Hóc kèn nhựa, bé trai ngưng tim ngưng thở

22/01/2019 17:33 GMT+7

Bé trai ngưng tim ngưng thở khi vừa tới cửa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

[VIDEO] Cứu bé trai thở ra tiếng kèn kêu do kẹt đồ chơi trong khí quản
Hôm nay (22.1), bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Bé trai (6 tuổi, ngụ Đồng Nai) vừa vào đến bệnh viện đã tím tái, thở rất mệt nên được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Đến cửa cấp cứu, bé ngưng tim ngưng thở.
Ba của bệnh nhi cho biết, đang chơi ở nhà thì đột nhiên bé ho sặc sụa, khó thở.
Các bác sĩ khẩn cấp nhồi tim hồi sức, giúp bé thở.
Sau khoảng 5 phút tích cực cấp cứu, tim bé đập lại, bé hồng hào hơn. Tuy nhiên khoảng 1 - 2 phút bé lại rơi vào tím tái, khó thở. Các bác sĩ cũng tiến hành thủ thuật Heimlich để tống dị vật ra ngoài cho bé nhưng không được.
Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, phát hiện dị vật nằm ngay giữa khí quản của bé nên đã đẩy dị vật sang một bên, giúp bé có thể thở, không để thiếu ô xy lên não. Bệnh nhi được cho hồi sức, thở máy, an thần giúp qua giai đoạn nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Sau đó, bé được chuyển lên Khoa Tai - Mũi - Họng để nội soi gắp dị vật.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), dị vật được gắp ra khỏi đường thở của bệnh nhi là phần lõi của chiếc kèn nhựa đồ chơi trẻ em. Sau thủ thuật một giờ, bé tự thở được, có thể rút nội khí quản.
Đến nay, bé hồi phục tốt, tỉnh táo và được xuất viện.
“Bệnh nhân vào viện trong tình trạng cực kỳ nặng là ngưng tim, ngưng thở. Đứa bé rất may mắn là đến bệnh viện vừa đúng lúc. Nếu trễ chỉ cần 5 phút thôi thì sẽ rất khó khăn để cứu sống trẻ và để lại di chứng não vì thiếu ô xy”, bác sĩ Phương đánh giá.
Bác sĩ Như cho biết, dị vật cây kèn khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là loại kèn nhựa gồm hai bộ phận thân kèn và đầu kèn. Vì trước khi thổi ra thì trẻ thường phải ngậm cây kèn hít mạnh vào để lấy hơi, khiến đầu kèn bị hút lọt vào đường thở.
Chữa qua nhiều trường hợp bị hóc dị vật ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ; tránh ép trẻ ăn, uống khi trẻ la khóc.
Thường trẻ bị hóc dị vật sẽ có biểu hiện đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khó thở.
Nếu trẻ vẫn hồng hào, thở được thì đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ thăm khám, lấy dị vật ra đúng cách.
Nếu trẻ tím tái, vẫn có thể tự thở được thì cần làm biện pháp Heimlich (vỗ lưng, ấn ngực) để tăng áp lực trong lồng ngực một cách đột ngột để tống dị vật ra ngoài.
Khi trẻ không thở được, tím tái phải nhấn tim kết hợp hà hơi thổi ngạt để cung cấp oxy cho trẻ, tránh thiếu ô xy não.
Gia đình phải làm đồng thời hai việc: vừa sơ cứu và gọi điện cấp cứu 115 để chuyển trẻ đến bệnh viện nhanh nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.