Nên chọn thức ăn và thức uống thế nào trong những ngày tết?

16/02/2018 17:00 GMT+7

Sau một năm dài làm việc cật lực, năm hết, Tết đến, bao nhiêu câu chuyện vui buồn mọi người đều muốn kể cho nhau nghe trong dịp này.

Tuy nhiên, nếu không biết tránh sự “quá độ” với các thức ăn “đặc biệt” của những ngày Tết cổ truyền, chúng ta sẽ gặp những bất an trước mắt về tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó chịu, tiêu chảy, và các bệnh về sau.
Theo phong tục - tập quán của dân tộc ta, vào những ngày Tết, nhà nào cũng có một nồi thịt kho, bánh chưng, thịt đông, giò lụa, nem rán, dưa kiệu, dưa giá, nước ngọt các loại, bia rượu… với nhiều bánh mứt.
Vì chợ sẽ nghỉ nhóm bán trong những ngày này, cho nên thức ăn thường phải được dự trữ nhiều ngày trong dịp Tết.
Do đó nếu ăn thiếu chất tươi, chúng ta rất dễ gặp cảm giác mệt mỏi uể oải, khó chịu nhất là thời tiết vùng nhiệt đới của nước ta.
Trước hết chúng ta trở lại ba buổi ăn chuẩn hằng ngày của một công nhân viên hoặc với một doanh nhân bề bộn với khối lượng công việc trong ngày.
Để cho một ngày làm việc hiệu quả, chúng ta cần: Buổi sáng nên ăn đầy đủ chất; buổi ăn trưa nên ăn các thức ăn vừa và nhẹ; buổi ăn chiều nên ăn nhẹ, tránh dầu mỡ, nhiều chất béo nhiều chất đạm (khiến cho khó tiêu, giấc ngủ của chúng ta không sâu, không đạt hiệu quả cho não bộ).
Thật ra, trong suốt một năm, chúng ta cũng thường có những bữa “tiệc ăn uống” kết hợp với giao dịch, bàn bạc công việc làm ăn… nghĩa là cũng có các bữa ăn nhiều uống nhiều… tựa như ngày tết, cho nên chúng ta cũng có ít nhiều kinh nghiệm và kiến thức về ẩm thực. Do vậy, ăn uống nhiều trong dịp Tết, có lẽ không phải là vấn đề lo lắng lắm !!!
Tuy vậy những ngày Tết cổ truyền Việt Nam cũng có những đặc trưng riêng biệt mà chúng ta cần chú ý.
Chuẩn bị những thức ăn gì cho ngày tết đến
Không quá cầu kỳ, đắt tiền, nên chuẩn bị những đồ tươi dự trữ: Cà chua, dưa leo, cà rốt tươi, cải salad tươi...
Mỗi ngày, luôn luôn cần phải có những thức ăn trên, để bổ sung chất tươi, chất xơ. Ngoài ra, còn có thêm các loại trái cây, rau quả như chuối, cam, táo… để có thêm sinh tố khác nhau, nhất là sinh tố C giúp cơ thể được dễ chịu, khỏe hơn. Chỉ cần ăn một ít thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, thoải mái, yêu đời như điềm lành sức khỏe đầu năm…
Ích lợi của tủ lạnh bảo quản thức ăn, giảm bệnh lý đường tiêu hóa
Nếu thức ăn được giữ trong môi trường lạnh sẽ giúp thức ăn giữ được lâu hơn và làm chậm sự ôi thiu nhiễm nấm móc hư hỏng.
Nhiều thống kê về dinh dưỡng trên thế giới về phương tiện dự trữ thức ăn, người ta nhận thấy từ khi tủ lạnh được sử dụng phổ biến trong quần chúng thì tần suất ung thư đường tiêu hóa (ung thư dạ dày, ung thư đại tràng…) trong dân chúng đã giảm đi 1/10 so với 50 năm trước đây.
Ngày Tết tránh nhiều đồ ăn, thức uống nào?
