịch, giúp hệ tiêu hóa ổn định. Cả hai loại là men tiêu hóa nhưng công dụng và cách sử dụng hoàn toàn khác nhau. Men vi sinh có thể sử dụng kéo dài hơn nhưng cần cân nhắc hiệu quả so với tiền bạc và công sức bỏ ra, có nhiều loại vào đến dạ dày là đã chết sạch không còn con nào nên hiệu quả kém và làm bé sợ vì phải uống thuốc từ ngày này sang ngày khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, khi trẻ biếng ăn, phụ huynh hãy tìm hiểu nguyên nhân, có thể là do không hiểu tâm lý trẻ, ép buộc trẻ; sai lầm trong chế biến thức ăn như chỉ cho trẻ ăn cháo suốt; mắc bệnh lý suy dinh dưỡng (nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, bệnh lý răng miệng, loạn khuẩn ruột...); biếng ăn do thuốc, do bẩm sinh... Nếu thật sự do tiêu hóa, cần tham khảo ý kiến bác sĩ xem trẻ thiếu men gì để bổ sung cho phù hợp và chỉ dùng trong 7 - 10 ngày. Sau đó, khi trẻ ăn tốt, hệ tiêu hóa của cơ thể lại tiết ra men tiêu hóa thì nên dừng uống. Cần hạn chế tối đa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống men tiêu hóa vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, dễ gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ về sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.