Trên một sức khỏe bình thường của con người, ngày Tết (truyền thống) được ăn nhiều, uống nhiều… và thường là các thức ăn có nhiều dầu mỡ (chất béo), nhiều chất gia vị… là nguyên nhân gây viêm dạ dày, viêm ruột của đường tiêu hóa....
Với những bữa tiệc liên tiếp thường dễ gây rối loạn, bất lợi cho hệ tiêu hóa: Uống nhiều bia rượu với nồng độ cồn cao sẽ khiến cho ta chán ăn trong những ngày sau đó. Hút nhiều thuốc… dễ gây viêm họng, viêm phế quản-phổi, gây sốt ho, kiệt sức. Thức ăn mỡ béo ngày Tết: đồ chiên xào nên hạn chế, ăn vừa phải. Hơn nữa một số nơi thường hay dùng dầu chiên cũ: dùng đi dùng lại nhiều lần dầu chiên sẽ tạo ra những thành phẩm thứ cấp, không kiểm soát được, là mối nguy về sau không lường hết được.
Đồ ăn, thức uống nóng quá hoặc lạnh quá, thứ nào tốt nhất?
Tránh cả thức ăn “nóng quá” hoặc “lạnh quá”. Đồ ăn, thức uống tốt nhất là đun sôi và để ấm lại trước khi dùng. Tại sao? Vì thức uống âm ấm thích hợp với môi trường nhiệt độ trong cơ thể. Nóng hoặc lạnh quá, nhiều hoặc ít, sẽ gây tổn thương lớp niêm mạc đường tiêu hóa, tạo điều kiện thuận lợi làm tế bào đột biến lâu dần sẽ hình thành ung thư (ác tính).
Hầu hết thức ăn ngày nay đều được chế biến và hình thành thành phẩm thức ăn nóng hoặc lạnh. Nhiều bậc cha mẹ tưởng cho con trẻ ăn như vậy là ngon miệng là giúp con mình khỏe mạnh theo nếp suy nghĩ đơn giản, điều đó không đúng.
Tại sao nên tránh ăn nóng hoặc uống nhiều thức uống lạnh liên tiếp? Vì: Hại răng, lợi; hại đường tiêu hóa; dễ bị nhiễm trùng, viêm họng.
Trong một thống kê trên, những người luôn có thói quen ăn đồ ăn thức thật nóng, tỷ lệ ung thư vòm hầu tăng rất cao.
Tại sao nên hạn chế uống quá nhiều bia rượu?
Ngày Tết là dịp anh em, bè bạn họp mặt, viếng thăm các bậc chú bác trong gia tộc. Nếu tính bằng lượng thì khi đi đến chúc Xuân gia tộc: mỗi nhà một vài lon bia hoặc một vài chung rượu, kể cả nước ngọt… có lẽ cơ thể phải chịu đựng nặng nề. Vậy tốt nhất là uống mỗi nhà một ít, không nên quá độ, uống nạp, uống so tửu lượng… để lại tình trạng kiệt lực, cảm giác mệt mỏi trong những ngày xuân.
Một câu chuyện vui cùng các bạn
Các đây nhiều năm, có dịp hai vị thầy là giáo sư đại học y khoa của chúng tôi ở Pháp (Bordeaux và Marseille) có qua Việt Nam ghé thăm. Chúng tôi mời hai thầy ra quán ăn đồ biển (fruits de mer: nghêu, sò ốc, hến…). Vì món chấm chủ yếu của Pháp là muối tiêu, nên ăn đồ biển, chấm muối tiêu chanh là thích hợp nhất. Khi ăn xong hai thầy kết luận: đi nhiều nơi trên thế giới nhưng muối tiêu tại Việt Nam là quá ngon (excellent). Hỏi ra mới biết là trong chén muối tiêu ấy (1/3 là muối, 2/3 là bột ngọt). Tối về hai thầy gọi điện thoại cho chúng tôi biết là bị đau do viêm dạ dày cấp… và phải uống thuốc dạ dày mới khỏi. Có phải chăng hai thầy quá mẫn với bột ngọt?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.